Đạo và võ trong tư cách của một võ sư

(VoThuat.vn) – Trong những ngày qua, làng võ thuật xôn xao với đoạn video quay cảnh võ sư Nam Nguyên Khánh bị Tổng đàn chủ Vịnh Xuân Nam Anh tại Việt Nam là Nam Anh Kiệt hành hung đến nỗi phải nhập viện. Trước những hành động được xem là côn đồ đó, võ sư Châu Minh Hay, một võ sư tâm huyết và cũng là một cây bút sắc sảo với những bài phân tích về võ thuật được nhiều người đón nhận, đã có một góc nhìn của riêng mình mà VoThuat.vn xin gửi đến quý đọc giả.

Trong mấy ngày vừa qua, làng võ Việt chấn động thực sự với một clip dài chưa tới một phút, lan truyền trên mạng với tốc độ khủng khiếp, thu hút sự chú ý của hàng triệu người, không chỉ trong giới võ thuật mà cả dư luận xã hội nữa.Theo đó là một cơn “sóng thần” về những lời bình khá là nặng nề cho hành vi của nhân vật trong clip!

Tôi chợt nhớ đến câu ca dao xưa lúc mới học tiểu học “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”, khi cô giáo của tôi dạy về đạo đức. Bỗng dưng tôi không nén được tiếng thở dài. Tiếc!

Võ đạo là phần tinh thần của võ thuật. Mỗi môn phái chính thống từ xưa đến nay ở Ðông phương đều có một triết lý riêng. Phần đông họ đều chịu ảnh hưởng của triết lý Tam Giáo: Phật – Lão – Khổng.

Võ sư Châu Minh Hay (phải) tại Giải vô địch Vovinam sinh viên học sinh năm 2012 tại TP Hồ Chí Minh.

Người thầy võ thời xưa được xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền thụ võ thuật cho học trò, những người thầy võ còn dạy cho học trò của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người.

Bản thân những người thầy ấy chính là những tấm gương sáng cho học trò về năm đức tính chính của đạo là: Sự ngay thẳng (tức đức công bằng), tính can đảm, đức nhân từ, đức lễ độ, đức tự kiểm. Người thầy võ ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một: nhà giáo dục bằng hành động.

Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy võ được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và luôn đứng về phía kẻ yếu, sẵn sàng đối mặt với những bất công… Người thầy võ là một hình ảnh đẹp trong tâm thức đầy ngưỡng mộ của người Việt Nam. Người thầy võ phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt lại vừa có năng lực chuyên môn.

Đạo lí nói thì dễ, luận bàn thì nhiều nhưng quan trọng là hiểu như thế nào và thực hiện ra sao mới là điều đáng nói. Những năm gần đây, tiếc rằng có một số người thầy dạy võ có biểu hiện tha hóa về đạo đức. Đặc biệt nguy hại khi điều này chẳng những tác động tiêu cực, mà còn làm xấu đi hình tượng của những người dạy võ vốn được nhiều người ngưỡng mộ. Tất cả xuất phát từ lòng đố kỵ mà ra.

Không hiểu sự đố kỵ có sức hấp dẫn thế nào, khiến nhiều người dễ dàng biến mình thành kẻ hèn kém, tiểu nhân. Biến những mối quan hệ đang yên lành trở thành thù hận, ganh ghét như vậy. Chúng ta vẫn biết “gieo tính cách, gặt số phận”. Không ai tin rằng số phận sẽ mỉm cười với những ai luôn đi gây mầm ghen ghét hận thù.

Thực chất đố kỵ không giúp ai tạo ra một kết quả tốt đẹp nào. Khi đố kỵ ai đó, gièm pha hay kéo bầy đàn vào nhằm hạ uy tín, danh dự người khác, danh dự, uy tín của người đó không hề được tăng thêm. Cuộc sống của họ cũng không hề tốt hơn. Mọi người cũng chẳng quý hơn khi chiến thắng trong cuộc chiến gièm pha đối thủ. Có chăng chỉ thỏa mãn nhất thời thói ích kỷ bản thân.

Hình ảnh một võ sư “chủ chăn” của một võ phái nổi tiếng đã lao vào tấn công tới tấp một võ sư tuổi đã cao tại nhà riêng, là không thể chấp nhận được!

Nó mất đi nhiều thứ lắm. Trước hết theo nhận xét thông thường của xã hội là phạm vào tội bất kính, một trong những chuẩn mực của đạo làm người, sau đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, và cuối cùng là băng hoại uy tín của một người hành võ! Tất cả đều từ tính đố kỵ mà ra!

Tôi không bàn thêm về cái gọi là “lẽ ra…” nữa, bởi đã có hàng ngàn cái ý kiến về 2 từ “lẽ ra” rồi. Qua đây, tôi chỉ nêu một chút nhận xét về gọi là tính thượng võ của một môn phái gần đây được nhiều người biết đến mà thôi.

Ngay từ lần đầu tiên một võ sư của phái võ này, với chiêu trò muốn “bóc mẽ” một võ sư của một võ phái khác, tôi đã không tán thành! Bởi lẽ, các bí thuật, bí quyết, kỹ xảo… của một tổ chức/ cá nhân nào đó, miễn hồ không phương hại đến an ninh xã hội, quyền lợi quốc gia và gây thiệt hại đến cá nhân, gia đình người khác thì không ai có quyền buộc họ phải bạch hóa vấn đề.

Điều gọi là muốn “giao lưu” thực chất là bộc lộ sự đố kỵ như tôi đã nói ở trên. Hành vi đố kỵ này được dịp thổi phồng khi chiêu trò “giao lưu võ thuật” đã đánh bại 2 võ sư cao tuổi khác, và như được tiếp thêm năng lượng từ các đồng môn và vị “chủ chăn” của mình, từ đó liên tục thách đấu hết người này đến người khác, làm tôi suy nghĩ và đặt vấn đề về cái đạo trong võ của môn phái này có hay không?

Đành rằng võ là luôn rèn luyện tính thực chiến qua nhiều hình thức cọ xát. Nhưng giao lưu không đồng nghĩa với thách đấu. Bên cạnh đó, lý do được viện dẫn đến sự cố tệ hại từ lòng đố kỵ mà ra, là vấn đề vai vế.

Thực chất vai vế trong hàng ngũ của một võ phái chỉ tồn tại trong thời gian võ thuật còn truyền thụ theo chế độ tộc truyền, gia truyền hoặc bí truyền… Và chỉ khi nào một môn phái thiết lập được võ phả (giống gia phả) và duy trì xuyên suốt nhiều đời thì vai vế trong một dòng võ mới được minh định rõ ràng.

Kể từ khi nền võ thuật hòa nhập vào cộng đồng theo phương thức huấn luyện mới, đồng loạt và đại trà thì không ai còn phân biệt vai vế thúc – bá như xưa. Bởi một người có thể học với nhiều thầy từ thấp đến cao, cho nên từ đó việc minh định vai vế theo lối truyền thống cũng không còn được quan tâm.

Trong khi chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi của chính mình thì xuất hiện clip như đã nói. Tôi tự nhủ thầm “đáp án đây rồi”!

Võ sư Châu Minh Hay