Văn hóa Karate và nghịch lý “nhất kích tất sát”

Karate được mệnh danh như một môn võ có khả năng “nhất kích tất sát” (một đòn kết liễu được đối thủ và chấm dứt tình huống), khiến người ta hình dung về Karate như một môn võ thuật thiên về tấn công. Suy nghĩ ấy liệu đã đúng?

Những điểm khác nhau giữa Kung Fu và Karate

Cú đá của võ sĩ Kyokushin Karate khiến Jean-Claude Van Damme phải sửng sốt

Tổ sư Karate Gichin Funakoshi luôn dạy các môn đồ: “Karate không có kỹ thuật chủ động tấn công”. Điều này được thể hiện trong cả các bài quyền và kỹ kích của Karate. Hầu hết các bài quyền của Không thủ đạo đều bắt đầu từ một kỹ năng phòng thủ. Ngày nay, kể cả khi Karate đã được thể thao hóa và các VĐV luôn phải sử dụng kỹ thuật một cách triệt để hơn, lối đánh thành công nhất của Karate thể thao vẫn là chủ động phòng thủ, phán đoán cơ hội trước khi ra đòn.

Đó là văn hóa Karate, một nét văn hóa đề cao các giá trị nhân đạo, chú trọng tinh thần bác ái. Như chúng ta thấy trong cuộc sống của các vị tiền bối của Karate như : Gichin Funakoshi , Hohan Soken, Kenwa Mabuni, Chojun Miyagi , Hidonori Otsuka, họ thường không bao giờ đem sự hiểu biết về không thủ đạo của mình mà sử dụng nó có tính cách không tốt và không đúng đắn.

Văn hóa đó tưởng chừng là điều nghịch lý với đặc tính kỹ thuật “nhất kích tất sát” của Karate. Nhưng không, nó không phải là sự đối nghịch, mà là sự kiểm soát. Nghệ thuật của Karate vốn là nghệ thuật kiểm soát cơ thể và chuyển động cơ thể. Văn hóa của Karate là văn hóa kiểm soát khả năng bạo lực đáng sợ của mỗi võ sinh.

Karate thể thao vẫn chú trọng những nét văn hóa truyền thống vốn có của bộ môn.

Không thủ đạo không đơn thuần chỉ là đấm đá mà nó bao gồm cả thể xác lẫn tinh thần và quá trình tu tập của nó được nung đúc sàng lọc kỹ lưỡng đặt trên căn bản triết lý nhà Phật (Bukyo) , của Thần đạo (Shinto) và Võ đạo (Budo). ” Trong đó Tâm thế đạo đức là yếu tố tinh thần (Seishin) còn Thần đạo và võ đạo là yếu tố hành vi ứng xử trong cuộc sống xã hội (Shakai). Trong 5 điều huấn thị mà tổ sư Funakoshi để lại, cả 5 điều đều là những lời giáo huấn về việc rèn luyện nhân cách của Karateka (võ sinh Karate) chứ không đề cập đến kỹ thuật hoặc làm sao để đả thương người khác tốt hơn.

Phòng thủ – phản đòn vốn đã là lối đòn đặc trưng của Karate cổ điển.

Phạm Vũ