Truyền nhân hầu quyền câm điếc cao 1m4 của “người khổng lồ”

Những thớ thịt cứng chắc, cuồn cuộn cơ bắp, những đường quyền tinh xảo, thoăn thoắt, những tiếng hú, hét, gầm bung tràn cuống họng, lão võ sư “khỉ” cụp người, rụt chân. Mắt lão trợn trắng, má tóp, miệng bạnh như một con khỉ thủ thế phản công. Lão chính là huyền thoại hầu quyền Trần Cửu, truyền nhân đặc biệt của môn võ khỉ có một không hai.

 

Võ sĩ hầu quyền tí hon

Lão bước đi khập khiễng nhưng nhanh nhạy, chân tay lão trồi lòi ra khỏi cơ thể nhỏ thó, lùn tịt. Lão mở miệng cười toe toét thay cho lời chào, hai cái răng cửa cuối cùng chơi vơi, trơ trọi chẳng biết khi nào sẽ rụng hết. Tuổi 78 của lão đáng buồn nhất là bộ răng rụng sớm, còn lại, thể trạng và khuôn mặt của lão luôn tràn đầy nhựa sống.

Cuộc đời và số phận của lão đen tối mờ mịt, bất hạnh từ năm lên 6 tuổi. Sau những cơn sốt, cơn co giật kinh niên, “thần chết” bỏ lại lão trên thế gian với một thân xác “sứt mẻ” khổ hạnh. Lão câm và điếc vĩnh viễn. Cha lão là võ sư Trần Lâm, một bậc võ đạo tiếng tăm lẫy lừng đã tuyệt vọng với ước mơ có hậu duệ nối nghiệp. Ông ngậm ngùi mang con tới gửi cho người bạn đồng môn mà tiếng tăm đang nổi như cồn. Đó chính là võ sư Lưu Kiếm Hào, người đương thời gắn cho ông biệt danh “người khổng lồ” với chiều cao 1,90m, nặng trên 100kg. “Người khổng lồ” không có đối thủ trên sàn đấu, các võ sư nước ngoài tìm đến Việt Nam mục đích chỉ để “nghênh chiến” với “người khổng lồ”. Đứa trẻ Trần Cửu vừa trải qua cơn bão bệnh thập tử nhất sinh, lại đeo vào thân hai dị tật câm và điếc. Người học võ chữa bệnh bằng võ.

Sư phụ “người khổng lồ” đã luyện cho Trần Cửu làm quen dần với võ đạo, tập đi quyền, vận khí công để thoát khí, thông vòm họng. Ngoài những dị tật không thể cứu chữa, Trần Cửu còn đặc biệt ở dáng dấp “tí hon” của mình. Ăn hết bao nhiêu cơm, tập nhuần nhuyễn bao nhiều bài quyền, vận khí công mỗi ngày mà cơ thể người câm điếc chẳng thể nhích lên. Trần Cửu dừng lại ở chiều cao 1,40m. Đi bên cạnh “người khổng lồ”, Trần Cửu như con châu chấu.

Ông trời không lấy đi của con người tất cả, bị câm, điếc nhưng Trần Cửu có một trí nhớ khó ai sánh nổi. Những lần tháp tùng sư phụ đi tỷ thí, Trần Cửu lặng lẽ theo dõi, lặng lẽ quan sát sau đó về nhà, lão xắp xếp lại trí nhớ và học được tuyệt chiêu của môn phái khác. Phát hiện ra khả năng nhạy bén, thông minh của học trò nên “người khổng lồ” quyết định truyền thụ bí quyết hầu quyền môn cho Trần Cửu. Với thể trạng  tí hon và một phần khiếm khuyết cơ thể, thì hầu quyền chính là “bảo bối” đối với Trần Cửu.

Lĩnh hội hầu quyền, Trần Cửu từ một chàng trai khuyết tật, dị dạng trở thành võ sĩ vang danh tứ chiếng. Giới võ lâm Sài Gòn biết đến Trần Cửu như một huyền thoại không có đối thủ trên sàn diễn hầu quyền. Lão biến hóa tinh tườm, khi thì dũng mãnh như chúa sơn lâm, khi lại nhe răng co người thủ thế như khỉ đột. Những thế thủ, thế đánh của hầu quyền khiến đối thủ lao đao khó đỡ. Phản công nhanh như sóc, phòng thủ vững như chông. Nhưng, là người học võ, Trần Cửu đã thấm nhuần triết lý võ đạo của sư phụ. Học võ để bảo vệ bản thân và bảo vệ người yếu. Ngày sư phụ “người khổng lồ” mất, đệ tử Trần Cửu gầm lên như một con thú, lão phục lạy, đập đầu xuống đất côm cốp, đó là lần đầu tiên người ta thấy lão khóc. Lão khóc thành tiếng, khóc như một đứa trẻ dại bị cha mẹ đánh đòn.

Tôi chẳng thể nói chuyện với lão, nhưng trông cái vẻ mặt hớn hở, trông hai cái răng cửa luôn chìa ra phía trước, tôi cảm nhận rằng, lão đang muốn thể hiện một điều gì đó với tôi. Võ sư Lưu Kiếm Xương ra dấu bằng động tác, tức thì lão bỏ dép ra, đứng im vận công. Xong, lão múa, lão nhảy chóng mặt. Những âm thanh khan từ cuống họng lão phát ra như tiếng gầm vang của thú rừng, có một sức mạnh phi thường nào đó sau mỗi tiếng gầm khan như thế. Lão gồng mình lên, cơ bắp cuộn căng, đỏ au, từng đường gân trồi lên như đọn sóng ở thanh quản, lão dùng hết sức đấm mạnh vào cổ. Hành động ấy như ngầm than trách số phận, oán trách cái cổ đã bóp nghẹt thanh âm tiếng người của lão.

10_tran36-450
Trần Cửu (ngoài cùng bên trái) cùng sư phụ “người khổng lồ” võ sư Lưu Kiếm Hào (thứ hai từ phải qua)

 

Những năm Sài Gòn còn chiến tranh loạn lạc, lão ra đường vô tình đi lạc vào lãnh địa của giới giang hồ bặm trợn. Chúng thấy lão nhỏ con, lơ ngơ lạ lẫm, nhóm đầu trâu mặt ngựa chồm tới túm cổ áo toan đấm vào mặt một cái thay cho lời chào xã giao. Lão bình thản xua tay, lắc đầu. Thấy thế, giang hồ cho rằng thằng cha này cà chớn, dám coi thường chúng. Cả đám vây quanh lão, với ý đồ đánh cho mày thịt nát xương tan ở cái lãnh địa này. Một vài cú đấm lão ráng chịu trận, tay cố xua xua. Bị ăn đòn mà lão vẫn trơ trơ, cơn tức tối sôi lên, chúng tiếp tục xông vào người lão. Bỗng nhiên, một tên ôm mặt thét rống lao ra bên ngoài. Đám giang hồ giật mình nhìn lại, chúng hãi hùng thấy nguyên năm đầu ngón tay còn hằn máu trên mặt tên đồng bọn. Bực bội vì bị ra đòn, chúng vác côn nhị khúc, mã tấu tấn công người “tí hon”. Trần Cửu vận công, côn quật chát chúa lên người lão đều bật ra, lão thoăn thoắt né những đường kiếm sáng loáng bổ vào người, lão nhe răng trợn mắt thủ thế hổ vồ. Lão tung đòn nào đòn đấy người bật ra ngoài, kêu la oai oái. Những móng vuốt ngón tay cắm phập vào người, đám giang hồ lê lết bò trườn, không tên nào dám lao vào người “tí hon” nữa. Đánh xong, lão xua tay, lắc đầu rồi ung dung ra về.

Vài hôm sau trận chiến “bất đắc dĩ” đó, có hai người đàn ông đô con tìm gặp Trần Cửu. Gặp lão, hai vị khách chấp tay kính chào, họ gửi lời xin lỗi chân thành đến Trần Cửu. Hai vị khách cho biết, đám giang hồ đánh nhau với Trần Cửu là nhóm trẻ trâu hỗn xược, háo thắng. Chúng tức tối chạy về kể bị người tí hon dũng mãnh đánh. Qua mô tả, các vị có máu mặt trong giới nhận ra ngay đó chính là huyền thoại hầu quyền Trần Cửu.

Truyền nhân đặc biệt

Tuổi trẻ của lão trôi đi theo những đường quyền. Ngoài 20 tuổi, gia đình, sư phụ cùng các anh em đồng môn gán ghép cho lão với cô gái bị câm con một đại gia ở vùng Chợ Lớn. Cô gái ấy rất đẹp, qua ánh mắt, mọi người đều hiểu cô ấy rất thương Trần Cửu. Nhưng chẳng cần suy nghĩ, Trần Cửu xua tay liên tục. Lão không đồng ý cuộc hôn nhân này. Lão suy nghĩ nhiều lắm, cuộc đời lão đã khổ rồi, cô gái kia cũng chẳng hạnh phúc gì. Nếu ghép lại, sinh con ra, nó lại giống bố mẹ thì càng bất hạnh hơn. Người ta giải thích cho lão hiểu rằng, vì lão không phải dị tật bẩm sinh nên không di truyền cho con, nhưng lão không nghe bất cứ một lời giải thích nào. Cuộc đời của lão, đó là lần đầu tiên va chạm phụ nữ, nhưng lão cương quyết khước từ thiên chức người đàn ông.

Cứ thế, lão sống hồn nhiên, vô tư như cây cỏ, như cá dưới sông như chim trên cành. Lão dành hết tình thương và trách nhiệm cho người mẹ. Lão giơ hai ngón tay lên để nói với tôi lão có hai người mẹ, rồi cụp một ngón xuống để chỉ một mẹ đã chết rồi. Có đồng tiền nào, lão dành dụm mua đồ cho mẹ, ngày nào lão cũng dành phần chăm sóc mẹ già.

Tấm gương hiếu nghĩa của lão được các môn sinh lấy làm mẫu, lòng nhân từ và sự vô tư của lão khiến ai cũng phải khâm phục. Cách đây mấy năm, mẹ lão đã về với ông bà, đó là sự mất mát cuối cùng của lão. Giờ, lão không còn ai, tất cả những ngón tay của lão đều cụp lại, lão chỉ vào ngực mình, đấm bôm bốp vào đó, nhìn trân trối. Lão trở thành kẻ cô độc nhất trần gian. Để xoa dịu nỗi cô đơn của lão, các môn đệ đã tổ chức buổi sinh nhật lần đầu tiên trong đời cho lão. Đó là năm lão 76 tuổi. Niềm vui ấy khiến lão vui mất mấy ngày.

Cách đây vài năm, trời cho lão trúng 4 tờ vé số đặc biệt. Với khoản tiền kếch xù như vậy, đáng lẽ lão đã có cuộc sống sung túc đủ đầy. Nhưng lão chẳng màng tới bạc tiền, không biết ai tiêu giùm cho lão số tiền lớn đó. Vì lão vừa câm lại vừa điếc, nên con người, cuộc sống của lão vẫn vô vàn điều bí ẩn. Từ lần trúng số độc đắc, ngày nào lão cũng mua mấy trăm ngàn tiền vé số để cầu hên. Mua suốt như thế, đến bây giờ đã chẳng còn gì nữa. Lão vẫn miệt mài sống, miệt mài luyện võ.

11_cung36-450
Cùng người đồng môn – võ sư Lưu Kiếm Xương

 

Nếu không tập võ hằng ngày, có lẽ lão đã bị thần chết lôi đi lâu rồi. Năm ngoái, trên đường đi tập thể dục về, lão băng qua đường, còi xe hú hét lão không nghe được, thế là lão bị tông trọng thương. Hai chân của lão gãy dập, toàn thân xây xước. May mà xương lão cứng, bó bột vào là liền. Lão luyện công bẻ lại xương, nắn lại gân, từ đó, lão bước đi cà nhắc, chân thấp chân cao.

Tâm nguyện của lão là truyền lại bí quyết võ công hầu quyền cho hậu thế. Ngày nay, lão đã có lớp đệ tử kế cận gồm dăm ba người ưu tú nhất. Còn lại, lão rất kén chọn người học. Hầu quyền đòi hỏi sự lanh lẹ tháo vát, thông minh sắc sảo, đòi hỏi sự bền gan kiên định, phải có một cái tâm, một trái tim hiệp nghĩa. Rất ít người đạt được tiêu chuẩn ấy, đó là nguyên nhân chính lão không đồng ý dạy. Lớp luyện võ của lão cũng vô cùng đặc biệt. Lúc nào cũng có hai người phiên dịch. Một phiên dịch bằng giọng nói, một phiên dịch bằng hành động.

Theo CAND