Vì sao MMA không thể thi đấu chuyên nghiệp theo thể thức vòng loại

Hầu hết các giải đấu thể thao – võ thuật được tổ chức theo thể thức tournament, tức là các VĐV hoặc đội tuyển sẽ thi đấu theo từng vòng loại cho đến các trận tứ kết – bán kết – chung kết. MMA cũng từng được tổ chức theo cách này (UFC 1 diễn ra năm 1993 chẳng hạn) nhưng thể thức thi đấu tranh đai đã nhanh chóng thay thế.

Overeem khuyên huyền thoại MMA Fedor Emelianenko nên giải nghệ

5 võ sĩ MMA có khả năng thực chiến cao nhất

Boxing là một ví dụ đặc biệt. Ở hệ thống giải bán chuyên hay các giải nhỏ, các võ sĩ sẽ thi đấu kiểu tournament. Tuy nhiên, ở đẳng cấp thế giới, các võ sĩ phải tuân thủ một hệ thống xếp hạng võ sĩ, từ đó nảy sinh ra các tình huống võ sĩ được quyền thi đấu để thăng hạng hoặc tước đai (nếu thắng nhà vô địch hiện tại).

Nhiều giải MMA nhỏ cũng thi đấu tournament nhưng điều tương tự ở Boxing cũng xảy ra với MMA: cách thi đấu tournament không phù hợp với võ sĩ đẳng cấp thế giới. Cách đây không lâu, nhà đồng sở hữu giải đấu UFC Lorezo Fertitta cũng từng mạnh dạn cho rằng MMA sẽ sớm bước vào Olympic. Ngay lập tức, phát ngôn này bị cộng đồng “dập” không thương tiếc vì chính họ cũng nhận thấy MMA không phù hợp với lối thi đấu tournament của Olympic. Sau đây là những lý do:

SỨC KHỎE CỦA VÕ SĨ

Lối thi đấu tournament chỉ phù hợp với các sự kiện thể thao có quy mô thời gian hạn chế, và nó buộc các VĐV phải thi đấu liên tục. Đối với MMA, lối thi đấu này đem đến một gánh nặng khủng khiếp về việc hồi phục thể lực cũng như chấn thương của các võ sĩ. Với độ phức tạp, nhịp độ thuộc hàng bậc nhất  làng thể thao, MMA là một trong những môn thể thao đối kháng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cao nhất. Những võ sĩ MMA hàng đầu có thể vượt qua được một vài vòng, nhưng chắc chắn anh ta sẽ không ở trong trạng thái tốt nhất cho trận chung kết.

Điều này dẫn tới hai vấn đề. Trước hết, đó là sự an toàn cho các võ sĩ. Kế đến, trạng thái cơ thể không ở mức hoàn hảo sẽ khiến các võ sĩ không thể thi đấu ở phong độ cao nhất, từ đó dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực về tính chất chuyên môn của những trận đấu lẽ ra phải là trận đáng xem nhất: những trận chung kết giữa những người giỏi nhất.

CHIẾN THUẬT – NGHỆ THUẬT CỦA MMA

Chiến thuật là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong trận đấu MMA. Huyền thoại MMA Bas Rutten cũng từng nhận định: “MMA không có tính chất bắc cầu kiểu A thắng B, B thắng C thì A chắc chắn thắng C. MMA là cuộc chơi mà phong cách này thắng phong cách kia, chiến thuật này thắng chiến thuật kia”.

Trong MMA đã có không ít ví dụ về việc các võ sĩ dành lợi thế lớn trong MMA. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất mà hẳn người hâm mộ vẫn còn nhớ đó là khoảnh khắc Conor McGregor tước đai Featherweight của Jose Aldo bằng cú móc trái chuẩn xác, đúng vào khoảnh khắc Aldo bung đòn và để lộ ra khoảng hở quen thuộc ngay vùng hàm. Cú đấm quyết định của McGregor không hề ngẫu nhiên hay tùy hứng, mà nó được hình thành từ một quá trình dài nghiên cứu, phân tích và tập luyện.

Các võ sĩ MMA chuyên nghiệp thậm chí có riêng một HLV riêng chỉ có nhiệm vụ phân tích và tìm cách khắc chế chiến thuật của đối thủ sắp tới. Các võ sĩ MMA sẽ dựa trên sự phân tích này mà thay đổi cách tập luyện và thậm chí là lối đánh. Quá trình này diễn ra rất lâu và có thể kéo dài đến một năm hoặc hơn. Bản thân các võ sĩ MMA cũng phải nghiên cứu và tập luyện chiến thuật cố định cá nhân sao cho phù hợp với thể trạng, thói quen và điểm yếu.

Việc thi đấu tournament với các vòng đấu dồn dập sẽ khiến các võ sĩ không có nhiều thời gian chuẩn bị chiến thuật cho trận đấu tiếp theo, dẫn tới giảm chất lượng trận đấu.

GIÁ TRỊ TRUYỀN THÔNG

Có một điều không thể phủ nhận rằng giá trị của MMA là giá trị truyền thông và giải trí. Nếu bạn là một người đam mê và am hiểu, bạn muốn thấy những trận đấu chất lượng, những trận mà người ta nghiên cứu và chống phá chiến thuật của nhau trong hàng tháng trời trước khi trận đấu thực sự diễn ra với phong độ cao nhất của cả hai. Nếu bạn chỉ đơn giản là người mê không khí võ đài, bạn sẽ hứng thú với những câu chuyện kiểu võ sĩ A mất 5 năm để từ từ leo hạng và tranh đai, những võ sĩ tranh đai 3 4 lần không thành công, có những võ sĩ tranh cãi với nhau hàng năm trời trước khi có được một trận đấu chính thức. Những thứ đó sẽ không tồn tại ở thể thức tournament, hoặc nếu có cũng không đủ “mặn”.

Thể thức thi đấu tranh đai là lối đi hoàn hảo cho truyền thông, vì giải đấu và thương hiệu có thể kéo dài (về mặt lý thuyết) vĩnh viễn. Những câu chuyện, những chặng đường rượt đuổi thứ hạng và ngôi vương là không hề chấm dứt.

Phạm Vũ