Chiêm ngưỡng những truyền nhân tướng Bùi Thị Xuân múa Song Phượng kiếm

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là một trong năm kiếm khách thần sầu có ảnh hưởng lớn nhất đến triều đại Tây Sơn. Bà là vợ của Thái phó Trần Quang Diệu và là nữ Đô đốc duy nhất trong vương triều bấy giờ. Nhưng với người đời, họ chỉ cần ghi nhớ rằng bà mãi là một người con gái đất Tây Sơn yêu văn giỏi võ, là người sáng tạo ra bài Song Phượng kiếm nổi tiếng mà đến nay các môn sinh vẫn ngày ngày tập luyện…

Tương truyền, trên bãi huấn luyện đội tượng binh, ngày nào nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng nhìn thấy 1 đôi chim phượng rực rỡ bay lượn trên vùng trời tại bãi tập, và chúng chỉ bay đi buổi tập kết thúc. Một đêm, bà nằm mộng thấy đôi chim phượng hoàng ấy bay về, miệng mỗi con ngậm một thanh kiếm sáng quắc. Đôi chim phượng lượn vòng nhiều lần rồi nhả kiếm trước mặt bà, như là ban tặng. Bà nhận báu kiếm, lạy tạ trời đất tổ nghiệp rồi tỉnh giấc. Từ đó bà càng thêm gắn bó với đôi chim phượng hay bay từ núi ra mỗi buổi tập, lúc này binh lính đã thấy những đường gươm của bà và nhịp múa lượn của chúng hòa vào làm một.

Rồi một đêm không ngủ được, thần trí anh minh lạ thường, bà đem nghiên bút trút mạch hứng khởi cho ra đời bài võ Song Phượng kiếm:

Hồn thương theo gươm báu/ Mây bay trăng cũng chạy/ Bìa rừng chim phượng múa/ Bốn mùa giữ nước nam/ Đông sương về quan ải/ Ngày sau chim loan bay/ Trời tây nào kiếm khách/ Cánh phượng đến non bồng.

Đó là vào 20 tháng Chạp, tiết Đại Hàn, năm Canh Dần.

Mời độc giả Vothuat.vn cùng thưởng thức Song Phượng kiếm qua phần trình diễn của những nữ võ sĩ miền đất võ sông Côn– những người được xem là “truyền nhân của nữ tướng Bùi Thị Xuân”

Nhật Vũ