Tinh thần Samurai – 7 nguyên tắc của võ sĩ đạo Nhật Bản

Nhắc đến Nhật Bản, ngoài liên tưởng đến xứ sở rực hoa anh đào, nổi bậc với những đỉnh cao công nghệ thì nhiều người còn nhớ đến tinh thần Samurai đoàn kết, hy sinh vì người khác, cống hiến hết mình và coi nhẹ cái chết.

Chính điều này đã tạo nên sức mạnh to lớn góp phần giúp Nhật Bản vực dậy sau rất nhiều nỗi đau thương mất mát trong quá khứ. Thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tinh thần Samurai – 7 nguyên tắc của võ sĩ đạo Nhật Bản.

Thế nào là tinh thần Samurai?

Xét trong danh từ quân sự, chúng ta có thể gọi Samurai là người thị vệ hay cận vệ. Điều này giúp bạn dễ dàng phân biệt được hai chữ Samurai và Bushido (võ sĩ đạo). Hai chữ này tuy hai mà một và tuy một nhưng lại là hai. Vì vậy mà cùng với sự phát triển của cuộc sống, việc bảo vệ lãnh thổ, đất đai đã là chuyện tất yếu và chiến tranh trở thành mối đe doạ khủng khiếp mà con người phải gánh chịu. Ngược lại dòng lịch sử Nhật Bản, Samurai là một giai cấp chiến binh thị vệ đầu tiên do triều đại Mạc Phủ Đằng Nguyên (thế kỷ 12) thiết lập nhằm tạo ra một giai cấp chiến binh trung thành để bảo vệ ngôi vị Shogun (Tướng Quân) của dòng họ Đằng Nguyên.

Người nào muốn trở thành Samurai thì phải hội đủ ba yếu tố: trung thành – can đảm – danh dự. Để gìn giữ các yếu tố này một cách tuyệt đối, có trách nhiệm, các samurai phải qua những chuẩn bị cần thiết để có thể đương đầu với kẻ thù. Họ được tập luyện kiếm cung từ nhỏ, thực hành trà đạo, thi ca và hội họa. Từ đó, tinh thần Thần Đạo, Võ sĩ đạo đã dần dần thấm nhuần vào tư tưởng hành động của các samurai.

Các võ sĩ đạo Samurai được ví như hoa anh đào. Bởi đời sống của những đóa hoa này rất ngắn ngủi, nhưng chúng có hai lần tuyệt đẹp: một là khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng xuân và hai là khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống của mình đẹp như đời sống của những đoá hoa này. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.

Những đặc quyền mà người võ sĩ đạo có chính là việc họ được phép mang hai thanh kiếm khác nhau ở bên trái, một dài (katana hoặc tachi) một ngắn (wakisashi) và có thể thêm một con dao nhỏ được gọi là tanto, thông thường dùng để mổ bụng tự sát (hara-kiri hoặc seppuki). Tất cả những vũ khí này đã được sử dụng vào cuối thời Kamakura (1185-1333), trước đó cung tên là vũ khí chính. Người dân bình thường không được phép mang các loại vũ khí đó và có thể bị chém nếu có ý định chống đối võ sĩ đạo.

Trong giới võ sĩ đạo thì cái chết đối với họ nhẹ tựa như bông, nhưng chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku là một hình thức tự sát được xem là danh dự, đây là một phần truyền thống võ sĩ đạo, một phần mà những kiếm sĩ không thể từ chối.

7 nguyên tắc của võ sĩ đạo Nhật Bản

Ở Nhật Bản thời trung cổ có 7 quy tắc đạo đức mà các võ sĩ, Samurai phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất sắc nét, mạnh mẽ, chính trực và thanh tao:

義 (Gi – Công lý): việc đánh giá danh dự và công lý đối với Samurai phải tuyệt đối rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen. Họ luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân, không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại mọi thế lực xấu xa, tàn ác. Đối với họ, niềm tin không phải ở người khác, mà trong chính bản thân mình. Con người trung thực không bao giờ sợ sự thật.

仁 (Jin – Nhân từ): Có thể nói đây là thuộc tính cao nhất của tinh thần. Đó là sự từ bi cho người khác. Sự cảm thông và bao dung, độ lượng, có thể chấp nhận mọi bất đồng kể cả kẻ thù của mình. Lòng nhân từ có thể cuốn trôi bất cứ điều gì cản trở sức mạnh dưới sự ảnh hưởng của nó, cũng giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để dùng cho lợi ích chung chứ không phải những toan tính , vụ lợi hay hận thù cá nhân.

勇 (Yu – Can đảm): Việc trốn tránh nguy hiểm đối với các võ sĩ thì thà cho họ chọn cái chết. Samurai phải có tinh thần của một người anh hùng, nhưng không phải là sự hy sinh mù quáng, Samurai sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ. Cái chết cho một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. “Đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”. Người Nhật nói chung có triết lý rằng “nếu chết thì phải chết đẹp”, đẹp ở đây không phải là ở hình thức mà là sự trong sạch của tâm hồn. Tinh thần võ sĩ đạo coi trọng cái chết, họ luôn quan niệm rằng “một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”. Bởi cuộc đời họ tựa như sự rực rỡ ngắn ngủi của hoa anh đào như đã nói ở trên là như vậy.

礼 (Ray – Tôn trọng): Samurai quan niệm: “Hình thức lịch sự cao nhất là sự tôn trọng”. Vậy nên mọi hành động phải xuất phát từ sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Họ không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất các Samurai cũng phải lịch sự. Nếu không có phẩm chất này, họ nghĩ mình sẽ không hơn gì một con thú.

誠 (Makoto – Sự chân thành): Không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở.Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.

名誉 (Meyё – Danh dự): Ý thức về nhân phẩm là giá trị cốt lõi trong mỗi con người, “Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, người duy nhất được phán xét ta là “chính ta”, nên những hành động của bạn phải thể hiện chính con người của bạn và luôn được đánh giá cẩn trọng.

忠義 (Chu gi – tận tâm): Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn nào khác ngoài lòng trung thành. “Một samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”. Samurai tự chịu trách nhiệm cho mỗi một hành động của mình bằng tất cả sự trung thành, không ích kỷ, trung thành với lãnh tụ của mình, và là tấm gương cho cấp dưới noi theo.

Anh Thư (T.H)