Wladimir Klitschko: Cánh tay trái huyền thoại

Trong thời đại mà những tay đấm kiểu “nồi đồng cối đá” luôn là hình mẫu được yêu thích tại các trận đấu quyền Anh hạng nặng, Wladimir Klitshko đã làm nên cả một đế chế của sự khác biệt, một lối chơi kỹ thuật, tinh tế tới mức… ức chế. Những cú Jab tay trái chính là yếu tố lớn nhất làm nên sự khác biệt đó.

Những trận thách đấu biến Từ Hiểu Đông thành… ruồi muỗi

Huyền thoại Boxing nói việc đưa võ sĩ chuyên nghiệp vào Olympic là điên rồ

Lỳ lợm, lao vào nhau với những pha “khô máu” cho tới khi một người bị knock down, chú trọng vào sức mạnh và khả năng chịu đựng… đó là những gì dễ nhận ra nhất ở khái niệm “quyền Anh hạng nặng” đã được thiết lập, đặc biệt từ thời hoàng kim của Mike Tyson.

Khi Mike Tyson thực sự gục ngã trước con dốc tuổi tác vào khoảng năm 2002 trở đi , nhiều tay đấm khác tiếp nối lối chơi máu lửa “lầy lội”. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, từng cái tên một bị chàng trai Ukraine sinh năm 1976 “tắt điện” với những cú Jab (đấm thẳng tay trước – ở đây là tay trái) khó chịu đến phát điên, lối “nhồi” Jab – Straight cổ điển và khả năng kiểm soát khoảng cách gần như hoàn hảo. Tên tuổi Wladimir Klitschko được hình thành theo cách khác biệt hoàn toàn so với những bậc đàn anh cũng như đối thủ ở hạng nặng. Đó không phải là một cuộc đụng độ kiểu xe tăng húc xe lu như trước đây mà là cuộc cân não và so đo kỹ thuật thực sự. Chính Klitshko là người đã mang tinh hoa kỹ thuật Boxing thực sự quay lại với hạng nặng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói đến thế đứng “thiên vị” cho cú Jab – ấn tượng đầu tiên và khác biệt nhất của tay đấm huyền thoại gần 10 năm ngồi vững trên ngôi vương này.

Trong 20 năm tung hoành trên các sàn đài Boxing, trong đó có hơn 9 năm thống trị những chiếc đai, Wladimir Klitschko đã viết lại định nghĩa của quyền Anh hạng nặng bằng những cú “nhồi” Jab – Straight căn bản đến mức khó chịu, cánh tay trái đa năng từ việc nhả Jab tới đánh gạt đòn và khả năng điều chỉnh nhịp trận đấu bài bản như một giáo sư. Đối với Klitshko, đó là một hành trình dài chứ không chỉ riêng một trận thách đấu. Ông đã cho Hasim Rahman “ăn” Jab tới mức nổi khùng mà vẫn phải ngoan ngoãn bị dắt mũi, đã tạt nước lạnh vào mặt David Haye và mới đây, ngay cả trong trận thua với tay đấm trẻ đầy tiềm năng Anthony Joshua, ông cũng để lại một nỗi ám ảnh cực kỳ to lớn về tính khoa học và bài bản trong lối chơi của mình.

NHỮNG LỢI THẾ TỪ CÚ JAB

Klitshko đứng hơi lệch hẳn phần bên trái cơ thể về phía trước. Xét về mặt hình học, cách đứng này có nhiều lợi thế lớn. Kết hợp với phản xạ, thể lực, tốc độ… mọi yếu tố thể chất khác của Klitshko, nó tạo thành một loại ưu điểm mang tính dây chuyền.

  • Giảm tiết diện trúng đòn, khiến cho những cú body shot của đối thủ khó tìm mục tiêu hơn. Cùng chung một nguyên lý và thế đứng tương tự, cha con nhà Mayweather cũng đã hình thành nên thế thủ Philly Shell nổi tiếng “bất khả công phá”.
  • Với cách đứng này, cú Jab (đấm thẳng tay trước) của Klitshko sẽ ở gần đối thủ hơn rất nhiều, từ đó đòi hỏi thời gian ngắn hơn để tung đòn. Từ lợi thế này mà Klitshko có thêm một lựa chọn chiến thuật: giữ đối thủ ở ngoài tầm đánh bình thường, liên tục ghi điểm bằng cú Jab thay vì phải mạo hiểm đôi công.
  • Khi cú vai trước (trái) và cú Jab xoay về phía trước quá nhiều, Klitshko có thể tung cú Straight (đấm thẳng tay sau) với lực đấm lớn nhất có thể, dù cú Jab được bung ra không nhiều. Góc độ của cú Jab kiểu Klitshko thực ra đã “ăn gian” được một khoảng không rất lớn cho cú Straight, khiến cho combo đòn 1 – 2 cổ điển và căn bản trở thành nỗi ám ảnh thực sự.
  • Cũng từ việc xoay vai trái về phía trước, cú Jab của Klitshko khó đoán hơn rất nhiều. Với thế đứng bình thường, cú Jab nhử và cú Jab thực sự mở đòn cho cú Straight có một chút khác biệt về góc độ. Nhưng với kiểu đứng của Klitshko, cú Jab mà ông tung ra ở mọi thời điểm đều có thể là nhử, căn chỉnh khoảng cách, cũng có thể là một cú dồn lực thực sự và “căng vai” để “nhồi” Straight.
  • Với sải tay 206 cm (quyền Anh thế giới quy ước tính sải tay giữa 2 đầu ngón giữa, khi võ sĩ đứng dang tay sang ngang), cú Jab của Klitshko có thêm một lời thế lớn khi nó “ăn gian” thêm được khoảng cách của tấm vai trái đang nhô hẳn về phía trước. Nó khiến Klitshko hoàn thiện khả năng căn chỉnh khoảng cách – kỹ năng “sống còn” của ông trong suốt 20 năm chinh chiến với bộ môn Boxing.

KHẢ NĂNG PARRY TUYỆT VỜI

Khả năng đánh lệch đòn đối thủ (parry) là một trong những lợi thế phụ của việc Klitshko dành nhiều “não” hơn cho cú Jab. Cánh tay trái Klitshko nằm hoàn toàn khỏi vùng nguy hiểm, nhận nhiệm vụ xử lý mọi đòn tấn công của đối thủ trước khi nó kịp vào đến các mục tiêu như mặt hay thân người. Chỉ riêng cú duỗi tay tung Jab của Klitshko cũng đã làm lệch quỹ đạo của rất nhiều phương án ra đòn từ đối thủ.

Klitshko tạo ra dấu ấn của mình, làm nên một thời đại mang riêng tên mình bằng cách hạ độ dồn dập của trận đấu và đưa kỹ thuật lấp vào khoảng trống đó. Trong quan điểm của một lượng lớn người hâm mộ, Klitshko làm Boxing trông chán hơn, ít máu lửa hơn. Bản thân ông cũng có một tính cách điềm đạm hơn, một hình mẫu võ sĩ mà báo chí không có bất cứ thứ gì để khai thác, từ đời tư cho tới những phát ngôn.

Đây là phong cách cũ của quyền Anh hạng nặng, phong cách mà mãi sau 11 năm, chỉ Anthony Joshua dù đánh bại Klitshko nhưng vẫn không thể mang nó quay lại:

Nhưng Klitshko là vậy, một người đã viết lại định nghĩa quyền Anh hạng nặng. Trong võ thuật đối kháng, hạng cân lớn hơn nghĩa là rủi ro nhiều hơn, cái giá của những sai lầm càng lớn hơn. Hãy nhìn sang UFC – nơi mà chưa có bất cứ võ sĩ hạng nặng nào giữ đai được quá 3 trận, bạn sẽ hiểu điều cái giá của “hạng nặng”. Còn với Klitshko, điệu Tango đầy chất xám của ông đã giữ hình ảnh người Đông Âu tồn tại trên đỉnh cao danh vọng suốt 11 năm. Xin nhắc lại, 11 năm, trong đó có 9 năm 7 tháng 7 ngày ông làm chủ những chiếc đai! Thời đại của Klitshko kéo dài thứ 2 trong làng Boxing, chỉ sau huyền thoại Joe Louis của những thập nhiên 30 – 40.

Nhiều người cho rằng Klitshko và Mayweather có những điểm giống nhau, những người dùng kỹ thuật để bảo toàn chiếc đai. Nhưng thực tế họ là những ví dụ rất khác biệt. Nếu Mayweather là một cỗ xe tăng được bọc thép kỹ lưỡng thì Klitshko là tòa lâu đài, và xung quanh có thêm hàng trăm mét kẽm gai, mìn và dây cháy chậm. Cuộc chiến của Klitshko và đối thủ không  nằm ở thời điểm cú đấm chàm vào mặt, mà ngay lúc cú đấm đó vừa được tung ra.

Hồ Võ