Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (kỳ 3)

Kỳ 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức

Kỳ 2: Vovinam – Việt Võ Đạo: Phải chuyển mình mới mong vươn ra biển lớn…

Kỳ 3: Võ cổ truyền TP.HCM – Trên đường thống nhất

Không là nơi khai sinh ra võ cổ truyền dân tộc nhưng tại mảnh đất này, Võ cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất và đi trên con đường thống nhất với vận tốc cao nhất…

Võ cổ truyền TP HCM chỉ có 2.500 võ sinh thì đến nay đã thu hút xấp xỉ 30.000 người thường xuyên tập luyện tại khắp 24 quận, huyện.

Một lễ hội ấn tượng tại thành phố mang tên Bác

Võ cổ truyền TP HCM có rất nhiều môn phái hoạt động. Nếu có ai đó muốn “mục sở thị” thì xin mời đến Công viên Văn hóa Đầm Sen (Q11) vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương hàng năm (mồng 10 tháng 3) sẽ thấy cuộc “hội tụ quần hùng” giữa các môn phái. Tuy chưa đầy đủ nhưng cứ mỗi lần như thế cũng có đến trên 30 môn phái tụ họp, cắm trại, biểu diễn, đấu võ, sinh hoạt vui chơi… Một hoạt cảnh nhộn nhịp, vui vẻ, gần như tiêu biểu cho phong trào võ thuật cổ truyền TP HCM. Các bạn có thể đọc tên từng môn phái trước cổng lều trại, như: Trung Sơn Võ Đạo, Lam Sơn Võ Đạo, Thiếu Lâm Nội Quyền, Thiếu Lâm Tây Sơn, Võ Trận Bình Định, Thanh Long Võ Đạo, Thiếu Lâm Phạm Gia, Nội Quyền Trần Gia, Nga Mi Tinh Hoa… Sở dĩ có sự hội ngộ đông đảo như vậy vì đây chính là “Ngày truyền thống của Hội Võ cổ truyền TP HCM”, khởi đầu từ năm 1991.

Ông Mai Bá Hùng – Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM, phát biểu chào mừng giải Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam
Ông Mai Bá Hùng – Phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, phát biểu chào mừng giải Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV – 2014

Bén rễ từ rất sớm

Ngược dòng thời gian, Võ cổ truyền TP HCM đã thực sự sôi động, được nhiều người biết đến là vào cuối thập niên 80, khi có những cuộc Hội diễn toàn thành, Hội diễn khu vực 3 (từ Bình Trị Thiên trở vào), diễn ra tại CLB Phan Đình Phùng vào tháng 10 và tháng 12/1989; tham gia đồng diễn cùng các môn võ khác tại sân vận động Thống Nhất ngày 20/5/1990, nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Bác Hồ; tham gia biểu diễn 10 buổi ở công viên Văn hóa Tao Đàn nhân ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Dự khán các cuộc biểu diễn trên, quần chúng mới thực sự diện kiến “hình hài” võ thuật Võ cổ truyền Việt Nam với bao vẻ đẹp uyển chuyển cùng sự dũng mãnh điêu luyện qua các bài: Hầu côn, Xà quyền, Trường Long trượng, Đại phục hổ, Độc long kiếm, Liễu diệp song đao, Phi vân kiếm, Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao… Ngoài ra còn có sự tiếp sức của đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp, gồm 38 người, do võ sư Nguyễn Đức Mộc đẫn đầu, về thăm quê hương và biểu diễn tại CLB Phan Đình Phùng tối ngày 20 và 21/7/1989, nhân ngày lễ ra mắt Liên đoàn Võ thuật TP HCM. Sự kiện này xem như mở đầu cho hàng loạt các đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đang hoạt động tại các nước châu Âu về tham gia biểu diễn cùng các môn phái võ thuật trong nước, diễn ra liên tiếp các năm sau đó tạo thành cầu nối cho nhiều cuộc giao lưu sau này với nhiều võ sư Việt kiều khác.

Võ thuật cổ truyền TP HCM luôn vận hành và phát triển theo nhịp điệu của thời gian; nhất là từ khi Hội Võ cổ truyền TP HCM ra đời (1989)

Đến đây thì bức tranh Võ cổ truyền TP HCM đã trở nên sống động, rõ nét hơn với muôn màu muôn vẻ, chinh phục lòng người, tạo thế phát triển tốt hơn trong quảng đại quần chúng cả nước và ngoài nước. Tháng 9/1990, đoàn võ thuật TP HCM gồm 30 người với các võ sư và võ sĩ Võ cổ truyền như: Hà Châu, Lâm Thành Khanh, Lê Kim Hòa, Lê Đình Long… đến Belarussia biểu diễn suốt tháng 10 và sau đó có 3 võ sư lưu lại dạy võ tại đây. Tháng 2/1992, đoàn võ thuật TP HCM do ông Lê Bửu, Giám đốc Sở TDTT TP HCM dẫn đầu lại có dịp đến Ý. Thế là Võ cổ truyền TP HCM có thêm bước tiến phát triển mới: giao lưu hai chiều.

Lá cờ đầu phong trào cả nước

Như vậy, võ thuật cổ truyền TP HCM luôn vận hành và phát triển theo nhịp điệu của thời gian; nhất là từ khi Hội Võ cổ truyền TP HCM ra đời (1989); phong trào đi vào nề nếp qua sự điều hành của một tổ chức quần chúng và đến nay coi như đã phát huy tác dụng. Hàng năm Hội Võ cổ truyền thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thành phố như: Hội Khỏe Phù Đổng; giải Trẻ, Vô địch; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên tuyển để tham gia VĐTQ… cố gắng duy trì một vị thế khả quan trên toàn quốc; nhiều năm liên tục giữ vị trí hàng đầu trong cả nước về Hội thi kỹ thuật. Ở bình diện thi đấu đối kháng, TP HCM xếp sau một vài tỉnh, thành khác; riêng năm 1999, TP HCM giành được 3 HCV-1HCB-1HCĐ, được xem là tiêu biểu cho lực lượng võ sĩ TP HCM ở mức trung bình cao; có nghĩa là trên bình diện chung, lực lượng VĐV thi đấu Võ cổ truyền của TP HCM vẫn có thể chơi ngang ngửa với nhiều tỉnh, thành khác có phong trào mạnh.

IMG_5374-2

Về mặt phong trào, nếu năm 1990, Võ cổ truyền TP HCM chỉ có 2.500 võ sinh thì đến nay đã thu hút xấp xỉ 30.000 người thường xuyên tập luyện tại khắp 24 quận, huyện. Một thành quả lớn của Võ cổ truyền TP HCM: Đơn vị tiên phong bình chọn và hình thành một chương trình huấn luyện chung bên cạnh những bài bản riêng của từng môn phái. Đây chính là sự thống nhất trong đa dạng. Và cũng chính từ sự thống nhất này mới hình thành được hệ thống đẳng cấp và tạo nên sức mạnh tổng hợp. Từ mối dây quan hệ này mà chuyện tập hợp hàng ngàn võ sinh để tham gia đồng diễn trong một dịp lễ hội không còn là chuyện nan giải như ngày trước. Đó là cả một quá trình kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục để các võ phái ý thức được trách nhiệm của mình trước sự bảo tồn và phát huy nền võ học truyền thống của nước nhà mà TP HCM là một trung tâm mạnh. Những thành quả của Võ cổ truyền TP HCM góp phần quan trọng trong việc hình thành 10 võ thống nhất, hệ thống đai đẳng của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam…

Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị

IMG_5381

Câu thành ngữ trên thật ứng với làng võ cổ truyền Việt Nam. Tự hào là miền đất võ dân tộc, nhưng tại Bình Định, cái nôi võ cổ truyền Việt Nam, không thể có được tiếng nói chung bởi không thể tìm được sự đoàn kết, nhất trí, chung lưng, đấu cật giữa các võ đường truyền thống (vốn cũng là một “đặc trưng” phát triển của làng võ sông Côn). TP.HCM thì khác, là nơi hội tụ và từ những cách làm khoa học, hợp lý sự tỏa sáng của võ cổ truyền trên mảnh đất này theo dòng chảy thời gian cũng là kết quả tất yếu.

Đề cập đến thành quả của phong trào Võ cổ truyền TP HCM trong 40 năm qua không thể không nhắc đến công sức đóng góp của các lão võ sư tiền bối và những võ sư trong Ban chuyên môn và BCH Hội – Liên đoàn Võ cổ truyền TP HCM từ giữa thập niên 80 đến nay (Huỳnh Đức Thọ, Lâm Thành Khanh, Lê Kim Hòa, Võ Minh Thế, Lê Văn Lắm, Danh Ngợi, Trương Minh Mẫn, Lê Đình Phong, Phạm Xuân Bản…). Tất nhiên chúng ta cũng không quên những võ sĩ đã dày công khổ luyện từng giành thành tích cao trên đấu trường quốc gia như: Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thành Sang, Quan Vân Triều, Lê Ngọc Điệp, Hà Thị Yến Oanh, Ngô Thị Ngọc Chi, Hoa Ngọc Thắng, Đỗ Vũ Huy, Đỗ Ngọc Hòa, Nguyễn Thái Bảo…

Lợi thế lớn của Liên đoàn Võ cổ truyền TP HCM là có một ban chấp hành chuyên môn giỏi, dồi dào kinh nghiệm (sớm được thành lập và có tiếng nói chung), hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc (võ sư Lê Kim Hòa làm chủ tịch Hội từ năm 1989 đến nay), tạo uy tín lớn trong làng võ dân tộc (các thành viên BCH Liên đoàn TP.HCM đều giữ vị trí trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam). Chính vì vậy, Liên đoàn võ thuật cổ truyền TP.HCM cần giữ vai trò đầu tàu trong việc ổn định, tư vấn, đoàn kết, thống nhất các mối quan hệ trong Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam vì mục tiêu chung để phát triển rộng rãi và đưa võ dân tộc vươn tầm vóc cao hơn với bè bạn quốc tế.

Đón xem kỳ 4: Taekwondo TP.HCM – Giữ vững lá cờ đầu.

Hoàng Võ