5 lưu ý quan trọng khi luyện Taekwondo bắt buộc phải nhớ

Là môn võ thông dụng bậc nhất thế giới, Taekwondo cũng có những lưu ý bắt buộc mà người tập luyện cần phải nắm vững trước khi áp dụng thực chiến.

1. Kỹ năng quan sát

Yếu tố quan trọng để phòng thủ cũng như phản công chính là ở con mắt quan sát tốt.

Mắt phải đặc biệt hướng theo các đòn đánh, không được phép lơ là coi thường đối thủ. Mặt khác, đôi mắt chính là “con dao hai lưỡi” có thể biến hóa khôn lường để lừa dối đối phương. Ngay cả lúc tập luyện cũng phải coi nhưng đang tác chiến thực sự mới đạt được hiệu quả cao.

2. Thành thục bộ tấn

– Tấn pháp chính là khởi nguồn của sức mạnh. Dù là những cú đấm hay những đòn đá, muốn chuẩn mực và phát huy sức mạnh tối đa đều cần một bước xuất phát tạo đà lực chuẩn mực. Thế nên, bộ tấn chắc chắn và linh hoạt sẽ giúp bạn gia tăng sức mạnh và độ ổn định tối đa chống sơ hở.

– Kết thúc một đòn có ý nghĩa là kết thúc một tấn. Kỹ thuật và tấn pháp luôn đi cùng. Khi tấn hoàn thành thì đồng thời là kỹ thuật tay hoặc chân cũng kết thúc. Qua đó cho người tập có sự ổn định cao nhất, sức mạnh được thể hiện tối đa. Người tập giữ được thăng bằng và cho người xem thấy được sự sắc bén (độ nét). Không nên kết thúc một kỹ thuật rồi mới kết thúc tấn hoặc ngược lại. Tấn pháp yêu cầu phải vững chắc, thăng bằng, linh động, kỹ thuật tay với các động tác phải đảm bảo 3 yếu tố: Quỹ đạo, tốc độ và lực ra đòn.

3. Di chuyển

– Đối với Taekwondo, môn võ chú trọng phát triển những đòn chân lấy ưu thế độ linh hoạt và tốc độ để áp đảo đối phương thì di chuyển là một vấn đề vô cùng quan trọng. Vậy nên, cân bằng là yếu tố cần thiết trong luyện tập cũng như chiến đấu thực tiễn.

-Luôn giữ lưng thẳng tự nhiên (không khom lưng) để có bước di chuyển ổn định. Tấn pháp di chuyển cần vững vàng, linh hoạt, thân pháp cần mềm mại, yểu chuyển. Từng nhịp điệu nhuần nhuyễn phối hợp với sự xoay lắc, luồn lách linh hoạt, gọn gàng, không được phép dư thừa bước chân.

-Khi muốn di chuyển, hãy phối hợp nhuần nhuyễn các thế tấn phối hợp nhịp nhàng với nhau, luôn thực hiện bằng sự co duỗi của đầu gối. Điều quan trọng hơn cả là luôn giữ trọng tâm cơ thể ổn định, không nhấp nhô trong quá trình thực hiện động tác.

– Vị trí ban đầu (khởi quyền) cũng là vị trí kết thúc của bài quyền.

4.Nhịp thở – Điều quan trọng duy trì sức mạnh

Khi thực hiện bài quyền Taekwondo cũng như chiến đấu, nhịp thở chính là căn bản của việc điều phối lực. Lấy hơi sao cho phù hợp với tốc độ trận đấu, mức độ sức mạnh cần sử dụng.  Tiếng hét (Yah hoặc Kihap) chính là việc lấy một lượng hơi lấy để xuất kình lực vào đòn quyết định, đồng thời là biện pháp để tăng cường tinh thần chiến đấu bản thân, giảm áp lực của đối phương.

 5.Xuất đòn

Với môn võ cần độ linh hoạt như Taekwondo, trong suốt thời gian sử dụng, tuyệt đối cơ thể không được gồng cứng mà luôn giữ độ dẻo dai, linh hoạt. Đặc biệt, không được phép để sự nóng vội ảnh hưởng tới tâm lý. Ngay cả khi tập luyện cũng như chiến đấu, tư tưởng phải tập trung tuyệt đối, thể hiện sự bình tĩnh không lơ là – Hoàn toàn yên tĩnh trong tâm trí là cảnh giới cao nhất cần đạt được.

Tâm pháp của Taekwondo cần thể hiện sự bình tĩnh, tự tin, an nhiên thư thái, thể hiện trí tuệ lĩnh hội thông qua những tổ hợp quyền, những động tác thành thục biến thành thói quen khi sử dụng một cách có chiều sâu, toát lên khí lực mạnh mẽ trong từng chiêu thức.

T.L