Môn phái Bình Định Gia

Môn phái Bình Định Gia thuộc hệ phái võ thuật Bình Định do cụ Trần Đại Chí một võ tướng người Trung Hoa bất đồng với chế độ áp bức hà khắc của triều đình nhà Thanh hơn 200 năm trước đã đưa cả gia đình nhằm phương Nam tìm con đường sống. Trên đường lưu lạc, ông qua vùng Tây Sơn – Bình Định, mảnh đất nổi tiếng về các bộ môn võ thuật. Yêu cảnh, mến người, khâm phục tinh hoa võ học nơi đây, ông quyết định cùng gia đình dừng chân, lập nghiệp. Sẵn dòng máu võ tướng, thông qua việc luyện võ, ông kết giao với những võ lâm cao thủ đất Bình Định. Sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu, chắt lọc tổng hợp những tinh hoa của hai nền võ thuật mà căn bản là Thiếu Lâm công phu với những tinh hoa của võ Tây Sơn, tích hợp sở trường, lược bớt sở đoản của hai dòng võ bổ khuyết cho nhau, hoàn thiện các bí quyết luyện tập và chiến đấu, đúc kết tinh hoa thành tâm pháp võ công mới rồi truyền dạy cho con cháu trong gia đình với tâm pháp chân truyền.

Thực hiện ý nguyện của Tổ sư Trần Đại Chí, trải qua các đời Chưởng môn Trần Đại Si, Trần Đại Y võ phái gia đình này ngày càng phát triển mạnh mẽ với một hệ thống các bài quyền thảo, các loại binh khí ngày càng phong phú. Đặc biệt là Thập nhị bộ và Ngũ bộ tinh (Hầu quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Hùng quyền, Hổ quyền), đặc dị với hiệu quả và công năng chiến đấu cao. Các loại binh khí từ phổ thông, dễ sử dụng như trường côn, đoản côn, thương, nhị khúc, tam khúc, kiếm, đao, phủ, thiết phiến…Các loại độc khí, ám khí như Ô giang thiết địch, tiêu dây, tiêu đũa, tiêu sao…ngày càng được nghiên cứu phát huy hết công năng khi xung trận. Tuy nhiên, những công phu tuyệt luân ấy chỉ được truyền dạy trong nội tộc để bảo lưu, gìn giữ như một món Gia bảo mà không được truyền bá ra cho người bên ngoài.

Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, lão võ sư Chưởng môn đời thứ tư Trần Hưng Quang và con trai, cố võ sư Chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp xin ý kiến của toàn bộ các bậc lão thành trong dòng họ để mở rộng môn phái, đem tuyệt nghệ công phu của dòng họ truyền dạy cho người ngoài gia tộc. Sau 4 năm (1982 – 1986) thu nạp đệ tử môn phái Bình Định Gia (võ Bình Định Gia truyền) đã tìm và chọn được 4 cá nhân ưu tú làm lễ nhập gia để truyền dạy như người trong nội tộc.

vo Binh Dinh

Truyền bá tinh hoa võ thuật:

Ngay từ khi mới ra đời, bằng tâm huyết của người muốn lưu giữ, phát triển những tinh hoa của võ thuật dân tộc, bằng khả năng định hướng, tổ chức thuyết phục tốt, cố võ sư Trần Hưng Hiệp với sự giúp sức của cha mình và 4 đại đệ tử đã xây dựng được một hệ thống vững chắc các võ đường, câu lạc bộ trên hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, với đội ngũ huấn luyện viên, trợ giáo đông về lực lượng, giỏi về chuyên môn và tất cả đều đoàn kết, tâm huyến với môn phái, nên chỉ một thời gian ngắn, Bình Định Gia đã thu hút hàng chục ngàn môn sinh đăng ký theo học. Thời điểm những năm 90, do lượng học sinh đăng ký theo tập đông nên hầu như tuần nào Bình Định Gia cũng phải tổ chức mở lớp tại địa điểm nhà văn hóa của các địa phương. Ngay từ ngày ấy, Bình Định Gia đã xây dựng một đội biểu diễn võ cổ truyền rất chuyên nghiệp, với khoảng hai chục võ sỹ có trình độ võ thuật vững vàng sẵn sàng đi biểu diễn bất cứ đâu. Ngoài biểu diễn những bài côn, quyền tập thể, nhân dân khắp nơi đặc biệt thích thú khi được xem võ sỹ Bình Định Gia biểu diễn các loại binh khí, quyền cước đối kháng, công phu về nội công, công phá. Những màn võ sỹ lưng trần nằm trên mảnh thủy tinh cho xe tải lăn qua, đâm giáo nhọn vào yết hầu, tấn vững để đá trên gáy dùng búa đập vỡ hay đứng từ trên cao khoảng hai mét chân trần nhảy vào đống mảnh thủy tinh vỡ mà chân không hề hấn gì…đã một thời làm nên danh tiếng võ phái Bình Định Gia. Những người đầu tiên góp công xây dựng nền tảng cho môn phái Bình Định Gia phát triển phải kể đến nhóm “Tứ trụ” đó là bốn cái tên: Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Mạnh Toàn, Hồ Chí Dũng, Bùi Chí Kiên. Sau này khi môn phái phát triển mạnh, đội ngũ võ sư, võ sỹ, huấn luyện viện rất hùng hậu, tuy nhiên bốn người trên vẫn để lại môn phái những dấu ấn đặc biệt. Hiện nay, vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người có một con đường phát triển ngành nghề, môi trường hoạt động riêng nhưng tất thảy họ vẫn đều từng ngày đau đáu cho sự phát triển của môn phái Bình Định Gia. Thế nên, hàng tháng vào một ngày nhất định họ đều dành thời gian về căn hộ tại nhà A10, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi trước đây là phòng tập cùng thầy Trần Hưng Hiệp để bàn bạc, định hướng hoạt động của môn phái.

Những thành quả:

Sau 30 năm xây dựng, phát triển và tham gia các hoạt của Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội, môn phái Bình Đình Gia đã có những thành công nhất định. Ngoài việc có một đội ngũ võ sư, huấn luyện viên có đẳng cấp trong làng võ cổ truyền là hệ thống các câu lạc bộ dàn trải trên khắp 18 tỉnh thành từ Nghệ An đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…Hiện tại, môn phái Bình Định Gia thường xuyên có khoảng 20 ngàn võ sinh tham gia luyện tập ở hàng trăm võ đường. Từ những “lò võ” này, mấy chục năm qua Bình Định Gia đã sản sinh ra lớp lớp nhân tài đóng góp thành tích, công sức cho thể thao nói chung, võ thuật nói riêng của Thủ đô và cả nước. Đó là Vương Đình Khanh, kiện tướng môn Wushu, vô địch thế giới Vovinam, hiện là huấn luyện viên trưởng bộ môn Wushu của ngành Công an. Kiện tướng môn Boxing, Nguyễn Văn Cường, hiện là giáo viên võ thuật Trung tâm huấn luyện Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Hay những cái tên quen thuộc trong giới võ thuật như Phạm Văn Tý, vô địch thế giới, vô địch Châu Á môn PencakSilat; Trịnh Minh Hiền…đều xuất thân từ các “lò” của Bình Định Gia để trở thành các nhà vô địch thế giới và châu lục. Đặc biệt, có hai cái tên rất thành công cả con đường võ thuật và học thuật là Thạc sỹ – Trung tá Nguyễn Xuân Hải, võ đường Hà Đông, hiện là huấn luyện viên trưởng quốc gia môn PencakSilat Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Thể thao CAND. Người còn lại là Tiến sỹ Trần Kim Tuyến, võ đường Đông Anh, hiện là trưởng khoa Sư phạm trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh.

Còn trong thi đấu các giải quốc nội, có thể nói không ngoa rằng Bình Định Gia đã chiếm ưu thế tuyệt đối khi tham dự 29 kỳ đại hội võ thuật cổ truyền Hà Nội do Hội võ thuật Hà Nội tổ chức thì 28 lần nhất toàn đoàn với hàng trăm huy chương các loại. Những thành tích này đã nói lên sự ưu việt của môn phái Bình Định Gia trong những năm qua. Trong thành công đó, ngoài sự đào tạo, định hướng của lão võ sư Chưởng môn Trần Hưng Quang, võ sư chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp và 4 đại đệ tử có sự đóng góp công sức, tâm huyết không nhỏ của các võ sư, huấn luyện viên Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Hữu Hiệp, Phùng Trung Hải, Bùi Công Phương, Trần Ngọc Quyền, Đinh Hoàng Đức, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Danh Tuấn, Lê Huyền Anh, Nguyễn Đức Đại, Cao Hồng Ngư …những người vẫn đang ngày đêm “chung lưng, đấu cật” cùng nhau vì sự phát triển của môn phái.

Định hướng phát triển:

Để Bình Định Gia ngày càng phát triển, mới đây những Hội đồng gia tộc của môn phái đã đồng tâm, hiệp sức cùng nhau vạch ra định hướng phát triển trong những năm tới. Trong đó đặc biệt quan trọng là thống nhất tư tưởng “ Võ học vị nhân – Võ công khai trí” bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống võ thuật cổ truyền Bình Định nói chung và Bình Định Gia nói riêng. Từ đó Hội đồng gia tộc đã thống nhất thành lập các bộ phận chuyên trách giúp việc Chưởng môn hoạch định chiến lược phát triển, thiết lập môn qui tới tất cả các võ đường nhằm giúp các võ đường phát triển đúng hướng. Với sự đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới của tất cả các võ đường, câu lạc bộ trong môn phái, chắc chắn thời gian tới đây, môn phái Bình Định Gia sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để đáp ứng tâm nguyện một đời của lão võ sư chưởng môn Trần Hưng Quang và cố võ sư chấp chưởng môn Trần Hưng Hiệp là “phải gìn giữ, phát huy được những tinh hoa võ thuật của dân tộc cho đời đời con cháu mai sau”.

Lê Võ (tổng hợp)