Ba nguyên lí của Aikido

1/ Chuyển động (tenkan)

Trong tập luyện Aikido, nguyên lý chuyển động nắm vai trò quan trọng. Khi nói đến sự chuyển động, chúng ta hình dung ngay đến một vật gì có hình tròn, như bánh xe, con quay chẳng hạn. Cơ thể của con người có hình dài đứng, khi xoay chuyển cho phép thân nghiêng ngả vừa phải để giữ thăng bằng, đó là trục cơ thể, vì khi ta phát lực ra từ hai cánh tay, mở rộng một biên độ tròn quanh trục thân, đồng thời một điểm của trung tâm cơ thể này sẽ xuất hiện, tôi gọi là “Tâm”. Vị trí TÂM này mang nhiều tên gọi khác nhau như: Khí Hải Đan Điền, Điểm Duy Nhất, cách gọi “Trung tâm cơ thể” là danh từ dễ hiểu nhất.

nguyen li chuyen dong rat quan trong trong aikido
Nguyên lí chuyển động (tenkan) rất quan trọng trong Aikido

Nhờ chuyển động mà tạo ra dòng khí lưu, trong Aikido gọi là “Ki no nagare”. Dòng khí này sẽ làm nền tảng cho các nhu cầu của kỹ thuật Aikido. Dòng khí này không ngừng tuôn ra (Kio dasu), do kết hợp với hơi thở tự nhiên từ tâm điểm, như tập luyện ném bằng khí lực (kokyu nage), mặc dù kỹ thuật đó đã kết thúc, dòng khí lưu này vẫn không ngừng tuôn ra theo ý của người ném (nage). Điều đó cho thấy ý và khí có quan hệ mật thiết.

Người xưa nói: “Ý tới đâu thì Khí tới đó” là vậy. Trong tập luyện thể dục chuyên môn (Aiki taiso), các động tác giúp võ sinh nắm vững Tâm và Trục có : xoay đổi hướng (Tai no henko), động tác trái phải (Sayu undo), động tác chèo thuyền (Fune kogi undo), động tác chuyển động hai cánh tay (Ude furi undo). Trong bí truyền của võ thuật có nói: “Cái eo nó chuyển là ở chân, cái đầu nó chuyển là ở tay”, nhưng cái eo “TÂM” nó xoay chuyển đúng hơn là cái chân, chỉ có ý thức về đôi chân thì không đủ.

2/ Nhập nội (irimi)

Irimi khác với Omote trong Aikido. Omote có nghĩa là biểu, mặt trước ngược với Ura, mặt sau mặt trong. Vậy, nhập nội (Irimi) là nhập vào đâu? Tại sao?

Khi chúng ta đứng ở tư thế tự nhiên (Shizentai) hoặc thế thủ (Kamae), vòng quanh người ta ở mặt đất có một phạm vi bao quanh người, gọi là: “vùng bất khả xâm phạm” hay còn gọi là “phạm vi an toàn”. Phạm vi này bị kẻ địch nhập vào, các đòn thế của địch thủ khó mà lường được, nguy hiểm thực sự đối với người phòng thủ. Điều đó chẳng khác nào thủ môn trên sân cỏ, khi trái banh rớt vào vùng cấm địa vậy. Lập tức tạo nên một sự hỗn loạn trước khung thành của thủ môn.

doi voi nguoi aikido thi nhap noi la viec bien bi dong thanh chu dong
Đối với người Aikido thì nhập nội là việc biến bị động thành chủ động

Đối với người Aikido thì nhập nội là việc biến bị động thành chủ động. Nhập nội mang ý nghĩa tránh né, nhưng tránh né này mang tính tích cực. Aikido dùng nhập nội nhằm “xóa mục tiêu tấn công” không tránh xa song phải sang trái ở trước tầm nhìn của địch thủ, nói cách khác chuyển Âm thành Dương, biến địch thủ Dương (tấn công) thành Âm. Một khi mục tiêu tấn công bị chớp nhoáng biến mất, địch thủ bị hụt hẫng, khí lực của địch bị tuôn vào khoảng trống. Trung tâm cơ thể (Tâm điểm) biến mất, trục giao động cơ thể mất thăng bằng về trước, trong khi chúng ta đã sử dụng một chuyển động nhập vào vùng nội của địch thủ  xoay cùng một hướng, chỉ cần ta cộng thêm ít lực dẫn dắt cũng đủ cho địch thủ té lăn. Tục ngữ gọi đó là “Tá lực đả lực”. Kết thúc cuộc chiến nhanh nhất và tốt đẹp nhất.

Do vậy mà Nhập nội (Irimi) đồng thời trở thành nguyên lý quan trọng trong Aikido, kết hợp với chuyển động Tenkan, tuy hai mà một.

3/ Điểm, đánh (atemi)

Aikido được mệnh danh là môn võ của tình yêu thương. Điều này không một chút gì nghi ngờ, nhưng tại sao lại có Điểm và Đánh, nó có trái ngược với ý hướng tốt đẹp mà người ta đã tặng cho nó không?

Đúng vậy, nếu một ai đã cố tình hiểu sai điều đó. Aikido là một môn võ hoàn toàn, sự nổi bật của nó để thành môn võ đạo là ở chỗ Aikido đã hoàn chỉnh được một hệ thống lý luận, một nhân sinh quan đúng đắn để chỉ đạo cho kỹ thuật và hành động của mình trong cuộc sống. Đồng thời sử dụng những phương pháp luyện tập này để tôi luyện và khai mở lòng thương yêu vị tha. Tư duy chính đáng khởi đầu cho hành động chính đáng, nằm trong một phương pháp giải quyết một cách xây dựng vì tốt đẹp.

aikido su dung mot so don danh vao diem huyet de lam tn bien su tap trung của doi thu
Aikido sử dụng một số đòn đánh vào điểm huyệt để làm tan biến sự tập trung của đối thủ

Trong Aikido, Atemi sử dụng trên dòng khí lưu, khi ta áp dụng cho kỹ thuật. Mục đích duy nhất của nó dùng để “phá tập trung” (tâm điểm). Trường hợp người tự vệ thiếu lòng tin hoặc có cảm giác rằng đối thủ có khả năng lấy lại sự thăng bằng, trọng tâm.

Đánh vào nơi nào? và cách nào? Đó là câu hỏi cần được nói rõ. Cơ thể con người có nhiều điểm (chỗ nhỏ) quan trọng, những điểm này rải rác cùng người. Ở trong hình đồ châm cứu có quá nhiều, được gọi là “Huyệt”. Tuy nhiên, đối với người luyện võ nói chung, họ sử dụng những điểm này có khác. Người thầy châm cứu dùng nó để cứu chữa cho bệnh nhân được gọi là “Sinh huyệt”, người tập võ dùng nó để gây chấn thương, hủy hoại gọi là “Tử huyệt”. Vì sao nó lại có tác dụng lợi hại như vậy? Bởi vì, các huyệt nằm trên dòng khí lưu của cơ thể, lại gọi là “Kinh”. Đánh trúng các huyệt có thể tạo ra phản xạ, qua các đường kinh vào trong, gây trở ngại chức năng thần kinh, tạo ra choáng váng, nhất thời mất đi ý thức. Đánh bằng nội lực có thể gây bế tắc trầm trọng, dẫn đến tử vong.

Aikido sử dụng một vài Điểm (Huyệt) như là để tạo ra sự phản xạ cho cơ thể, làm tan biến sự tập trung của đối thủ, hầu tạo điều kiện thuận lợi cho dòng khí lưu kỹ thuật của mình được trôi chảy, và nếu như Điểm (Huyệt) đó được đánh trúng, điều đó chính cũng làm cho cánh cửa tình yêu thương của địch, người gây chiến phải mở ra.

Vothuat.info (Theo Aiki Việt)