Ba võ sĩ danh trấn võ đài miền Nam trước năm 1975

Những ai yêu võ thuật ở miền Nam trước năm 1975 đều biết đến tên tuổi của bộ ba Minh Cảnh (quyền anh), Huỳnh Tiền và Minh Sang (võ tự do) vào những thập niên 1940, 1950 và 1960. Minh Cảnh bất bại trong nhiều năm trước khi giành chức vô địch quyền anh Đông Dương.

Cựu võ sĩ Minh Cảnh – vô địch Đông Dương 1946. Còn Huỳnh Tiền đã gần như không có đối thủ ở môn võ tự do trong suốt những năm cuối 1940 và đầu thập niên 1950. Minh Sang tuy thượng đài muộn hơn nhưng sự nghiệp còn lẫy lừng hơn Huỳnh Tiền với chuỗi 64 trận bất bại trong sự nghiệp…

Minh Cảnh – võ vương của Quyền Anh miền Nam

Nhắc đến tay đấm Minh Cảnh, những người yêu võ thuật của miền Nam VN trước năm 1975 đều nhớ ngay đến biệt danh “võ vương” (vua võ) mà báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng cho ông.

Lão võ sư Minh Cảnh  sinh năm 1922 ở Cai Lậy, Tiền Giang. Năm 10 tuổi, ông theo mẹ qua Cao Miên sinh sống. Đến năm 15 tuổi về Sài Gòn – Gia Định lập nghiệp và thọ giáo võ sư Bảy Muôn học võ. Trong sự nghiệp gần 50 năm thượng đài, thành tích cao nhất của ông là đoạt đai vô địch Đông Dương vào năm 1946. Có thể nói với quãng thời gian gần 50 năm theo nghề này, lão võ sư Minh Cảnh là người giàu thành tích nhất của làng đấm bốc VN.

Bắt đầu thượng đài từ những năm đầu thập niên 1940, ông từng chiến thắng nhiều võ sĩ người Việt, Khơme, Lào, Pháp, Ấn Độ… Mãi đến năm 1972 khi đã bước vào tuổi 51, ông vẫn còn đủ sức hạ đo ván một võ sĩ người Úc (nặng hơn ông trên chục ký tại TP Vũng Tàu và chính thức trở thành ông “vua” của môn thể thao này).

Tuy nhiên có một điều ông không thể nào quên đó là chuyện tay trắng vì ham vui. Khi còn thượng đài, cuộc sống của ông lúc ấy rất sung túc. Nhưng sau này khi không còn thi đấu, ông nổi máu “ham vui” khi thành  lập đoàn môtô bay mang tên Minh Cảnh đi biểu diễn ở khắp nơi và cuối cùng lỗ vốn phải rã gánh và quay về nhà “ăn bám” vợ.

Ham vui đến thế, nhưng ông rất chung tình. Con trai ông, võ sư Minh Hoàng, xác nhận: “Ai cũng thừa nhận lúc còn trẻ ba tôi rất phong độ và đẹp trai. Đã có không ít kiều nữ nổi tiếng lúc đó để ý, thậm chí họ còn tự nguyện chu cấp để được chung sống với ông, nhưng ba tôi đã bỏ ngoài tai tất cả để sống chung thủy với mẹ tôi cho đến cuối đời. Mỗi khi nhắc lại điều này, anh em tôi ai nấy cũng tự hào…”.

Huỳnh Tiền – Minh Sang: “không có cơ duyên”

Huỳnh Tiền lớn hơn Minh Sang khoảng một con giáp. Một lão võ sư kể rằng khi tên tuổi Huỳnh Tiền vang danh khắp miền Nam thì Trương Văn Lâm (tên thật của Minh Sang) rời đất Bạc Liêu lên Sài Gòn theo đuổi nghề võ. Chỉ trong một thời gian ngắn, tên tuổi Trương Văn Lâm đã nổi như cồn khi đánh gục các đối thủ nổi tiếng như Nguyễn Đạt, Nguyễn Thôi, Nguyễn Hưng, Phạm Trung Thành… Trở thành nhà vô địch miền Nam, Trương Văn Lâm tự đặt cho mình một nghệ danh mới là Minh Sang.

Những năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950, tên tuổi Huỳnh Tiền và Minh Sang nổi tiếng khắp miền Nam. Nhưng lạ là hai tay đấm này lại chưa bao giờ gặp nhau trong sự nghiệp. Chính vì thế, những người yêu thích võ thuật trước năm 1975 luôn chờ đợi trận tỉ thí của bộ đôi kỳ phùng địch thủ. Nhưng họ đã thất vọng. Tại sao vậy? Lão võ sư Minh Sang trả lời: “Chúng tôi không có cơ duyên”.

Thực tế, theo lời kể của một số lão võ sư, Minh Sang đã có không dưới ba lần thách đấu, nhưng đều bị Huỳnh Tiền từ chối. Một lão võ sư kể lại: “Tôi còn nhớ lần thách đấu của Minh Sang trước Huỳnh Tiền trong trận Tiền gặp võ sĩ Thạch Sum ngay giữa khu hội chợ giải trí trường Thị Nghè cạnh Sở thú vào năm 1956. Trận đấu giữa Tiền và Sum hấp dẫn đến độ khán giả đã xô đẩy chen lấn làm sập cả chiếc cầu bêtông nhỏ bắc từ Sở thú sang khu hội chợ giải trí trường Thị Nghè.

Trận đấu dự kiến kéo dài bốn hiệp (mỗi hiệp ba phút). Đến hiệp thứ ba sau khi tung cú đá bàn xa, chân Sum đã bị kẹt vào dây đài. Tiền khôn ngoan sử dụng thế dựa dây đài hất Sum văng ra. Trán Sum đập xuống sàn, máu chảy xối xả. Trọng tài buộc phải ngưng trận đấu và tuyên bố Tiền thắng cuộc. Ngay sau đó, Sang đã nhảy lên đài và trước đám đông hàng ngàn khán giả, Sang tuyên bố thách đấu với Tiền. Tiền nhận lời, nhưng sau đó không hiểu vì sao trận đấu đã không diễn ra”.

Người ta cũng đồn rằng trận tỉ thí giữa Huỳnh Tiền và với võ sĩ Chà lai Mous Fai Fa của lò Long Hổ Hội diễn ra tại Phan Rí vào cuối thập niên 1950 đã được xếp đặt đưa ra kết quả hòa để tránh xảy ra cuộc đụng độ “một mất một còn” giữa Huỳnh Tiền và Minh Sang.

Theo qui định, người thắng ở cặp Huỳnh Tiền – Mous Fai Fa sẽ đụng với Minh Sang để tranh ngôi vua võ tự do lúc bấy giờ. Đích thân Sang đã ra Phan Rí xem trận đấu này với hi vọng sẽ được đấu với Huỳnh Tiền. Nhưng Sang đã thất vọng bỏ về vì sau bốn hiệp đấu, trọng tài xử hòa để không ai phải đụng với Sang!
Các lão võ sư nhận xét trong trường hợp có xảy ra trận chiến thì Tiền cũng khó hạ được Sang. Ưu điểm của Huỳnh Tiền là lanh lợi và khôn ngoan, nhưng ông ít có đòn hiểm hơn Sang.

Minh Sang và tuyệt chiêu “gối bay”

Với Sang, vũ khí số một của ông là đòn “gối bay”. Sang đã biết đến đòn này khi còn là học trò của ông Ba Sen – thầy dạy võ nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Sau này khi đặt chân lên đất Sài Gòn năm 24 tuổi, Sang đã khổ luyện đòn này với sự hướng dẫn của thầy Tư – người nghiên cứu rất kỹ tuyệt chiêu này qua những lần xem võ sư Đông Phương Sóc thi đấu.

Trong sự nghiệp 64 trận bất bại của mình, Sang đã nhiều lần sử dụng tuyệt chiêu này để hạ đối phương, trong đó khó quên nhất là lần hạ đại kình địch Nguyễn Giàu, người được xem là nhà vô địch đất miền Tây thập niên 1950 trong trận tỉ thí vào năm 1961.

Sàn đấu được dựng lên ở một trường học thuộc tỉnh Bạc Liêu và người thắng cuộc nhận được khoảng 4.500 đồng (hơn ba cây vàng vào lúc bây giờ). Bên cạnh sàn đấu còn đặt… một cái hòm với dòng chữ: Người chết phải chịu trách nhiệm nếu xui xẻo bị thiệt mạng! Và cuối cùng Minh Sang đã chiến thắng.

Thua trận, Giàu đã phải mất đến hai tháng để trị thương, nhưng gương mặt ông vẫn còn vết sẹo từ trên trán xuống dưới mí mắt vì tuyệt chiêu gối bay của Sang. Sau này, khi tái ngộ nhau trong một giải võ thuật tổ chức ở An Giang, cả hai lão võ sư đã có cái bắt tay đầy tình thân hữu.

Minh Sang nói rằng ông thắng trận nhưng mãi mãi vẫn kính trọng Nguyễn Giàu bởi theo ông: “Võ là đạo. Tôi tự hào nhất không phải là những trận bất bại trên sàn mà là sau khi treo găng vẫn được nhiều người yêu mến, kính trọng…”.

Theo Tuổi trẻ