Hào hứng múa võ trong sân trường ở đất võ Bình Định

Trong tuần qua, chương trình tập huấn nội dung giảng dạy võ cổ truyền Bình Ðịnh tại các trường tiểu học, THCS, THPT và trực thuộc đã được triển khai tại 9 địa phương trong tỉnh. Ðây là những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chủ trương đưa võ vào trường học, dần tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Đại hội Quốc tế Võ cổ truyền: Âm vang hào khí Thăng Long
Các dòng họ võ thuật nức tiếng ở Bình Định

vct binh dinh
Các giáo viên thể dục ở Bình Định thực hiện những động tác cơ bản tại lớp tập huấn.

“Võ sinh” hào hứng!

Cùng với Phù Cát và Vân Canh, An Lão là huyện đầu tiên được triển khai chương trình tập huấn tại điểm Trường THPT An Lão. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau lễ khai giảng, các giáo viên thể dục nhanh chóng ổn định và đi vào tập luyện dưới sự hướng dẫn của võ sư Võ Văn Tính (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) và Thanh Hùng (Hội võ thuật Hoài Nhơn).

Cô Châu Thị Linh Chi, giáo viên thể dục Trường Tiểu học An Hòa 2 (An Lão), cho biết: “Dù chưa từng được tiếp cận với bất kỳ môn võ nào, nhưng tôi thấy những động tác được dạy trong chương trình này cũng tương đối đơn giản, dễ nắm bắt và thực hiện. Đối với những giáo viên thể dục như chúng tôi, việc được học thêm một môn võ để phục vụ công tác giảng dạy trong nhà trường cũng là điều mới mẻ và thú vị. Bên cạnh đó, đây là hoạt động rất ý nghĩa nhằm bảo tồn di sản võ cổ truyền Bình Định, nên tôi rất tự hào khi được tham gia”.

Ngay sau buổi tập đầu tiên, các “võ sinh đặc biệt” ở An Lão đã đề nghị võ sư Võ Văn Tính “đặt hàng” võ phục để mặc trong lễ bế giảng. Yêu cầu bất ngờ nhưng thể hiện sự hào hứng của các giáo viên miền núi nhanh chóng được đáp ứng, tạo khí thế và niềm vui với những “võ sinh” đầy nhiệt tình.

Lớp tập huấn tại Phù Cát có số lượng võ sinh lên đến gần 140 người. Vì vậy, lớp được chia thành 3 nhóm để tập. Độ tuổi của các giáo viên thể dục tại đây khá chênh lệch, trong đó có một số người đã ở tuổi ngũ tuần. Dù vậy, tất cả đều nỗ lực để hoàn thành các bài tập một cách tốt nhất. Tại Trường THPT số 1 Tuy Phước, có gần 100 giáo viên thể dục trên địa bàn tham gia lớp tập huấn đợt hai.

Tranh thủ ít phút giải lao sau khi tập một số bộ tấn, thầy Phạm Tấn Sơn, giáo viên thể dục Trường THCS Số 1 Phước Sơn, chia sẻ: “Đây là chủ trương lớn của tỉnh mang nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn di sản võ cổ truyền. Vì vậy, dù thời tiết nắng nóng, chương trình khá dày, nhưng chúng tôi đều cố gắng hoàn thành. Theo tôi, việc triển khai những bài võ vào trường học sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, nâng cao sức khỏe cho học sinh”.

vct bd
Các thầy giáo thể dục tham gia lớp tập huấn

Hướng đến chặng đường kế tiếp

Theo kế hoạch, đợt tập huấn này sẽ kéo dài đến hết ngày 14.8, dành cho giáo viên thể dục của các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố. Các học viên được tập huấn bài Hùng kê quyền và chương trình căn bản công gồm: tấn pháp (16 bộ tấn), thủ pháp (7 bộ sơn, 6 bộ chưởng), cước pháp (9 đòn đá). Đây là giáo trình do Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biên soạn để phục vụ cho các lớp tập huấn căn bản.

Một trong những điều băn khoăn của các giáo viên thể dục là với lượng kiến thức còn khá khiêm tốn qua đợt tập huấn ngắn rất khó để họ tự tin mở lớp dạy ngoại khóa. Nắm bắt được điều này, sau khi mở cuộc khảo sát nhanh ở các lớp học, võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, đã đưa ra ý kiến: “Hiện nhiều giáo viên thể dục vẫn nghĩ rằng muốn mở lớp cần những kiến thức… cao siêu. Nhưng theo chúng tôi, hãy đơn giản hóa mọi việc, chúng ta hãy xem đây như những lớp “bình dân học vụ” ngày trước, người biết ít chỉ cho người chưa biết, sau đó tiếp tục bổ sung bằng những lớp tập huấn hàng năm. Cố gắng đưa võ cổ truyền vào các chương trình ngoại khóa, mỗi trường thành lập được một CLB võ cổ truyền thì mục tiêu ban đầu của chúng ta sẽ thành hiện thực”. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đưa võ cổ truyền trở thành một môn thi đấu chính thức trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, khi đó chắc chắn võ cổ truyền sẽ thực sự có sức sống mạnh mẽ trong các trường học.  Võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định cho biết: “Để biên soạn nội dung phù hợp cho những đối tượng mới tiếp cận với bộ môn võ cổ truyền, chúng tôi đã nghiên cứu những động tác cơ bản nhất, có hiệu chỉnh, với mục tiêu dễ hiểu, dễ nắm bắt và thực hành. Với những bài tập này, các giáo viên có thể đưa vào giảng dạy như những bài thể dục trong nhà trường; tập ở các giờ ngoại khóa. Khi đã được Bộ GD&ĐT cho phép, đây sẽ là một trong những môn thể dục tự chọn ở các trường”.

Mời các bạn cùng VoThuat.vn xem lại màn đồng diễn võ thuật của 5.500 thanh niên Bình Định:

https://www.youtube.com/watch?v=9ZE5qafNxjc

Nguồn Báo Bình Định