Trò chuyện với nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn: Mãi mãi là mùa xuân

Trần Hậu Tuấn là võ sư môn phái Vịnh Xuân quyền. Ông còn là một nhà sưu tập tranh đang sở hữu nhiều tranh có giá trị của các họa sĩ bậc thầy của Việt Nam và có nhiều hoạt động liên quan đến mỹ thuật. Ông Trần Hậu Tuấn đã có cuộc trò chuyện cùng VoThuat.vn.

Võ sư Trần Hậu Tuấn: “Vịnh Xuân giúp giữ thăng bằng trong cuộc sống”
Câu chuyện ngôi sao: Võ sư Vịnh Xuân Trần Hậu Tuấn

tht
Võ sư Trần Hậu Tuấn với bài tập Mộc nhân của Vịnh Xuân Quyền (ảnh: CHU NGỌC)

* Thưa ông, tại sao là một võ sư mà ông lại có thể  đủ khả năng tài chánh để sưu tập được nhiều tranh rất giá trị?

– Tôi nghĩ mình là một người may mắn và có bước khởi đầu khá thuận lợi. Do cơ duyên, khi các bức tranh của  họa sĩ Việt Nam có thể mua và bán được, tôi đã có các mối liên hệ tốt với các họa sĩ. Lúc đó là “thời kỳ mở cửa” nên việc mua, việc bán tranh khá dễ dàng và có lợi nhuận  cao. Cũng chính nhờ vậy, tôi tích lũy được nhiều vốn cho công việc sưu tập tranh sau này.

Thú thật, đôi lúc tôi cũng không đủ tiền để mua một tác phẩm quý của một họa sĩ bậc thầy. Những lúc như thế, có khi tôi phải vay mượn hoặc bán đi vài tác phẩm có vị trí thứ yếu trong bộ sưu tập của mình. Tuy vậy, tôi luôn cố gắng cân đối tài chánh để giữ được thăng bằng trong công việc.

* Được biết, danh họa Bùi Xuân Phái là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sưu tập tranh của ông. Ông nghĩ gì về danh họa này?

Với tôi, Bùi Xuân Phái luôn là một người thầy lớn, một tấm gương lớn và một khích lệ lớn cho tôi. Tôi vẫn nghĩ: nếu không có mối quan hệ thân tình rất sớm mà tôi may mắn gặp được Bùi Xuân Phái và gia đình ông, có lẽ đã không có Trần Hậu Tuấn ở tư cách nhà sưu tập như ngày hôm nay.

* Đang hàng ngày giảng dạy Vịnh Xuân quyền,  “con người võ” và “con người vẽ” có bổ sung và nâng cao nhau lên trong ông không? Xin ông cho biết thêm vì sao dân gian hay gắn “võ vẽ” với nhau?

Theo tôi, “võ vẽ” không phải chỉ là chuyện khua chân, múa tay. Học võ, theo tôi trước hết là một phương pháp rèn luyện thể lực, qua đó giúp ta hiểu biết cơ thể và cảm nhận được nghệ thuật vận động, biết vận động  một cách khoa học và hợp lý. Quan trọng hơn cả là nhận biết điểm yếu trong sức khỏe của bản thân.

Nhiều người chưa tiếp xúc với võ thuật thường định kiến học võ là học đánh đấm, là học để thành “kẻ mạnh”. Thực ra, không phải. Không có nền võ học nào, căn cứ võ đạo nào khuyến khích vũ lực. Học võ trong ý nghĩa đích thực là học tự thắng bản thân – thắng những quán tính, thắng những sức ỳ cố hữu – để có sự điềm tĩnh, tự tin, giữ thăng bằng trong cuộc sống hàng ngày và luôn biết nhường nhịn.

Nhờ “võ” mà tôi thấy được nhiều hơn về “vẽ”, thấy trong tính nội tại của nó. Tôi nghĩ nói về chuyện này không bao giờ đủ, chúng ta cần phải có một sự nhập thân và trải nghiệm.

***

Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, tôi xin gởi tặng bạn đọc VoThuat.vn một số bức tranh vẽ về chủ đề Mùa Xuân của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và Đặng Xuân Hòa trong bộ sưu tập của tôi, thay lời chúc Phúc Đức đến với quý bạn đọc với mong ước cuộc sống Mãi mãi là Mùa Xuân.

* Xin cảm ơn Ông.

CHU NGỌC (Thực hiện)

******************************************************************************************

NHỮNG BỨC TRANH CHỦ ĐỀ MÙA XUÂN TRONG SƯU TẬP CỦA TRẦN HẬU TUẤN

HỌA SĨ NGUYỄN GIA TRÍ (1906—1993)

nguyen-gia-tri1
Vườn xuân (Tranh Sơn mài của Nguyễn Gia Trí)

Nguyễn Gia Trí là người đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển nghệ thuật sơn mài, khi chuyển nó từ một chất liệu trang trí mỹ nghệ sang chất liệu tạo hình với khuynh hướng dân tộc mới. Và đặc biệt là những khai mở của ông trong ngôn ngữ hội họa. Đó là một phương án hội họa biến đổi tự do về cấu trúc, giảm bớt chiều sâu trong diễn tả không gian, tăng cường tính duy mỹ của hoa cỏ trong tranh phương Đông và luôn có phương án kiến trúc hiện đại cho một bức họa thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Hội họa của Nguyễn Gia Trí như những pho tượng Phật trong chùa, luôn rực rỡ và sáng chói trong mọi không gian.

HỌA SĨ BÙI XUÂN PHÁI (1920 – 1988)

bui-xuan-phai-1
Chợ hoa xuân  (Tranh Sơn dầu của Bùi Xuân Phái)

Chúng ta vẫn còn đó một danh hoạ Bùi Xuân Phái của phố cổ Hà Nội. Thế nhưng, ông không độc quyền đề tài này, cũng như sẽ không độc quyền bất kỳ một mảng cảm xúc nào. Ông chỉ độc quyền tài năng của chính ông, thứ mà mọi biến cố lịch sử, mọi dòng lũ quét của thời gian cũng không huỷ hoại được hay thay thế được.

Vì thế, phố Phái là bất tử, cũng như nghệ thuật là bất tử.

HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG (1923—1988)

nguyen-sang-1
Thiếu nữ và hoa sen – (Tranh Màu nước của Nguyễn Sáng)

Nguyễn Sáng là một trong những học viên cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Ông tham gia kháng chiến từ sau 1945 và trở thành họa sĩ cách mạng một cách tự nhiên. Cuộc đời họa sĩ gắn liền với các biến cố của dân tộc, như một người lính trong chiến tranh, lại có tầm nhìn của một vị tướng giúp Nguyễn Sáng nhận thức mọi vấn đề có tính bao quát và sâu sắc.

Tính cách Nam bộ khoáng đạt và sự tinh tế của văn hóa Hà Nội hun đúc tinh thần nhân bản trong hội họa của Nguyễn Sáng. Tầm vóc và ảnh hưởng của ông ngày càng rộng lớn. Những tác phẩm của Nguyễn Sáng để lại đều là những dấu ấn và trở thành niềm tự hào chung của nền Mỹ thuật Dân tộc.

HỌA SĨ ĐẶNG XUÂN HÒA (1959)

dang-xuan-hoa-1
Hoa quả ngày xuân (Tranh Sơn dầu của Đặng Xuân Hòa)

Đặng Xuân Hòa là trường hợp điển hình của hội họa Việt Nam trên con đường hòa nhập vào thế giới hiện đại. Anh muốn đi thẳng tới các thành quả của hội họa phương Tây (đã trở thành tài sản chung của nhân loại) bằng nguồn chất liệu đời sống mang tính đặc thù của nền văn minh còn mang đậm dấu ấn làng xã Việt Nam.

* TRẦN HẬU TUẤN (Thực hiện)

https://www.youtube.com/watch?v=9fBOyz3ETDU