Võ công kì lạ nhất võ lâm: Muốn thành cao thủ phải chịu… “mất đời trai”

(VoThuat.vn) – Khắp giang hồ đều thèm khát Quỳ hoa bảo điển, để rồi kinh sợ khi gặp phải cao thủ nào luyện môn võ công này. Sự thật, để luyện thành Quỳ hoa bảo điển, người luyện phải chấp nhận đánh đổi một thứ vô cùng quý giá.

Nguồn gốc

Quỳ hoa bảo điển xuất hiện trong tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ” được tiết lộ theo lời kể của “Phương Chứng Đại Sư”, trụ trì “Thiếu Lâm Tự”, khi bàn việc cùng Lệnh Hồ Xung và “Xung Hư đạo trưởng” phái “Võ Đang” trên đỉnh núi Hằng Sơn.

Đây là bí kíp lợi hại được một cặp vợ chồng tạo ra với tên gọi đầu tiên của người chồng có chữ “Quỳ”, người vợ có chữ “Hoa” sáng tạo nên. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích, cuối cùng cả hai vợ chồng đã đi ở ẩn, xa lánh cõi trần và pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của người chồng gọi là Càn kinh. Bộ của người vợ kêu bằng Khôn kinh.

Sau một thời gian, bộ sách này vô tình truyền đến phái Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến. Cũng thời gian đó, có hai tiền nhân phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (sau này là tổ sư phe Khí tông) và Chu Tử Phong (sau này trở thành tổ sư phe Kiếm tông) cùng đến Nam Thiếu Lâm không biết bằng cách nào đọc lén được bộ sách rồi về Hoa Sơn tu luyện. Khi biết chuyện, trụ trì Nam Thiếu Lâm là Hồng Diệp thiền sư đã sai môn đồ của mình là Độ Nguyên đến Hoa Sơn khuyên hai người kia không nên rèn luyện “Quỳ Hoa Bảo Điển”.

 

Hai người kia tưởng lầm “Độ Nguyên” đã tinh thông bộ Bảo Điển nên đọc lại nhờ nhà sư kiểm chứng. Không ngờ Độ Nguyên thực ra không biết gì hết, nhưng cũng bị cuốn hút bởi bộ sách nên dụng tâm ghi nhớ, đêm về chép lại vào trong áo cà sa, sau đó hoàn tục trở thành Lâm Viễn Đồ, phát triển những kiến thức về kiếm thuật từ Quỳ Hoa Bảo Điển thành Tịch Tà Kiếm Phổ của họ Lâm nổi danh giang hồ.

Về sau, bộ sách truyền đến Đông Phương Bất Bại, là người duy nhất rèn luyện thành công bí kíp võ công này và trở thành cao thủ không ai địch nổi.

Võ công kì dị nhất – đánh đổi bằng “đời trai”

Cũng giống như Tịch tà kiếm pháp, muốn luyện Quỳ Hoa bảo điển phải  “dẫn dao tự cung” (tự thiến thành thái giám). Đây là loại võ công mang tính dương tà, khi luyện hơi nóng sẽ bốc lên ngùn ngụt vì vậy cần phải cắt đi bộ phận sinh dục để tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma. Vì thế Đông Phương Bất Bại cũng chung số phận với Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần trở thành kẻ ái nam ái nữ.

Đông Phương Bất Bại sau khi luyện Quỳ hoa bảo điển thì tính khí bắt đầu bị nữ hóa. Người này còn tự trang trí lại căn phòng chính của giáo phái thành một tẩm cung (loại cung đình dành cho vương phi hoặc hoàng hậu thời đó) và thường xuyên ngồi thêu hoa…

Chính vì luyện thành Quỳ hoa bảo điển nên Đông Phương Bất Bại có võ công phi phàm, ai ai cũng khiếp sợ. Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung cũng không thể làm gì được.

Cuối cùng cao thủ này chỉ chịu thất bại khi Nhậm Doanh Doanh khống chế chàng trai nhân tình của Đông Phương Bất Bại là Dương Liên Đình.

Sau khi Đông Phương Bất Bại chết, Nhậm Ngã Hành tiết lộ chính ông ta đã bẫy Đông Phương Bất Bại bằng bộ sách này, và đã phá hủy luôn cuốn bí kíp. Từ đó, Quỳ hoa bảo điển hoàn toàn biến mất trên đời.

Nói về những bí kíp võ công trong các tác phẩm kiếm hiệp, Quỳ hoa bảo điển được coi là tuyệt kỹ gây ra nhiều tranh cãi nhất xung quanh việc nó có thật hay không.

Ngay từ nguồn gốc, khác với quan điểm bí kíp do cặp vợ chồng tiền nhân phái Hoa Sơn sáng tạo nên, một số ý kiến khác lại cho rằng Quỳ hoa Bảo Điển thực chất là tác phẩm của một thái giám trong cung vua, nên muốn luyện thì đầu tiên là phải “dẫn đao tự cung”.

Thực tế cũng có nhiều nhà nghiên cứu võ thuật đã lên tiếng phủ nhận về độ xác thực của Quỳ hoa bảo điển bởi không có một tài liệu đáng tin cậy nào nói về thứ bí kíp lạ lùng này.

Thậm chí người ta cũng không hiểu đây thực chất là bí kíp luyện khí, nội công hay là những đòn thế thực chiến. Điều này là hoàn toàn khác so với những bí kíp được dựa trên thực tế có thật như Dịch cân kinh, Cửu âm chân kinh…

Nhiều người cho rằng, Kim Dung đã cố tình “hư cấu” ra Quỳ hoa bảo điển để làm tăng thêm tính hấp dẫn và ly kỳ cho tác phẩm tiểu thuyết của mình.

Ngược lại, một số fan của Kim Dung và các câu truyện kiếm hiệp lại vẫn tin loại tuyệt kỹ này là có thật, tuy nhiên nó đã bị thất truyền qua hàng ngàn năm…

Hoài Phương