Nếu dùng “đòn hiểm”, võ thuật cổ điển có thắng được MMA?

Kể từ sau vụ scandal mang tên Từ Hiểu Đông – võ sĩ MMA đánh gục cao thủ Thái Cực trong 10 giây, cộng đồng võ thuật dấy lên làn sóng tranh cãi lớn nhất từng có, so sánh khả năng thực sự của MMA với các môn võ thuật cổ điển. 

Tư thế phòng thủ đòn hiểm vào hạ bộ

Pha đòn hiểm tuyệt đối tránh dùng trong thực chiến

Một trong những quan điểm được chú ý nhất đó là “Trong môi trường đối kháng thể thao, các môn võ cổ không dùng được đòn hiểm, những “sát chiêu” vốn chỉ được dùng trong hoàn cảnh chiến tranh. Nếu MMA và võ cổ điển giao chiến trong hoàn cảnh sống còn, MMA sẽ ngã gục trước “đòn hiểm” của các môn võ cổ”.

Silat, một trong những môn võ có đòn thế hiểm hóc nhất

Trước hết, cần hiểu rằng khái niệm “đòn hiểm” là một khái niệm mang tính tương đối. Nhìn chung, có thể hiểu đó là những đòn có khả năng phá hủy chức năng cơ thể (gãy xương, tổn thương mắt, chấn động não, tổn thương nội tạng…) hoặc thậm chí gây tử vong. “Đòn hiểm” là “đặc sản” của các môn võ thuật cổ điển, là hệ quả tất yếu của việc võ thuật được đem ra sử dụng vào các hoàn cảnh mang tính sinh tồn như chiến tranh trung cổ.

MMA CÓ “ĐÒN HIỂM” HAY KHÔNG

Có nhiều “đòn hiểm” bị cấm trong võ thuật đối kháng hiện đại nói chung và MMA nói riêng như chọc mắt, tấn công hạ bộ… Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều đòn cơ bản (vẫn được cho phép) trong MMA vẫn có khả năng phá hủy chức năng cơ thể, thậm chí tử vong như các đòn blood choke trong Jiujitsu (Rear neck choke, Arm-Triangle), các đòn bẻ khớp như Armbar, Leglock. Thậm chí, những đòn cơ bản tới mức mọi môn đều sử dụng như đòn đá, khi vô tình rơi vào đúng góc độ, thời điểm cũng có thể thành “đòn hiểm”. Cú đá roundhouse cơ bản tới mức… không thể đơn giản hơn của Holly Holm vào cổ Ronda Rousey, đốn gục nhà vô địch này trong tích tắc đã được các nhà khoa học chứng minh là “gần đủ uy lực để giết chết Rousey vì các tổn thương lên đốt sống, huyết quản và tuyến giáp”. Cú oblique kick (đạp gối) sở trường của cựu vô địch UFC Jon Jones đủ khả năng để đánh lìa khớp gối đối thủ, gây đứt dây chằng, trật ổ khớp… nhưng vẫn là một đòn hợp lệ.

Một cú đá vòng cầu bình thường của Holly Holm nhưng đã được giới khoa học chứng minh rằng nó suýt chút nữa đã giết chết Rousey.

Kể từ khi giải đấu MMA bài bản đầu tiên là UFC 1 được tổ chức từ năm 1993, luật MMA đã được thay đổi rất nhiều. Bên cạnh một số “đòn hiểm” đã bị cấm từ đầu như dùng ngón tay tấn công vào mắt, nhiều đòn khác cũng lần lượt bị cấm như:

  • Tấn công hạ bộ
  • Nắm tóc
  • Cố ý thọc, xé vết thương hở của đối thủ.
  • Húc đầu
  • Chỏ 12-6 (chỏ cắm thẳng đứng từ trên xuống) khi đối thủ đã ngã.
  • Soccer kick (đá hoặc đạp vào đầu đối thủ đã ngã).
Đây là một cú Jab bình thường (đấm thẳng tay trước)
Và đây là cú chọc mắt quen thuộc của Jon Jones. Rõ ràng xét về bản chất không có nhiều khác biệt với cú Jab bình thường.

Trên thực tế, vẫn có một số đòn hiểm đã bị cấm nhưng vẫn được đem ra sử dụng bằng những biện pháp lách luật như Jon Jones dùng bàn tay mở để căn chỉnh khoảng cách, đồng thời “ăn gian” được cú chọc mắt khi đối thủ chủ động lao vào. Nhiều võ sĩ vẫn có thói quen lạm dụng đòn Inside leg kick (đá đùi trong) để tấn công hạ bộ đối thủ, vì hành vi này có thể được trọng tài xác nhận là “tai nạn”, trừ khi việc này lặp lại nhiều lần và có biểu hiện cố ý. Như vậy, MMA vẫn có những “đòn hiểm” đặc trưng, và các võ sĩ MMA vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng cho tình huống bị đối thủ chơi “đòn hiểm”.

BẢN CHẤT CỦA MỘT “ĐÒN HIỂM”

Kế đến, hãy xét về tính chất của một đòn hiểm. Bản chất đòn hiểm cũng là một kỹ năng võ thuật, và nó chịu sự phụ thuộc vào mọi yếu tố khác như tốc độ, phản xạ, khả năng chịu đựng, uy lực, khả năng phán đoán. Các đòn hiểm nhìn chung vẫn là một dạng “mở rộng” của các đòn thông thường, chẳng hạn như cú chọc mắt có thể xem như tương đồng với một cú Jab nếu như xét về các tính chất kỹ thuật và chuyển động cơ bản. Cú đá hạ bộ rất gần với cú Inside Leg kick, và những đòn bẻ khớp vặn cổ thực tế chẳng xa lạ gì với Brazilian Jiujitsu – môn võ mà gần như mọi võ sĩ MMA phải tập.

Ronda Rousey bẻ gãy tay đối thủ bằng một đòn Armbar cơ bản trong Jiujitsu – Judo.

Nhìn chung, các võ sĩ MMA có tần suất và cường độ tập luyện thể chất và kỹ thuật cơ bản lớn hơn các võ sĩ võ thuật cổ điển rất nhiều (như Thái Cực chẳng hạn). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc võ thuật cổ điển sẽ gặp thiệt thòi không nhỏ khi phải so kè kỹ thuật cơ bản với MMA.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu bạn không thể thực hiện một cú Jab cơ bản trúng mặt võ sĩ MMA, làm sao bạn chọc được mắt anh ta? Làm sao mà bạn có thể bẻ gãy tay anh ta khi vừa vào thế clinch (ôm giữ), anh ta đã có cách xử lý, và cách xử lý đó anh ta đã tập luyện hàng ngàn giờ?

NẾU VÕ CỔ ĐIỂN VÀ MMA THI ĐẤU BẰNG “ĐÒN HIỂM”

Bây giờ, một cách công bằng, hãy đặt các yếu tố của “đòn hiểm” lên bàn cân:

  • Số đòn hiểm: Với môi trường thể thao đối kháng, rõ ràng là các võ sĩ MMA sở hữu số đòn hiểm thấp hơn, và họ cũng ít khi được các HLV chủ động hướng dẫn đòn hiểm (một hành vi thiếu đạo đức thể thao).
  • Ý thức dùng đòn hiểm: Võ sĩ MMA đa số không có ý thức chủ động dùng đòn hiểm. Đó là một sự bó buộc của thể thao. Họ trải nghiệm đòn hiểm trên thực tế ít hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong các hoàn cảnh không trói buộc như tự vệ sống còn, họ sẽ không dùng đòn hiểm.
  • Các yếu tố thể chất hỗ trợ đòn hiểm: Như đã nói ở trên, đòn hiểm dù hay đến mức nào cũng phải phần nào phụ thuộc vào các khả năng thể chất. Với tốc độ, phản xạ, uy lực và tâm lý đối kháng vượt trội, nhìn chung MMA có lợi thế lớn ở khoản này. Tuy nhiên, đây là vấn đề không phụ thuộc vào bộ môn. Một môn sinh võ thuật cổ điển cũng có thể tập thể lực theo bài bản MMA và có thể chất như một võ sĩ MMA.

Như vậy, có thể thấy bài toán so sánh MMA – võ thuật cổ điển trên phương diện khả năng và hiệu quả sử dụng đòn hiểm vẫn là một bài toán còn nhiều biến số, và kết quả so sánh trên lý thuyết chỉ mang tính tương đối.

Những đòn chỏ thẳng vuông góc (12 – 6) bị cấm trong MMA. Các võ sĩ phải nghiêng góc đòn chỏ, khiến sát thương giảm đi rất nhiều.

Y.N