Những người làm nên kỳ tích Taekwondo Việt Nam: Ngày ấy – bây giờ

Nói về lịch sử phát triển của bộ môn Taekwondo Việt Nam, chúng ta không thể quên kể đến những tên tuổi kỳ tích nay đã lui về đằng sau ánh hào quang chiến thắng. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi “người viết sử” ngày ấy đều là một câu chuyện, một bài học cho những thế hệ theo sau.

Những niềm hy vọng vàng của tuyển quyền Taekwondo Việt Nam
Taekwondo Việt Nam nhận thư chúc mừng của Chủ tịch LĐ Taekwondo thế giới

Chỉ còn ít ngày nữa, Nhà tài trợ kim cương  – Tập đoàn Number 1 sẽ đồng hành cùng Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Đây là dịp để chúng ta điểm lại những gương mặt đã làm rạng danh Taekwondo Việt Nam trong quá khứ.

TRẦN HIẾU NGÂN – TRANG SỬ ĐẦU TIÊN

Người nữ Kiện tướng quê Phú Yên này là người nắm giữ rất nhiều cái “đầu tiên”: Lứa VĐV Taekwondo đối kháng đầu tiên vươn ra được tầm quốc tế; người đầu tiên nếm trải đủ cảm giác thăng trầm, từ chấn thương đến vinh quang và ý định giải nghệ sớm, từ đỉnh cao đến khoảnh khắc giã từ sự nghiệp với tấm HCB Olympic mà 16 năm nay các thế hệ đàn em chưa thể tái lập.

Trần Hiếu Ngân và tấm HCB khởi đầu cho 16 năm mòn mỏi đeo đuổi Olympic của các thế hệ kế thừa.
Trần Hiếu Ngân và tấm HCB khởi đầu cho 16 năm mòn mỏi đeo đuổi Olympic của các thế hệ kế thừa.

Hiện nay, nữ Á Quân sinh năm 1974 này đã có một lối về bình yên – theo cách mà chính cô nhìn nhận. Rời thảm đấu ngay sau kỳ tích Olympic 2000, cô hài lòng với công việc huấn luyện, một gia đình êm ấm với chính người đồng đội cũ của tuyển Taekwondo. Ngoài ra, cô còn đảm nhận thêm công việc văn phòng để đủ sức bám trụ với nghiệp đào tạo những thế hệ trẻ.

HỒ NHẤT THỐNG – NGUYỄN THỊ HUYỀN DIỆU: “ANH ĐÂU, EM ĐÓ!”

Có lẽ đây là câu chuyện tình đẹp nhất lịch sử Taekwondo Việt Nam. Sinh năm 1975, người HLV nổi tiếng dí dỏm Hồ Nhất Thống từ “bỏ túi” HCV SEA Games 1997, HCV ASIAD 1998 và HCĐ Giải VĐ Thế giới 1999 trước khi bén duyên với người vợ cũng không hề kém cạnh: Nguyễn Thị Huyền Diệu (HCV SEA Games 1999, 2001, 2003, 2005; HCB Vô địch châu Á 2002, 2004; HCB Asian Games 14).

ea1e18373e825ecd1b6a3f3da7d8b0ed
Hai vợ chồng Nhất Thống – Huyền Diệu ngày nay.

Cách nhau đến 5 tuổi, sự nghiệp của 2 người như những bước đi nối tiếp nhau, khi Nhất Thống đã về trên hàng ghế HLV thì Huyền Diệu vẫn mải mê với những giải đấu, mãi đến năm 2007 cả hai vợ chồng mới cùng nhau chung tiếng thầy – cô trước những lứa học trò mới. Cuối năm 2010, Hồ Nhất Thống chuyển sang huấn luyện cho đội tuyển Shorinji Kempo Việt Nam.

TRẦN QUANG HẠ – MỘT BƯỚC LỠ LẦM

Là người đầu tiên mang về tấm HCV ASIAD (1994) cho làng Taekwondo Việt Nam, đồng thời đào tạo được nhiều võ sĩ trẻ như Hoàng Hà Giang (Vô địch giải trẻ thế giới 2006), Lê Huỳnh Châu (dự Olympic 2008 và HCV SEA Games 24)… lẽ ra Trần Quang Hạ đã có một cái kết đẹp và đầy kiêu hãnh.

Khoảng đầu năm 2016, hồ sơ học vấn của ông được lật lại và phát hiện nhiều sai phạm, cụ thể là việc tốt nghiệp ĐH năm 1998 nhưng mãi đến năm 2015 mới có… bằng tốt nghiệp THPT. Thời điểm 1991-1992, ông đã không được phép dự thi vì tập trung cho thi đấu, nhưng lại nọp đơn nhập học ĐH TDTT TP.HCM 1993.

Trước khi bị phát hiện sai phạm về bằng cấp, Trần Quang Hạ đã là Phó phòng Thể thao thành tích cao Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM (2015).
Trước khi bị phát hiện sai phạm về bằng cấp, Trần Quang Hạ đã là Phó phòng Thể thao thành tích cao Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM (2015).

Câu chuyện của Trần Quang Hạ như một lời cảnh tỉnh cho cả làng Taekwondo Việt Nam về việc quản lý chất lượng, trình độ cán bộ sát sao hơn, đồng thời quan tâm đến việc tạo điều kiện để các VĐV hoàn thành con đường học vấn cá nhân, tránh những sai phạm đáng tiếc như vụ việc này.

HOÀNG HÀ GIANG – KHÔNG CHỈ LÀ MỘT SỐ PHẬN

Tháng 12/2015, làng Taekwondo bàng hoàng nhận tin Hoàng Hà Giang – “cô gái vàng” và là một trong những VĐV đầu tiên từng được gửi đi nước ngoài tập huấn đã mãi mãi bỏ lại tuổi thanh xuân 24 vì bệnh lupus ban đỏ.

Cuộc đời của Hà Giang là những chuỗi dài kỳ tích. Sinh ra trong một gia đình nghèo, việc cô có thể bám trụ với tuyển trẻ vào những năm 2005 trở đi (thời kỳ cuộc sống VĐV vẫn còn cực kỳ khó khăn) là điều không phải ai cũng dám chấp nhận. Năm 2006, cô đoạt HCV giải Taekwondo trẻ Thế giới ở tuổi 15. Cũng trong năm đó cô giành HCB ASIAD 2006 và kế đến là tái lập ngôi vị vô địch thế giới năm 2008. Kể cả khi rời đỉnh cao sự nghiệp và bỏ lại bao nhiêu niềm kỳ vọng vàng vì phát bệnh, cô vẫn kiên trì từ những công việc khó khăn như bán vé hồ bơi, giúp việc nhà hàng cho đến niềm thán phục của bạn bè khi theo học ngành thiết kế.

Hoàng Hà Giang - câu chuyện nhói lòng của làng Taekwondo Việt Nam.
Hoàng Hà Giang – câu chuyện nhói lòng của làng Taekwondo Việt Nam.

Thế nhưng, câu chuyện đó mãi mãi khép lại, một lần vào năm 2008 khi cô giải nghệ và lần thứ hai khi cô hoàn toàn bỏ lại mọi thứ, vinh quang cùng những câu chuyện kỳ tích. Câu chuyện Hoàng Hà Giang để lại nước mắt cho những thế hệ huyền thoại đã về lại trên hàng ghế khán giả cùng nỗi băn khoăn muôn thuở của làng thể thao: cuộc đời các VĐV sẽ đi về đâu nếu một ngày tai họa cũng ập đến như thế?

NGUYỄN VĂN HÙNG – NAM VƯƠNG MÃI MÃI LÀ NAM VƯƠNG

Có rất nhiều điều để mô tả về chàng “nam vương” Nguyễn Văn Hùng: 5 lần vô địch SEA Games (1999-2007), HCĐ ASIAD 1998, HCB ASIAD 2002, một trong số rất ít VĐV Taekwondo được chính phủ trao tạng Huân chương Lao động hạng Nhất và từng tham dự 2 mùa Olympic. Ngoài ra, anh còn là một người đa tài, từng chơi cả bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, “lấn sân” cả sang nghề người mẫu.

Ngày nay, Nguyễn Văn Hùng vẫn còn thi đấu bóng rổ và vẫn thể hiện lối chơi tích cực, xông xáo và gan lỳ như thời còn thi đấu Taekwondo.
Ngày nay, Nguyễn Văn Hùng vẫn còn thi đấu bóng rổ và vẫn thể hiện lối chơi tích cực, xông xáo và gan lỳ như thời còn thi đấu Taekwondo.

Nhắc đến Nguyễn Văn Hùng của ngày hôm nay, đó vẫn là một hình mẫu thành công mà rất nhiều VĐV khác phải mơ ước: một gia đình êm ấm, một công việc ổn định và hạnh phúc (tự nguyện trở về quê nhà phục vụ huấn luyện) và một người em trai cũng đang theo nghiệp thi đấu Taekwondo. Hình bóng chàng nam vương Taekwondo ngày ấy đã đi vào quá khứ, nhưng khuôn mặt sắc lạnh của anh cùng những câu chuyện về một Văn Hùng gan lỳ trên sàn đấu lẫn đời thường vẫn mãi tồn tại trong câu chuyện các thế hệ đàn em.

NGUYỄN THỊ THU NGÂN – LỐI VỀ BÌNH YÊN

Cô gái sinh năm 1986 này là một ví dụ thú vị, một tên tuổi sinh ra và lớn lên giữa cuộc chuyển giao hai thế hệ cũ – mới của làng quyền Taekwondo Việt Nam. Là một trong những đầu tiên trong đội hình tuyển quyền quốc gia, Thu Ngân đã cùng Tuyết Vân – Lệ Kim đã cùng nhau chinh phục những đỉnh cao đầu tiên trên đấu trường quốc tế, đồng thời đóng góp cho tuyển Quân Đội nhiều thành tích cá nhân khác.

Là người chị cả của tuyển quyền ngày ấy, Thu Ngân cũng trở thành người đầu tiên về trên hàng ghế khán giả. So với rất nhiều VĐV khác, Thu Ngân tự nhận mình là một ví dụ đầy may mắn và cả chút “bài bản” trên con đường giải nghệ. Lối về bình yên sau vinh quang của cô là một công việc bám trụ đam mê (HLV Taekwodo cho đội tuyển Quân khu 7), một gia đình êm ấm (cũng là lý do chính cô quyết định giải nghệ năm 2014) và một trình độ học vấn đầy đủ, không bị gián đoạn vì thi đấu chuyên nghiệp.

Bộ ba Tuyết Vân - Lệ Kim - Thu Ngân, người mở đường cho những kỳ tích của tuyển quyền Taekwondo Việt Nam.
Bộ ba Tuyết Vân – Lệ Kim – Thu Ngân, người mở đường cho những kỳ tích của tuyển quyền Taekwondo Việt Nam.

Có thể nói, Nguyễn Thị Thu Ngân chính là một trong những bài học lớn nhất cho những VĐV Taekwondo đang “cháy” hết mình trên đỉnh vinh quang nhưng cũng nên tính toán cẩn thận cho một cuộc sống sau giải nghệ thi đấu.

_pv_2439

Và để tiếp nối những trang sử Vàng của Taekwondo Việt Nam, những thế hệ đàn em như Châu Tuyết Vân, Lệ Kim, Hiếu Nghĩa, Hamizah…vẫn đang trên con đường chinh phục những ánh hào quang đó và bằng chứng là tấm HCV của VĐV Hồ Thị Kim Ngân tại Giải Taekwondo trẻ thế giới vừa diễn ra tại Canada.

https://www.youtube.com/watch?v=pHuEEhSOpU4

 Hồ Võ