Judo đánh bật Jujitsu để trở thành môn võ vật độc tôn ở Nhật

Nhận ra rằng, Jujitsu đang trong nguy cơ diệt vong bởi sự Tây hóa, Kano đã nghiền ngẫm ra một môn võ mới vẫn dựa trên nguyên lý “hiệu quả tối đa với nỗ lực tối thiếu” nhưng ứng dụng nhiều kỹ thuật của Wrestling (vật biểu diễn) của phương Tây vào. Kano đặt tên cho môn võ này là Judo có đầy đủ hệ thống thi lên đai cũng như các qui định về luật lệ và võ phục…

Năm 1860, Jigoro Kano, người sáng lập ra môn Judo sau này, ra đời tại Yamagata. Khi còn nhỏ, Kano có thể trạng yếu ớt và vì vậy tìm đến Jujitsu với mong muốn cải thiện sức khoẻ và tinh thần. Với niềm đam mê Jujitsu mãnh liệt, Kano đã lăn lộn hết lò này tới lò khác để sưu tập các tinh hoa. Nhận ra rằng, Jujitsu đang trong nguy cơ diệt vong bởi sự Tây hoá, Kano đã nghiền ngẫm ra một môn võ mới vẫn dựa trên nguyên lý “hiệu quả tối đa với nỗ lực tối thiếu” nhưng ứng dụng nhiều kỹ thuật của Wrestling (vật biểu diễn) của phương Tây vào. Kano đặt tên cho môn võ này là Judo có đầy đủ hệ thống thi lên đai cũng như các qui định về luật lệ và võ phục…

Tổ sư Jigoro Kano
Tổ sư Jigoro Kano

Năm 1882, ở tuổi 23, trong khi vẫn đang là một sinh viên trường ĐH Hoàng gia Tokyo, Jigoro Kano đã mở một võ đường Judo mang tên Kodokan với vẻn vẹn 12 thảm tập và 9 võ sinh.

Các lớp học Judo đã đánh trúng tâm lí hướng ngoại và làm bùng nổ cơn sốt học Judo tại Tokyo. Judo được đánh giá là một hệ thống võ thuật ứng dụng phương pháp đào tạo khoa học và tiến bộ. Kano đã xây dựng các kỹ thuật trên một góc nhìn thực dụng, loại bỏ sự rườm rà không hiệu quả hoặc nguy hiểm, cải tiến dựa trên hiểu biết toàn diện về võ thuật Nhật Bản và phương Tây.

Cuộc đấu sinh tử

Sự ra đời của Judo đặt Jujitsu huyền thoại trước sự đối đầu một mất một còn. Những ngày đầu, công lao khai sáng Judo còn chưa được nhìn nhận. Thậm chí Kano còn bị coi là đứa con tội đồ của Jujitsu. Những người tâm huyết với Jujitsu chê bai Judo là không thực tế và không được chứng minh trong thi đấu, thêm nữa Judo sặc mùi ngoại lai.

Kano hết sức bức xúc trước những lời thách đấu kiêu ngạo và mong chờ có dịp xuất quân. Cơ hội đến vào năm 1886, Sở cảnh sát Tokyo mời các võ sư xuất sắc nhất từ 2 trường phái Jujitsu và Judo tham gia giải đấu lịch sử trước khi mời trợ giảng cho lực lượng cảnh sát.

Judo_MM3

Cuộc tỉ thí diễn ra giữa những người khổng lồ: một bên là các võ sĩ Kodokan và một bên là các võ sư giỏi nhất của lò võ Jujitsu Yoshin. Đây hoàn toàn không phải là trận đấu mang ý nghĩa thắng thua thông thường mà cao hơn là danh dự, là sự công nhận tồn tại hay diệt vong của cả một trường phái võ.

“Trận đấu bắt đầu!”, tiếng hô của trọng tài cất lên khởi đầu cho một ngày thi đấu ngột ngạt vào 11/6/1886 tại đền thờ Yayoi. Trong 13 trận đầu ra quân, Kodokan đã đại thắng với 11 trận thắng và chỉ có 2 trận thua. Tuy nhiên mọi con mắt vẫn dồn vào 2 trận đấu máu lửa cuối cùng với sự thượng đài của 2 võ sĩ Jujitsu danh bất hư truyền.

Trận đấu thứ 14, Sakujiro của Kodokan tiếp Hansuke. Hansuke là một đại võ sư Jujitsu thời bấy giờ được coi là người đàn ông mạnh nhất nước Nhật với chiều cao 1m76 và nặng 94kg. Hansuke thậm chí có khả năng treo cổ lên cây mà không cảm thấy đau đớn. Sakujiro với thân hình nhỏ bé hơn nhiều đã phải vận dụng toàn bộ kỹ thuật để chống lại một đối thủ khổng lồ. Trận đấu kéo dài tới 55 phút và trọng tài buộc phải chấm dứt trận đấu và tuyên bố hòa.

Trận đấu thứ 15 được coi là một trận chung kết. Entaro không hộ pháp như Hansuke nhưng được coi là người kế thừa hoàn hảo nhất các kỹ thuật Jujitsu lao lên võ đài. Trong khi đó Shiro – con át chủ bài của Kodokan – lơ đãng bước vào trận đấu. Ngay lập tức, Entaro tiếp cận túm lấy võ phục của Shiro và ném lên không trung. Đám đông khán giả nín thở trước nguy cơ gẫy vụn xương lưng khi Shiro rơi xuống đất. Nhưng thật bất ngờ, Shiro thực hiện một cú lộn giữa không trung và tiếp đất bằng cẳng tay và đầu gối. Entaro chưa hết bàng hoàng thì bỗng nhiên tay và và cổ bị kẹp trong thế gọng kìm, Shiro với ánh mắt nảy lửa lấy thân mình làm tâm xoay tròn Entaro nhiều vòng quanh mình. Đám đông hét lên “Yama Arashi” – một tuyệt chiêu của Judo. Bị quăng xuống thảm, Entaro lảo đảo đứng lên và lĩnh tiếp một đòn quật khác. Trận đấu đã được định đoạt cũng như số phận của Jujitsu, Sairo đã thắng trận đấu vĩ đại nhất trong lịch sử Judo.

Với cuộc thách đấu thất bại, số phận của Jujitsu coi như đã được định đoạt, nó chuyển thành một thứ võ gia truyền và theo chân một số kiều dân Nhật ra nước ngoài thu hút một số lượng không đáng kể môn đồ trên thế giới.

Ngoài công lao sáng lập Judo, Kano còn có công rất lớn trong việc phổ biến nó ra thế giới bên ngoài. Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, Kano đã nhiều lần vượt biển ra nước ngoài giới thiệu Judo. Kano đến Anh năm 1920 và Mỹ năm 1932. Năm 1938, Kano tham gia cuộc họp Olympic quốc tế tại Cairo với tư cách ủy viên Ủy ban Olympic quốc tế Nhật Bản, trên hành trình qua biển trở về, Kano đã chết mà hoàn thành được ước vọng đưa Judo trở thành môn thể thao Olympic. Tuy nhiên lúc này Judo đã có sự lớn mạnh đáng kể, Kodokan của Kano có hơn 100.000 võ sĩ đai đen luyện tập. Ngày nay Kodokan nằm ở vùng hạ Tokyo là trụ sở Liên đoàn Judo quốc tế và có hơn 500 thảm tập với hàng ngàn võ sĩ đai đen.

Trí Minh (tổng hợp)