TS Vũ Đức Thịnh: ‘Chúng ta phải đưa Boxing Việt Nam hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic’

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh (Trưởng bộ môn Boxing, TTK LĐ Boxing Việt Nam) trước thềm SEA Games 29 và những định hướng phát triển Quyền Anh Việt Nam trong tương lai.

Ông Trần Minh Tiến: “Boxing Việt Nam sẽ sớm vươn xa trên đấu trường quốc tế”
Gần 350 VĐV tham dự Giải Vô địch Boxing trẻ toàn quốc 2017

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, SEA Games 29 sẽ chính thức diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Theo dự kiến của lãnh đạo Tổng cục TDTT, đoàn Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 29 với 568 VĐV tranh tài ở 34 bộ môn thi đấu.

Tại SEA Games 29, nước chủ nhà Malaysia đã bỏ nội dung thi đấu Boxing nữ. Đây là điều bất lợi đối với Boxing Việt Nam trong việc tìm kiếm huy chương, bởi tuyển Boxing nữ luôn được đánh giá cao và có nhiều VĐV chất lượng. Cách đây 2 năm tại SEA Games 28, Boxing Việt Nam thi đấu rất thành công khi giành được 3 tấm HCV của các VĐV Trương Đình Hoàng (hạng 75kg), Lê Thị Bằng (hạng 54kg) và Nguyễn Thị Yến (hạng 51kg).

Năm nay, VĐV Trương Đình Hoàng gặp chấn thương nên không thể tham dự. Do đó, nhiệm vụ có ít nhất 1 HCV Boxing tại kỳ đại hội lần này là điều vô cùng khó khăn. Tại đấu trường khu vực, nội dung nam của Boxing luôn là cuộc cạnh tranh của những nước mạnh như Thái Lan hay Philippines. Cơ hội cho Boxing Việt Nam tại SEA Games 29 đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn.

Để tìm hiểu kỹ hơn về quá trình chuẩn bị của đội tuyển Boxing hướng đến SEA Games 29 và xa hơn là những đấu trường lớn trong khu vực như ASIAD, Olympic. Phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh (Trưởng Bộ môn Boxing, Tổng thư ký Liên đoàn Boxing Việt Nam) để nghe ông chia sẻ về giấc mơ của Boxing Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh (Trưởng bộ môn Boxing, TTK Liên đoàn Boxing Việt Nam) trả lời phỏng vấn của VoThuat.vn.
Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh (Trưởng bộ môn Boxing, TTK Liên đoàn Boxing Việt Nam) trả lời phỏng vấn của VoThuat.vn.

PV: Xin chào Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh. Xin ông cho biết đội tuyển Boxing Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để hướng đến SEA Games 29?

TS Vũ Đức Thịnh: Do nước chủ nhà Malaysia đã bỏ nội dung thi đấu Boxing nữ nên năm nay chúng ta chỉ tham dự Boxing nam. Bắt đầu từ năm trước, về phía Tổng cục TDTT đã có kế hoạch cho đội tuyển tập huấn và thi đấu để chuẩn bị cho đấu trường SEA Games.

Từ đầu năm 2017 đến nay, đội tuyển đã có 2 cuộc tập huấn cọ sát ở Thái Lan. Hiện tại, đội tuyển Boxing vẫn đang tập huấn tại Thái Lan và sẽ về nước cuối vào cuối tháng 6. Trong đợt này, Thái Lan không chỉ mời chúng ta mà còn có nhiều nước mạnh trong khu vực sang tập huấn. Hàng tuần, đội tuyển đều báo cáo về quá trình tập luyện. Tất cả đang diễn ra rất tốt, các VĐV của Việt Nam được thi đấu cọ sát với nhiều võ sĩ mạnh trong khu vực. Do đó, chúng tôi hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng như vậy, các VĐV sẽ đạt đỉnh cao nhất để bước vào thi đấu tại SEA Games 29.

PV: So với những nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Boxing Việt Nam có phần gặp bất lợi và khó khăn hơn. Ông có thể đánh giá về những vấn đề khó khăn mà Boxing Việt Nam đang gặp phải?

TS Vũ Đức Thịnh: Như tôi đã chia sẻ, do năm nay nước chủ nhà Malaysia bỏ thi đấu nội dung nữ, chỉ được tham dự ở nội dung nam. Ở những kỳ SEA Games trước, theo điều lệ Boxing nam có 9 hạng cân thì các nước chỉ được tham dự 6; Boxing nữ có 6 hạng cân thì các nước chỉ được tham dự 4. Nhưng năm nay, nước chủ nhà chốt luôn 6 hạng cân và cho phép các nước tham dự tất cả 6 hạng cân. Do đó những cường quốc mạnh về Boxing như Thái Lan, Philippines sẽ tập trung toàn lực cho 6 hạng cân đó. Tôi nhận định rằng Boxing Việt Nam sẽ cực kỳ khó khăn trong việc giành huy chương tại đại hội lần này.

Hơn nữa, Malaysia là nước chủ nhà nên ít nhiều họ cũng sẽ có sự tính toán để giành lấy huy chương vì thế khó khăn lại càng tăng lên đối với các VĐV của Việt Nam. Một trong những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là VĐV Trương Đình Hoàng, người được kỳ vọng đạt HCV lại đang chấn thương nên không thể tham dự. Do đó, về phía bộ môn phải thay thế bằng 1 gương mặt trẻ khác. Vì vậy, chỉ tiêu đạt 1 HCV ở kỳ SEA Games 29 là cực kỳ khó khăn đối với đội tuyển Boxing Việt Nam.

PV: Khó khăn thì rất nhiều nhưng cơ hội giành huy chương của tuyển Boxing Việt Nam tại kỳ SEA Games 29 lần này có sáng sủa?

TS Vũ Đức Thịnh: Đúng là cơ hội của đội tuyển Boxing Việt Nam là quá khó nhưng chúng ta vẫn sẽ cố gắng thi đấu hết mình để đạt được thành tích cao nhất. Trong Boxing, yếu tố may mắn đôi khi cũng đóng vai trò khá quan trọng. Ví dụ, nếu các VĐV của chúng ta rơi vào nhánh thi đấu với những đối thủ nhẹ thì cơ hội lọt vào chung kết là vẫn còn. Khi đó, mọi diễn biến trên sàn đấu sẽ rất khó lường bởi bản chất của Boxing luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ. Nếu may mắn, biết đâu chúng ta có thể giành được Huy chương vàng (cười).

Vì thế, dù biết trước cơ hội là không nhiều nhưng chúng ta vẫn phải thi đấu hết mình vì thành tích chung của thể thao Việt Nam.

Boxing Việt Nam gặp bất lợi tại SEA Games 29 khi chủ nhà Malaysia không đưa nội dung nữ vào chương trình thi đấu.

PV: Trên cương vị là Trưởng bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) và Tổng thư ký LĐ Boxing Việt Nam, xin ông chia sẻ về định hướng phát triển Boxing Việt Nam trong tương lai?

TS Vũ Đức Thịnh: Về việc này, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục TDTT và lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo chúng ta tập trung vào phát triển Boxing nữ. Trong thời gian vừa qua, Boxing nữ của chúng ta phát triển rất tốt, có những VĐV đạt đến đẳng cấp thế giới và giành được thành tích cao ở đấu trường quốc tế như HCV trẻ thế giới, 2 HCĐ ASIAD, 2 HCV SEA Games 28. Mặc dù năm nay Boxing nữ không được nước chủ nhà đưa vào thi đấu nhưng lãnh đạo Bộ môn và Tổng cục cũng nhận định là chúng ta không tập trung cho đấu trường SEA Games mà phải tập trung giành thành tích cao nhất ở đấu trường ASIAD và xa hơn là Olympic.

Vì vậy, chúng tôi xác định chỉ có Boxing nữ thì chúng ta mới có khả năng để đạt được những điều đó. Tổng cục TDTT cũng chú trọng đầu tư, đưa môn Boxing trở thành một trong những môn thể thao trọng điểm. Gần đây, chúng tôi đưa Boxing về khu vực ĐBSCL – một trong những địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển. Qua một vài năm đào tạo ở ĐBSCL thì chúng ta đã phát hiện nhiều gương mặt mới. Điển hình là VĐV Đỗ Hồng Ngọc (17 tuổi, Cần Thơ), em đã đạt HCV giải toàn quốc, HCV giải trẻ ĐNÁ, đánh thắng cả Thái Lan và Phillippines. Vì vậy, tiềm năng của Boxing nữ Việt Nam rất là tốt nếu chúng ta đầu tư đúng, đầu tư trọng điểm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có HCV ở ASIAD, Olympic trong 3-4 năm tới.

Riêng đối với Boxing nam, mặc dù gặp khó khăn và bất lợi hơi so với những đối thủ trong khu vực nhưng chúng tôi vẫn đang tập trung đào tạo, nâng cao công tác huấn luyện để hướng đến sự chuyên nghiệp. Bên cạnh lực lượng VĐV cũ từ 2 năm trước, bộ môn cũng đang tiến hành tuyển chọn những gương mặt mới tiềm năng để tiếp tục bồi dưỡng và bổ sung vào đội tuyển quốc gia. Quá trình này cần có kế hoạch và sự đầu tư dài hạn trong tương lai.

Boxing nam Việt Nam đang thiếu những nhân tố nổi bật như Trương Đình Hoàng (HCV SEA Games 28).

PV: Boxing là một trong những môn thể thao đối kháng du nhập vào Việt Nam từ khá sớm và có tốc độ phát triển nhanh. Dưới sự quản lý của Tổng cục, cùng với việc thành lập Liên đoàn, xin ông cho biết làm thế nào để chúng ta phát triển tương xứng với bộ môn có lịch sử lâu đời này?

TS Vũ Đức Thịnh: Liên đoàn Boxing Việt Nam mới thành lập được 2 năm, chúng tôi hy vọng Liên đoàn sẽ gánh vác trách nhiệm cùng Tổng cục TDTT trong việc phát triển phong trào Boxing Việt Nam trong tương lai. Định hướng căn cơ của Chủ tịch Trần Minh Tiến là đưa Boxing thành một trong những môn có thành tích tại đấu trường Olympic.

Liên đoàn đang định hướng đưa bộ môn Boxing phát triển lên chuyên nghiệp vì nếu không đưa vào chuyên nghiệp thì rất khó để giữ các VĐV, nhất là các VĐV nữ. Khi các em đến tuổi trưởng thành hầu như không nhìn thấy được tương lai. Thi đấu xong, các em trở về địa phương, gia đình nhưng không có một nghề gì, chưa kể đánh Boxing cũng không có một chế độ ưu đãi cụ thể.

Chúng ta phải làm sao để đưa Boxing trở thành một nghề, tức là khi các em thi đấu là phải có tiền, có thưởng. Có như vậy thì các em mới có chi phí để nuôi sống được bản thân và gia đình. Làm được như vậy thì mới giữ được VĐV giỏi để phát triển. Đó là một trong những vấn đề đặt ra cho những lãnh đạo ngành TDTT nói chung và Liên đoàn nói riêng. Chúng ta phải làm sao để giải quyết được vấn đề đó thì mới đưa Boxing tiến lên chuyên nghiệp và có thành tích sánh ngang với các nước trong khu vực, châu lục và thế giới.

Xin cảm ơn ông!

T/h: Võ Đạt