Võ học Việt Nam – Thương hiệu xứng tầm quốc tế

Sau nhiều thăng trầm cùng biến cố của lịch sử, đến nay võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt tại gần 60 quốc gia trên thế giới cùng với hàng trăm võ đường, thu hút hàng chục ngàn môn sinh đến bái sư tầm đạo. Sự lan tỏa của võ cổ truyền minh chứng võ cổ truyền Việt Nam đã xây dựng được một thương hiệu mạnh, xứng tầm với các phái võ học trong khu vực và trên thế giới.

Võ đạo của võ cổ truyền Bình Định

Võ cổ truyền – Bài quyền Tứ Linh Đao

Chuông vọng trời Tây

Không phải ngẫu nhiên võ cổ truyền Việt Nam đã lan tỏa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhất là các nước phương Tây. Các môn sinh người nước ngoài đã đến với võ Việt bằng cả tấm lòng trân trọng, như với niềm tin tôn giáo. Đến nay, trong làng võ thuật tại nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đã rất quen với các tên tuổi võ sư dạy võ cổ truyền Việt Nam như Hồ Bửu (Võ đường Tây Sơn, bang Virgina, Hoa Kỳ), Diệp Lệ Bích (Chưởng môn phái Bình Thái Đạo, ở Northampton, Anh), Hồ Hoa Huệ (Chưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam), Nguyễn Đức Mộc và Olivier Barbey (Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam tại Pháp)… Trong số đó, võ sư Diệp Lệ Bích và Hồ Hoa Huệ là hai nữ võ sư đã mang võ cổ truyền Việt Nam đi truyền bá tại trời Tây.

Võ sĩ Vạn An Phái biểu diễn bài Song đấu.
Võ sĩ Vạn An Phái biểu diễn bài Song đấu.

Năm 1985, võ sư Hồ Hoa Huệ thành lập môn phái Tinh võ đạo tại TPHCM, ban đầu chỉ dạy võ cho các môn sinh là người Việt Nam. Từ năm 1996, trong nhiều năm liền, võ sư Hồ Hoa Huệ đoạt ngôi vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc và được Hiệp hội Quốc tế võ đạo Việt Nam tại châu Âu mời sang giao lưu, dạy võ thuật. Từ năm 1998 đến nay, võ sư Hồ Hoa Huệ đi truyền bá võ cổ truyền Việt Nam tại các nước như: Bỉ, Italia, Hà Lan, Đức, Morroco… Quá cảm phục trước tài nghệ võ thuật của võ sư Hồ Hoa Huệ, Tạp chí Võ thuật Pháp đã trao tặng bà danh hiệu “Người đàn bà võ thuật” vào năm 2000.

Không “xuất ngoại dạy võ Việt” như võ sư Hồ Hoa Huệ, võ sư Diệp Lệ Bích (Chưởng môn phái Bình Thái đạo, Anh) dạy võ ở nước ngoài như một sự tình cờ. Bình Thái đạo ra đời tại Bình Định vào những năm đầu thế kỷ 20 do võ sư Diệp Trường Phát (tức Tàu Sáu) làm chưởng môn. Sau khi võ sư Diệp Trường Phát qua đời, võ sư Diệp Bảo Sanh thay cha lên nối nghiệp và đến nay Diệp Lệ Bích, con gái của võ sư Diệp Bảo Sanh, làm chưởng môn thứ 3 của võ phái. Năm 1979, võ sư Diệp Lệ Bích sang Anh quốc định cư cùng gia đình. Năm 1985, khi đang làm việc tại Ngân hàng Barclayscard Northampton, biết Diệp Lệ Bích là con nhà võ, lãnh đạo Ngân hàng Barclayscard Northampton đề nghị cô mở lớp dạy võ cho nhân viên trong ngân hàng. Dần dần, võ sư Diệp Lệ Bích mở võ đường để dạy võ cho những môn sinh người nước ngoài. Để tiện cho những võ sinh ít có thời gian đến võ đường hoặc quá xa với võ đường nhưng vẫn muốn học võ, võ sư Diệp Lệ Bích nghĩ ra cách dựng các bài quyền, thế, chỉ pháp… thành video clip để các môn sinh học theo. Nếu như bài nào khó quá hay thắc mắc gì thì võ sinh lên trao đổi với võ sư thông qua webcam. Nhờ vậy, ngày càng đông võ sinh tại nhiều nước đến với Bình Thái đạo của võ sư Diệp Lệ Bích. Đến nay, Bình Thái đạo mở rất nhiều võ đường tại Việt Nam, Anh, Mỹ… với hơn 2.000 môn sinh.

Cần “mái nhà chung”

IMG_0633

Trước hấp lực “thần bí” của võ cổ truyền Việt Nam, ngày càng nhiều môn sinh người nước ngoài như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ… đến các võ đường võ cổ truyền Việt Nam bái sư học đạo. Thế nhưng, đến nay võ cổ truyền Việt Nam vẫn chưa được nâng lên ngang tầm với nền võ thuật của một số quốc gia, trong khi Vovinam – một võ phái trực thuộc của võ cổ truyền Việt Nam – đã được đưa vào thi đấu tại một số đấu trường quốc tế và khu vực. “Việc xây dựng mái nhà chung cho võ cổ truyền Việt Nam trên toàn thế giới là điều trăn trở của các võ sư, các chưởng môn chúng tôi. Sự hùng mạnh của võ học Việt Nam là rất lớn nhưng còn phân tán. Chúng tôi muốn đoàn kết lại để xây dựng một nền võ học Việt Nam xứng tầm quốc tế và thực sự hùng mạnh” – võ sư Hồ Hoa Huệ tâm sự.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, việc xây dựng nền võ học Việt Nam mang tầm quốc tế và thực sự để thương hiệu võ học Việt Nam là thương hiệu quốc tế thì ngoài việc xây dựng “mái nhà chung” là thành lập Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam còn phải đưa võ học Việt vào dạy học trong nhà trường. Riêng Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ đưa võ học Việt Nam vào giảng dạy và tổ chức tôn vinh các võ sư võ cổ truyền Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng cho biết, võ Tây Sơn – Bình Định là môn võ đặc sắc của võ cổ truyền Việt Nam với Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ, Song phượng kiếm của Bùi Thị Xuân, Lôi phong tùy hình kiếm của Trần Quang Diệu, Yến phi quyền của Nguyễn Huệ, Đại đao xung thiên của Võ Văn Dũng… Hiện tỉnh nhà đang có đề án bảo tồn, giữ gìn những dòng võ đặc sắc của Tây Sơn – Bình Định bằng cách ghi lại những thế võ, bài quyền bằng video, hình ảnh để truyền lại cho đời sau với mong muốn một ngày nào đó môn võ này có mặt trên đấu trường quốc tế.

Theo thầy Thích Trung Thiền, chư tăng dạy võ tại chùa Định Hương (TPHCM): Khi đất nước hội nhập, các võ phái của nước ngoài du nhập vào nước ta, người Việt đánh võ nước ngoài rất nhiều, trong khi võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa văn hóa của dân tộc lại không được đưa lên ngang tầm quốc tế. Vì vậy, các võ phái cùng nhau hợp sức xây dựng thương hiệu quốc tế cho võ cổ truyền Việt Nam là cần thiết. Võ học Việt giúp con người đủ kiên cường, động lực, công phu để trở thành người tu sĩ có thân, tâm đều tráng kiện.

Shaolin_07_20_04_x11

Nói về vấn đề nâng tầm và xây dựng thương hiệu quốc tế cho võ học Việt Nam, nhà sử học Dương Hồng Kông cho rằng, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những tinh hoa của võ Việt là cần thiết vì võ Việt tự thân nó mang đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, rất mong Bộ VH-TT-DL, cơ quan quản lý trong lĩnh vực thể dục thể thao, thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài… và mong muốn một ngày nào đó võ cổ truyền Việt Nam có mặt trong Thế vận hội Olympic cũng như các đấu trường quốc tế.

Võ cổ truyền Việt Nam đi suốt theo chiều dài lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, từ chinh phạt giặc phương Bắc nhiều mưu lược, thắng giặc phương Tây hùng cường… đã đủ để làm nên “thương hiệu” võ Việt. Và, “thương hiệu quốc tế” võ Việt không phải là ngoài tầm với.

Nguyên Khôi ( Theo SGGP )