Khi Taekwondo Hàn Quốc quyết thâu tóm hết huy chương

(VoThuat.vn) – Đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam vừa trở về từ Giải Vô địch Quyền Taekwondo Thế giới với những thành công vượt ngoài dự tính. Tuy nhiên, sau giải đấu, Taekwondo Việt Nam cũng có những vấn đề cần suy ngẫm lại.

Đội tuyển quyền Việt Nam vừa kết thúc Giải Vô địch Quyền Taekwondo Thế giới 2018 với thành tích vượt ngoài mong đợi. Đội tuyển quyền Việt Nam đạt thành tích 3 HCB và 4 HCĐ. Đây được xem như một thành công của tuyển quyền Taekwondo Việt Nam nếu biết những khó khăn đội tuyển gặp phải.

Đầu tiên, đây là giải đấu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 1200 VĐV đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Thêm vào đó, Hàn Quốc với tư cách là cường quốc Taekwondo số một tham dự ở tất cả các nội dung. Việc Hàn Quốc tham gia ở tất cả các nội dung thi đấu là một thách thức lớn đối với tất cả các nước tham dự. Sự thật thể hiện ở giải đúng như vậy khi Hàn Quốc thâu tóm hầu hết huy chương ở các nội dung. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam không có khả năng cạnh tranh huy chương.

Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh huy chương ở cấp độ thế giới

HLV Nguyễn Thanh Huy – HLV trưởng đội tuyển quyền Việt Nam chia sẻ: “Thực ra thì Hàn Quốc vẫn sẽ có một số nội dung không thật sự mạnh nhất và chắc chắn trong suốt quá trình dự thi 5 trận đấu liên tục ở những bài quyền khác nhau vẫn có thể xảy ra sự cố kỹ thuật. Do đó, Hàn Quốc cũng đã thua ở 4 nội dung và không tham gia ở 2 nội dung (quyền sáng tạo đồng đội 5 người). Như vậy, với khả năng và trình độ của các VĐV tham dự thi đấu ở các nội dung, Đoàn Việt Nam chúng ta vẫn có khả năng đạt được 1 đến 2 HCV. Tuy nhiên, đây là điều rất khó khăn phải nhờ vào nhiều yếu tố như bốc thăm, bài quyền thi đấu, quá trình dự thi….”

Thêm vào đó, khó khăn của các VĐV Việt Nam không chỉ đến từ Hàn Quốc mà còn đến từ đơn vị chủ nhà. Dù cho các bài thi quyền có luật lệ rõ ràng nhưng việc cho điểm vẫn mang tính cảm tính cao. Đặc biệt với bài tiêu chuẩn, các động tác không khó và các VĐV thường thực hiện rất tốt. Có chăng việc cho điểm chỉ chênh nhau 1%. Hơn nữa, các trọng tài cũng chịu sức ép từ đơn vị chủ nhà nên việc cho điểm đôi khi thiếu đi tính chuẩn xác. Ở giải này Đài Loan đạt thành tích “khủng” khi giành được 3 HCV, 8 HCB và 12 HCĐ, đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong hơn 10 năm qua.

Điều đáng tiếc là ở giải lần này Việt Nam không có HCV nào

Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam là sự đầu tư chưa đúng mức. Việc nội dung thi quyền được đưa đồng loạt vào Đại hội thể thao các châu lục trong 2 năm 2018 – 2019 và World Taekwondo tuyên bố sẽ đưa nội dung thi quyền vào Olympic, cắt giảm các nội dung đối kháng đã khiến nhiều quốc gia đầu tư mạnh tay hơn cho đội tuyển quyền trong suốt vài năm qua. Trong khi đó, đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam lại nhận được sự đầu tư chưa thật sự xứng tầm với khả năng mà các VĐV có thể đạt được. Nguồn kinh phí từ Tổng cục Thể dục thể thao khá ít, trong khi việc tập luyện thi đấu lại dựa nhiều vào nguồn tiền không ổn định từ các địa phương.

Như trường hợp các VĐV tham dự ASIAD 2018, mỗi VĐV chỉ được tiền ăn, tiền vé máy bay và tập huấn trong thời gian ngắn ngủi 3 tháng, trong khi các nước khác trong khu vực tập huấn từ 6-12 tháng. Trong khi đó Giải thế giới chỉ chi tiền lệ phí tham dự, mà cũng không đủ chỉ chi có 1 nội dung trong khi VĐV thi đấu 2 nội dung, VĐV tham dự giải phải đóng 2.500 USD mà tổng cục chỉ chi 1.500 USD.

Thi đấu nhiều giải ở nhiều đối tượng khác nhau, như ở giải thế giới vừa rồi thi hơn 20 nội dung với 33 VĐV, nhưng triệu tập đội tuyển quốc gia chỉ có 10 VĐV. Nhất là lực lượng trẻ đầu tư theo kiểu tâp trung trước giải 2, 3 tháng thì không thể được vì ảnh hưởng đến việc học văn hóa của các VĐV. Việc đầu tư nhỏ giọt, không có kế hoạch, không theo chu kỳ và không nhất quán sẽ không mang lại hiệu quả được.

Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, các VĐV của họ được tập huấn với chuyên gia và đi thi đấu thường xuyên, đặc biệt như Giải Korea Open vừa qua họ tham dự với lực lượng đông đảo gần 100 VĐV. Và không chỉ là đầu tư chuyên môn, riêng vị thế quốc gia, Đài Loan đầu tư tổ chức 4 giải lớn liên tục thì họ mới có được nhiều huy chương như vậy.

Với tình hình như hiện tại và những khó khăn gặp phải nhưng đội tuyển quyền vẫn mang về những thành công cho Taekwondo Việt Nam là một điều rất đáng khích lệ.

Quyền Taekwondo Việt Nam cần một sự đầu tư mạnh tay hơn trong tương lai

HLV Nguyễn Thanh Huy chia sẻ: “Với lực lượng và khả năng chuyên môn hiện nay của các VĐV, đội quyền vẫn sẽ tiếp tục tập luyện để cố gắng giữ vững thế mạnh của mình ở nội dung quyền sáng tạo (giải thế giới) và quyền mới (giải châu Á) để vẫn duy trì thành tích nằm trong TOP 10 của thế giới và TOP 5 Châu Á”.

Rõ ràng, nếu có được sự quan tâm đầu tư đúng mức, quyền Taekwondo Việt Nam hoàn toàn có thể giành những thứ hạng cao trên các đấu trường quốc tế trong tương lai.

Hoài Phương