Tuyển quyền Taekwondo Việt Nam và cuộc chuyển giao thế hệ vàng

Giải Vô địch quyền Taekwondo Thế giới 2016 (Lima, Peru) khép lại với nhiều niềm vui – nỗi buồn cho đoàn Taekwondo Việt Nam. Không chỉ là một mùa giải khó quên, đây còn là cơ hội để các VĐV cờ đỏ sao vàng nhận ra sự sẵn sàng của thế hệ kế thừa.

VĐV Taekwondo Việt Nam bất ngờ khi được tổ chức sinh nhật tại sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày về đầy cảm xúc của Taekwondo Việt Nam sau giải vô địch thế giới

VẪN TRẺ, NHƯNG KHÔNG CÒN “NON”

“Thành tích của Taekwondo Việt Nam, đặc biệt là đội tuyển quyền luôn phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của lứa tuổi trẻ” – đó là lời khẳng định của HLV Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật VTF, HLV trưởng đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam.

Thành lập từ năm 2009, tuyển quyền Taekwondo Việt Nam được xem như “thế lực” sinh sau đẻ muộn của làng Taekwondo thế giới. Bản thân những tên tuổi của đội tuyển cũng đều là các gương mặt trẻ.

Bộ ba Lệ Kim - Tuyết Mai - Tuyết Vân và tấm HCV nội dung quyền tiêu chuẩn đồng nội nữ tại Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới 2014.
Bộ ba Lệ Kim – Xuân Linh – Tuyết Vân và tấm HCV nội dung quyền tiêu chuẩn đồng nội nữ tại Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới 2014.

Kể từ khi “đóa hoa về chiều” của đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam Nguyễn Thị Thu Ngân rời đội hình thi đấu năm 2014, bộ ba Tuyết Vân – Lệ Kim – Xuân Linh (kế đến là Tuyết Mai thay thế vị trí này) chính thức trở thành mũi nhọn chủ công “săn” huy chương. Nếu như trước đây Thu Ngân luôn được xem như người chị cả, là chỗ dựa tinh thần của các VĐV nhỏ tuổi, giờ đây tất cả những chàng trai – cô gái ở lứa tuổi trên 17 đều phải tự học cách trở thành chỗ dựa cho chính bản thân mình.

Họ đã trưởng thành rất nhanh, không chỉ bằng những tấm huy chương mà còn bằng những giọt nước mắt. Ngay tại Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới năm 2014 (Mexcio), hẳn đội hình Tuyết Vân – Lệ Kim – Xuân Linh – Thiên Phụng – Thanh Trung vẫn còn nhớ thất bại cay đắng khi vuột mất tấm HCV nội dung quyền đồng đội sáng tạo 5 người 17 tuổi. 29 VĐV tham gia giải đấu khi ấy (một nửa ở độ tuổi 12 – 17) hẳn vẫn còn nhớ những bỡ ngỡ khi thi đấu nơi xứ người, nhớ những kiện hành lý thất lạc, nhớ những lần đứng ngồi không yên vì đoàn gặp sự cố về VISA.

Đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam tại Lima, Peru.
Đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam tại Lima, Peru.

Những cái tên ấy, ngày nay vẫn còn trẻ. Nhưng họ không còn “non” nữa. Trở về từ Peru, nơi họ đối đầu với mùa giải quyền Thế giới khắc nghiệt nhất lịch sử, nơi những tên tuổi vàng đều như Tuyết Vân, Lệ Kim, Tuyết Mai, Thiên Phụng, Thành Trung, Văn Huy đều thêm một phần trưởng thành khi cầm trên tay tấm HCB – màu huy chương đầy tiếc nuối.

Quyền Taekwondo đã chính thức được đưa vào thi đấu tại ASIAD 2018 Indonesia. Lộ trình quyền Taekwondo chinh phục Olympic vẫn còn rất xa, nhưng khó khăn đã ở ngay trước mắt khi nhiều nước châu Á đã bắt đầu đổ công sức vào nội dung này – điều đã được chứng minh rõ ràng tại Peru. Những VĐV quyền Taekwondo Việt Nam đang phải trưởng thành và bản lĩnh hơn để theo kịp tiến trình đó. Một sự phát triển đầy kỳ vọng, và cũng hết sức khắc nghiệt. Cuộc chơi vốn khó nay càng khó, các VĐV vốn bản lĩnh và tài năng một lần nữa lại phải nâng tầm thử thách.

Các VĐV Thái Lan lần đầu chạm tay vào tấm HCV quyền Taekwondo Thế giới. Cũng như Thái Lan, nhiều nước châu Á đã đặc biệt đẩy mạnh phát triển quyền Taekwondo kể từ khi nội dung này được chọn thi đấu tại ASIAD 2018.

Một lần nữa, quyền Taekwondo Việt Nam trở về giữa hai cảm xúc thất bại và chiến thắng. Lại một lần nữa chúng ta có thêm bằng chứng để cho thấy họ cần được đầu tư, quan tâm và định hướng tốt hơn nữa.

chau-tuyet-van-1
Châu Tuyết Vân bật khóc ngày trở về vì vuột mất tấm HCV ở nội dung được kỳ vọng nhất.

CUỘC CHUYỂN GIAO THẾ HỆ

Khi những tên tuổi thế hệ Tuyết Vân, Lệ Kim, Thiên Phụng sắp thành đàn anh đàn chị thực sự, điều Taekwondo Việt Nam cần nhất bây giờ là một thế hệ kế thừa. Trời thương kẻ khó, thế hệ đó đã tỏa sáng đúng lúc những người đi trước thất bại giữa hàng chục đối thủ vượt trội. Nguyễn Kim Phương, Ha Mi Zah, Lê Ngọc Hân, Lê Trần Kim Uyên, Nguyễn Thị Kim Hà, Trần Hồ Duy, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Ngọc Minh Hy, đó chính là những cái tên sẽ được nhắc đến kể từ bây giờ.

VĐV Nguyễn Kim Phương – Ha Mi Zah – Lê Ngọc Hân mang về tấm HCV ở nội dung đồng đội nữ quyền tiêu chuẩn cadet.
VĐV Nguyễn Kim Phương – Ha Mi Zah – Lê Ngọc Hân mang về tấm HCV ở nội dung đồng đội nữ quyền tiêu chuẩn cadet.

Đó là những tài năng U17 đã xuất sắc mang về 2 tấm HCV vô giá cho đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam với các nội dung Quyền tiêu tiêu chuẩn nữ Cadet và Quyền đồng đội sáng tạo U17. Đó là điểm sáng nhất trong bảng thành tích 2 HCV, 4 HCB và 3 HCĐ của đội tuyển tại mùa giải lần này.

Những gương mặt mới xuất hiện nhiều hơn trong đội hình tuyển quyền Taekwondo Việt Nam.
Những gương mặt mới xuất hiện nhiều hơn trong đội hình tuyển quyền Taekwondo Việt Nam.

Gọi là quý giá, bởi 2 tấm HCV đó không chỉ mang giá trị thành tích. Nó mang giá trị như lời tuyên bố cho một cuộc chuyển giao thế hệ. Quyền Taekwondo Việt Nam có thêm một lực lượng đáng kỳ vọng, thế hệ đi trước của đội tuyển cũng phần nào được giảm bớt áp lực của gánh nặng thành tích.

VĐV Lê Trần Kim Uyên vẫn không thể diễn ra được cảm xúc của mình khi lần đầu tiên giành được tấm HCV thế giới.
VĐV Lê Trần Kim Uyên vẫn không thể diễn ra được cảm xúc của mình khi lần đầu tiên giành được tấm HCV thế giới.

Con đường khó khăn của Taekwondo Việt Nam khi tìm nhân tài như mò kim đáy bể trước đây đã chính thức thành công – sự thành công của đường lối phát triển phong trào đúng đắn, tạo nền tảng sản sinh ra thế hệ VĐV kế thừa.

Tại Peru, đó là một mùa giải gian nan khi Hàn Quốc đổ quân săn huy chương, khi các nước châu Á bất ngờ tiến bộ vượt bậc để chuẩn bị luôn cho ASIAD 2018. Tại Việt Nam, đó là một khoảng lặng để đội tuyển đánh giá lại mọi thứ.

Cuối năm nay, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam chính thức đón “sinh nhật” lần thứ 20. Ngay sau đó, chặng đường mới gai góc hơn, khó khăn nhưng cũng kiêu hãnh hơn của quyền Taekwondo Việt Nam sẽ lại bắt đầu.

Hồ Võ