MMA tại Olympic? Quên chuyện đó đi!

Đưa MMA (võ tổng hợp) vào Olympic không chỉ là nguyện vọng cá nhân của những người yêu MMA. Ý định đó đang được hiện thực hóa bởi liên đoàn MMA quốc tế (The International Mixed Martial Arts Federation -IMMAF). Nhưng liệu điều đó có thực tế?

Khi lực sĩ Olympic tham chiến sàn đấu MMA

Overeem khuyên huyền thoại MMA Fedor Emelianenko nên giải nghệ

Theo giám đốc điều hành Tom Madsen cho biết, thể thức trận đấu ở Olympic sẽ được phát triển như thi đấu MMA nghiệp dư, với bảo hộ tay, chân và gối chỏ. Điểm đáng chú ý rằng những võ sĩ MMA nổi tiếng có rất nhiều người xuất thân từ Olympic. Điển hình như Ronda Rousey, cựu vô địch UFC từng là VĐV vàng của Olympic trong môn Judo.

Ngay cả Chủ tịch UFC Dana White cũng nỗ lực đưa MMA vào chương trình thi đấu của Olympic. Với luận điểm rằng MMA là môn thể thao phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, nếu MMA không có mặt trong Olympic thì đúng là một sai lầm lớn.

MMA tại Olympic? Chấn thương vì thi đấu dồn dập sẽ là nỗi ám ảnh đầu tiên.

Dẫu vậy, không phải tự nhiên mà bộ môn hàng trăm năm tuổi và đã phổ biến ở cấp độ quốc tế như Karate cũng phải mất hàng chục năm vận động, Nhật Bản phải hi sinh khoản tiền khổng lồ để tổ chức Olympic 2020 thì mới có “cửa” đưa Karate vào Olympic. Việc chọn một môn thi đấu Olympic đòi hỏi rất nhiều vấn đề phức tạp.

Lối thi đấu tournament (thi đấu liên tục theo các bảng – vòng) của Olympic là hoàn toàn không phù hợp với tính chất khắc nghiệt của MMA, đặc biệt là với các võ sĩ ở top hàng đầu thế giới. Dưới đây là một số lý do.

SỨC KHỎE CỦA VÕ SĨ

Lối thi đấu tournament chỉ phù hợp với các sự kiện thể thao có quy mô thời gian hạn chế, và nó buộc các VĐV phải thi đấu liên tục. Đối với MMA, lối thi đấu này đem đến một gánh nặng khủng khiếp về việc hồi phục thể lực cũng như chấn thương của các võ sĩ. Với độ phức tạp, nhịp độ thuộc hàng bậc nhất  làng thể thao, MMA là một trong những môn thể thao đối kháng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cao nhất. Những võ sĩ MMA hàng đầu có thể vượt qua được một vài vòng, nhưng chắc chắn anh ta sẽ không ở trong trạng thái tốt nhất cho trận chung kết.

Điều này dẫn tới hai vấn đề. Trước hết, đó là sự an toàn cho các võ sĩ. Kế đến, trạng thái cơ thể không ở mức hoàn hảo sẽ khiến các võ sĩ không thể thi đấu ở phong độ cao nhất, từ đó dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực về tính chất chuyên môn của những trận đấu lẽ ra phải là trận đáng xem nhất: những trận chung kết giữa những người giỏi nhất.

CHIẾN THUẬT – NGHỆ THUẬT CỦA MMA

Chiến thuật là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong trận đấu MMA. Huyền thoại MMA Bas Rutten cũng từng nhận định: “MMA không có tính chất bắc cầu kiểu A thắng B, B thắng C thì A chắc chắn thắng C. MMA là cuộc chơi mà phong cách này thắng phong cách kia, chiến thuật này thắng chiến thuật kia”.

Trong MMA đã có không ít ví dụ về việc các võ sĩ dành lợi thế lớn trong MMA. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất mà hẳn người hâm mộ vẫn còn nhớ đó là khoảnh khắc Conor McGregor tước đai Featherweight của Jose Aldo bằng cú móc trái chuẩn xác, đúng vào khoảnh khắc Aldo bung đòn và để lộ ra khoảng hở quen thuộc ngay vùng hàm. Cú đấm quyết định của McGregor không hề ngẫu nhiên hay tùy hứng, mà nó được hình thành từ một quá trình dài nghiên cứu, phân tích và tập luyện.

Các võ sĩ MMA chuyên nghiệp thậm chí có riêng một HLV riêng chỉ có nhiệm vụ phân tích và tìm cách khắc chế chiến thuật của đối thủ sắp tới. Các võ sĩ MMA sẽ dựa trên sự phân tích này mà thay đổi cách tập luyện và thậm chí là lối đánh. Quá trình này diễn ra rất lâu và có thể kéo dài đến một năm hoặc hơn. Bản thân các võ sĩ MMA cũng phải nghiên cứu và tập luyện chiến thuật cố định cá nhân sao cho phù hợp với thể trạng, thói quen và điểm yếu.

Việc thi đấu tournament với các vòng đấu dồn dập sẽ khiến các võ sĩ không có nhiều thời gian chuẩn bị chiến thuật cho trận đấu tiếp theo, dẫn tới giảm chất lượng trận đấu.

Phạm Vũ