Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (kỳ 6)

Kỳ 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức

Kỳ 2: Vovinam – Việt Võ Đạo: Phải chuyển mình mới mong vươn ra biển lớn…

Kỳ 3: Võ cổ truyền TP.HCM – Trên đường thống nhất

Kỳ 4: Taekwondo TP.HCM – Hành trình của những cảm xúc

Kỳ 5: Judo TPHCM: Bao giờ cho đến tháng 10?

Kỳ 6: Boxing TP.HCM – Thời vàng son còn đâu?

Cũng như các môn Taekwondo, Judo… Boxing cũng là môn võ bắt rễ rất sớm trên đất Sài Thành. Tuy nhiên, ngay khi môn này được cho phép “sáng đèn”, TP.HCM lại tỏ ra lép về so với các tỉnh thành khác…

Boxing từng là môn “nổi đình nổi đám” trong thập niên 40-60 và  gây được tiếng vang trên toàn quốc.

Một thời oanh liệt

Boxing du nhập vào nước ta theo bước chân của người Pháp. Ở Sài Gòn, môn này “nổi đình nổi đám” trong thập niên 40-60 với các nhà VĐ Đông Dương: Minh Cảnh, Kid Dempsey… các giải hữu nghị với Philippines, Thái Lan, Đại Hàn, Lào… và nhất là những lần góp mặt tại SEAP Games đã tạo nên phong trào tập luyện Boxing khá bài bản…

Vào tháng 8/1979, Cố võ sư Nguyễn Hữu Tiết – nguyên Phó Chủ tịch Hội Boxing TP.HCM bắt đầu xây dựng bộ môn Boxing ở Quận 1, quy tụ được một số võ sĩ thời trước như Trần Văn Mười, Nguyễn Văn Be, Nguyễn Văn Cường, Từ Mạnh Lợi… chuyên biểu diễn Boxing để gây phong trào. Vài năm sau có thêm thế hệ đàn em tiếp nối như: Vũ Mạnh Hùng, Tào Đức Cơ, Lê Phượng Vũ… Lực lượng nòng cốt này học tập không mất tiền và được trang bị găng tay, bao da… để tập luyện; bởi môn này rất khó chiêu sinh do tâm lý ngại va chạm khi đối luyện, có thể gây thương tích; nếu ai thiếu ý chí và dũng cảm thì khó lòng theo đuổi lâu dài.

Từ đây, Boxing TP HCM từng bước hồi sinh, gây được tiếng vang đến các tỉnh, thành bạn. Các giải giao hữu liên tỉnh lần lượt, liên tục được tổ chức tại TP HCM và nhiều nơi khác, trải dài suốt thập niên 80 như: giải hữu nghị giữa TP HCM, Hà Nội và Nghĩa Bình được tổ chức luân phiên tại TP HCM (2-4/9/1983) Nghĩa Bình (9-11/9/1983) và Hà Nội (18-20/9/1983). Tháng 9/1985 có thêm Phú Khánh, Quảng Nam – Đà Nẵng; rồi đến 1988-1989 mở rộng đến các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Sông Bé, Tây Ninh… Trong những lần “thử lửa” này, các võ sĩ TP HCM đều chiếm thế thượng phong, đa số trận đều toàn thắng, đó là thời của Vũ Mạnh Hùng, Vũ Mạnh Trung, Lê Đình Duy, Nguyễn Văn Be, Tào Đức Cơ, Phan Văn Sáu, Nguyễn An Tâm Khánh, Tăng Kim Tài, Trần Thanh Dũng, Lê Phượng Vũ, Huỳnh Viết Khánh, Phan Văn Mười, Lê Hoài Bảo, Lê Bảo Quốc… đem lại cho phong trào Boxing TP HCM thời hoàng kim. Trong lần thi đấu hữu nghị với các võ sĩ của TP Phnom Penh (Campuchia), trong các đêm từ 31/8-2/9/1986 tại CLB Phan Đình Phùng: TP HCM thắng 13, hòa 3 và thua 2 trận; cũng tại đây các võ sĩ này lại có dịp tái ngộ một lần nữa vào tháng 8/1989. Từ đây, các võ sĩ TP HCM mạnh dạn bước vào võ đài giải quyền Anh Đông Dương, liên tục tổ chức tại 3 nước trong năm 1989 – 1990: Phan Văn Mười, Lê Hoài Bảo có mặt ở các vòng đấu này. Riêng năm 1990, TPHCM đại diện Việt Nam góp mặt 6 võ sĩ và đoạt hạng nhì toàn đoàn với 1 HCV, 2 HCB, 2HCĐ. Ở các giải toàn quốc, TP HCM chiếm vị trí khả quan: năm 1989 đoạt 3 HCV-3HCB-3HCĐ; năm 1990: 1HCV-3HC-3HCĐ (đều xếp hạng nhì toàn đoàn)… cho đến giải cuối cùng (trước khi có lệnh cấm hoạt động) tại Hải Phòng, vào tháng 11/1994, TP HCM tụt xuống hạng 6 với 1 HCB-4HCĐ, sau Hải Phòng, Hà Nội, Quân Đội, An Giang, Quảng Ngãi.

Các lãnh đạo họp bàn tại Giải Boxing tranh đai vô địch Let’s Việt 2014

Mong ngày trở lại

Như vậy, bước vào thập niên 90, Boxing TPHCM gặp trở ngại hơn: khó duy trì lực lượng võ sĩ (vì chưa có chính sách, chế độ khuyến khích); HLV cũng vì yêu nghề mà theo nghề, chứ không thể sống bằng nghề. Về phía Hội, do tài chính eo hẹp nên không thể tổ chức thi đấu tập huấn, giao hữu… Dù vậy, trong giai đoạn ngành TDTT không cho Boxing hoạt động (1995-2002), các ông Nguyễn Thanh Đoàn, Nguyễn Trung… vẫn tổ chức đều đặn cuộc họp mặt “Những người yêu thích quyền Anh” vào dịp cuối năm âm lịch.

Sau khi Boxing được phép chính thức hoạt động trở lại (2002), TPHCM là đơn vị đầu tiên tổ chức Cup CLB để kích thích phong trào. Hơn 1 năm sau, Boxing TP HCM đã quy tụ trên 200 võ sinh thường xuyên tập luyện tại hơn 10 Quận, huyện đồng thời giành được 2HCV-2HCĐ tại Cúp CLB và 2HCV-1HCĐ giải VĐQG năm 2003. Đến năm 2004, Boxing TP HCM đã giành được 1 HCV-1HCB giải Trẻ toàn quốc và 1 HCB-1HCĐ giải VĐQG đồng thời võ sĩ trẻ Lê Thanh Liêm còn đoạt HCV giải VĐ Đông Nam Á và 1 võ sĩ nữ được chọn vào đội ĐTQG. Tuy nhiên, các hoạt động tại quận huyện chỉ mang tính tự phát, xuất phát từ tâm huyết của những võ sư kỳ cựu yêu mến môn thể thao này. Người viết bài còn nhớ chuyện võ sư An Văn Siêu mở lớp dạy Boxing ngay tại lối đi của hồ bơi Đại Đồng (quận Bình Thạnh) với một bao cát cũ kỹ và 5 học viên từ môn Võ cổ truyền chuyển sang…

Tay đấm Nguyễn Ngọc Hải (TP.HCM) giành chiến thắng trước võ sĩ  Vũ Văn Tiến (Đăk Lăk) tai5i giải Boxing 2014
Tay đấm Nguyễn Ngọc Hải (TP.HCM) giành chiến thắng trước võ sĩ Vũ Văn Tiến (Đăk Lăk) tại giải Boxing 2014

Từ đó đến nay, TP.HCM vẫn duy trì đội tuyển tham dự các giải vô địch quốc gia (lực lượng nòng cốt là từ phong trào quận 1), tuy nhiên về thành tích, Boxing TP.HCM vẫn không thể sánh với Quân Đội, Hà Nội, CAND, Hải Phòng,… những địa phương “quy hoạch” võ sĩ quy mô và bài bản hơn rất nhiều (tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, TP.HCM chỉ đoạt 3 HCB, 2 HCĐ. Giới chuyên môn nhìn nhận, kỹ thuật cơ bản của các võ sĩ TP HCM còn nhiều điều cần được uốn nắn. Thực tế là trong những ngày đầu hòa nhập, bộ môn đã tiếp nhận những võ sĩ từng giành huy chương ở các môn võ khác (lấy ngọn) rồi đem về đào tạo lại và đưa đi thi đấu. Đến nay, các võ sĩ Boxing TP.HCM vẫn phải “đa đoan” nhiều môn thi đấu khác như Kick – Boxing, Muay Thái, Vovinam… nên khó có thể chuyên tâm phát triển kỹ thuật đặc trưng của Boxing. Các HLV đều thuộc biên chế của Quận, phụ trách nhiều môn nên thời gian đầu tư cho quyền Anh còn ít, chất lượng chưa cao. Về phong trào, lực lượng HLV mỏng, chưa an tâm công tác cũng như không được bồi dưỡng nghiệp vụ nên phương pháp huấn luyện chưa theo kịp đà tiến bộ của Boxing hiện đại. Đội ngũ trọng tài đa số đã lớn tuổi (và cũng phải kiêm nhiệm nhiều môn võ khác như Muay, Võ cổ truyền…) nhưng bộ môn cũng chưa có điều kiện đào tạo lớp trẻ. Cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện ở các quận, huyện cũng thiếu thốn… Tất cả những điều này đã dẫn đến phong trào và thành tích thi đấu của Boxing TP HCM chưa thật sự vững chắc.

Rõ ràng, nếu nhìn về quá khứ, Boxing TP.HCM đã là 1 trung tâm hàng đầu của môn thể thao đối kháng hấp dẫn này. Nhưng ngay khi được phép thi đấu trở lại, thành phố năng động này đã quá chậm chân so với các tỉnh thành khác trong việc “quy hoạch”, đào tạo võ sĩ chuyên nghiệp phát triển bộ môn. Lòng đam mê, nhiệt huyết là chưa đủ. Cần lắm những chiến lược phát triển bài bản để Boxing TP.HCM phát triển đúng tiềm năng và “thành quả hóa” lòng nhiệt huyết của những võ sư, môn sinh môn đối kháng Olympic này.

Kỳ 7: Các môn võ mới du nhập – làm sao để phát triển nhanh và xứng tầm?

Hoàng Võ