Những điều bạn chưa biết về boxing tay trần

Bare Knuckle Boxing – hay còn gọi là Boxing tay trần dù không được xem là một môn thể thao chính thức nhưng được nhiều người nhắc đến.

Đó là thế giới của những gã đầu trọc, những tay xẻ gỗ, những kẻ từng có tiền án hoặc ngay cả những nhân viên công sở… Họ tin rằng boxing đeo găng thì không vui chút nào.

Boxing tay trần bắt nguồn từ một nét văn hóa độc đáo trong truyền thống của người Ireland, đã tồn tại hàng trăm năm trong lối sống phóng khoáng của người Ireland, thường được dùng đến để giải quyết những mâu thuẫn giữa những người đàn ông với nhau.

Một trận boxing tay trần truyền thống thường được giám sát bởi 2 trọng tài và sử dụng những luật cơ bản của boxing để thi đấu. 2 người đàn ông sẽ đối đầu với nhau bằng đôi tay trần mà không có sự bảo vệ của găng nên các đòn tấn công sẽ mang uy lực khá lớn. Sử dụng luật thi đấu boxing nên các võ sĩ sẽ không được dùng chân để đá hay các đòn quăng, vật khác.

Trận đấu thường được chứng kiến bởi người quen biết của cả 2 võ sĩ và bất cứ một người nào khác muốn thưởng thức một trận boxing đậm chất đánh nhau đường phố này.

Sau này theo thời gian, boxing tay trần được xem như một môn thể thao truyền thống ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK). Các thị trấn thành lập các đội để thi đấu với nhau và đôi khi là đại diện của cả một thành phố để đấu với một thành phố khác.

Boxing tay trần không phải một cuốn phim về những cảnh đánh đấm, mà gần giống như đánh nhau đường phố. Người ta chỉ cần một khoảng không gian vừa đủ, như một kho hàng, hoặc một khoảng sân…là có thể tổ chức được một trận đấu boxing tay trần. Xếp một vài thùng hàng, đôi khi là khoanh rơm, là đã thành một sàn đấu và các đấu sỹ đã có thể tham gia vào môn thể thao máu me này. Các đấu sỹ trong môn này không mang găng, không mang bảo vệ hàm…bởi vậy mà mỗi trận đấu đều diễn ra đầy máu me.

Tuy nhiên, boxing tay trần cũng có luật lệ riêng của nó và quan trọng là nó hợp pháp tại Anh. Bên ngoài sàn đấu, các nhà tổ chức luôn chuẩn bị sẵn một đội ngũ y tế, đội ngũ an ninh và đôi khi là cả một số sỹ quan cảnh sát để ngăn chặn các vụ ẩu đả bên ngoài. Bất kỳ khán giả nào đứng ngoài vòng đấu cũng có thể bất chợt nhảy vào thách đấu các đấu sỹ nếu họ thấy mình đủ khả năng.

Boxing tay trần cũng giống như boxing chuyên nghiệp, nó không có nhiều kỹ thuật đấm nhưng mỗi tay đấm đều có một mánh khóe của riêng mình, đó là một ngón đòn đơn giản và được hoàn thiện đến mức tinh tế.

Cũng do lối đánh mang đậm tính chất đường phố mà các tay đấm trần có thể hoàn toàn tự sáng tạo ra các kiểu đánh không chính quy của mình, tự đưa ra chiến thuật hợp lý tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi trận đấu. Sau mỗi chuỗi đòn liên tiếp về đối thủ, các tay đấm trần cũng thường dùng một cú “Uppercut” – cú đấm móc hàm – để hạ gục đối thủ.

Các trận đấu tay trần kiểu này thường bị người khác cho là quá dã man, tuy nhiên thực chất bộ môn này lại được nhiều người cho là an toàn hơn so với luật Queensberry trong các giải đấu chính thống – như giải võ tự do MMA. Lý do đằng sau sự hiểu lầm này khá đơn giản: Trong các giải đấu chính thống, một đấu sỹ được coi là bị hạ nốc-ao khi họ ăn một cú đấm khiến chảy máu từ phần đầu, hoặc gây choáng. Trong trường hợp này, các cú đấm vào hàm thường được sử dụng nhất, và những cú đấm kiểu này gây ảnh hưởng trực tiếp đến não.

Còn trong boxing tay trần, các cú nốc-ao lại được xem là an toàn hơn bởi các đấu sỹ không mang găng. Điều này nghe có vẻ ngược đời nhưng thực tế cho thấy các cú đấm khi mang găng lại có thể gây nên những vùng tổn thương diện rộng hơn và nặng hơn, gây nên tổn thương nghiêm trọng bên trong đầu của đối thủ. Khi không mang găng, vùng ảnh hưởng sẽ nhỏ hơn và thay vì gây tổn thương não cho đối thủ, tay của một đấu sỹ có thể bị gãy khi đấm và buộc họ phải nhận thua sớm.

Và cũng vì không mang găng mà các trận đấu tay trần kiểu này thường có rất nhiều máu me do các vết thương ngoài da. Tuy nhiên, dù trông có vẻ dã man, nhưng thực tế boxing tay trần lại ít khi gây ra những chấn thương bên trong cho các đấu sỹ, và hạn chế ảnh hưởng cả về ngắn hạn và dài hạn cho họ.

Bỏ qua các tranh luận về tính an toàn của boxing tay trần, các đấu sỹ tham gia nó lại không ngại những lời phê phán, thậm chí còn coi nó như một một thứ danh tiếng của họ. Các đấu sỹ tham gia môn này thường chọn cho mình những biệt danh rất “kêu” để tỏ rõ sự hung tợn như: Máy chém, King Kong, Viên đạn, Đồ tể…

Tuy nhiên họ không phải những người có thu nhập cao trong giới thể thao. Trong khi các boxer chuyên nghiệp được xem là những người có mức tiền thưởng cao nhất trong giới thể thao, thì các tay đấm tay trần thường chỉ nhận được khoản tiền 250 bảng Anh cho mỗi trận thắng, và 80 bảng nếu bị thua.

Kết thúc mỗi trận đấu, các tay đấm thường rủ nhau vào nhậu trong các quán bia bình dân địa phương. Đa phần trong số họ đều chỉ coi đây như một môn thể thao giải trí ngoài giờ. Ít ai ngờ rằng, buổi sáng hàng ngày, những cái tên như “Máy chém”, King Kong lại là những nhân viên công sở, công nhân mẫn cán hay những thợ sơn lành nghề. Cũng có một số võ sỹ tay trần là những người từng có tiền án tiền sự, vào tù ra tội và có tiền sử tham gia các băng nhóm tội ác.

Dù chịu nhiều chỉ trích do bị nhiều người hiểu lầm là môn thể thao bạo lực và gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhưng đằng sau đó là cuộc sống và công việc rất bình thường như bao người khác. Các đấu sỹ trên sàn đấu có thể gằm ghè nhau, thì ra ngoài thực tế lại là những người bạn cùng ngồi nhâm nhi vài vại bia. Đó là một nhóm người cùng yêu quý và bảo tồn một thứ văn hóa truyền thống chứ không phải là những kẻ ưa bạo lực.

https://youtu.be/YwWsR9IAlvs

Anh Thư (T.H) – Theo Khánh Duy