Có nên đưa kỹ thuật vật vào thi đấu đối kháng Vovinam?

Môn phái Vovinam dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền Việt Nam, nhưng trong hệ thống  luật thi đấu đối kháng hiện nay chưa cho phép sử dụng các đòn vật. Vậy có nên đưa kỹ thuật vật vào thi đấu đối kháng Vovinam hay không? và lộ trình đưa vào ra sao? Xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết của võ sư Châu Minh Hay về vấn đề này.

Triết lý kỹ thuật và tinh thần của Vovinam – Việt Võ đạo

Kỹ thuật đòn chân đẹp mắt của Vovinam

Một thế vật của Vovinam

Điều gì sẽ xảy ra?

“Môn phái Vovinam dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền Việt Nam” . Đó là câu nói đầu tiên khi người môn đồ của Vovinam được người hướng dẫn truyền đạt cho lý thuyết võ đạo cơ bản ngay từ thời gian mới bước chân vào ngưỡng cửa môn phái. Điều này đã nói lên rằng hệ thống kỹ thuật của Vovinam chứa đựng 2 phần võ và vật, thể hiện qua chương trình huấn luyện các cấp.

Vovinam được khai sinh trong bối cảnh đất nước đang cơn binh biến, cho nên bản thân nó là một môn võ quân sự, nhằm đáp ứng các tình huống tự vệ và chiến đấu xuyên suốt nhiều thập kỷ. Người học Vovinam sau một thời gian nhất định sẽ có thể tự vệ tốt, sau đó chuyên cần theo đuổi chương trình cấp cao hơn thì có thể thực hiện các biện pháp chiến đấu hết sức hữu hiệu khi đối diện với tình huống hiểm nguy.

Vật cổ truyền dân tộc

Sau năm 1992, Vovinam được biết đến như một môn võ thể thao! Chú trọng về biểu diễn nhiều hơn là tính chiến đấu. Và dần dần với sự hội nhập cùng thể thao thế giới thì Vovinam hoàn toàn chuyển mình phục vụ mục đích thể thao nhằm nâng cao sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Cũng từ đó, sự đơn giản hóa trong các bài huấn luyện cũng được thể hiện khá rõ! Tuy đã được tinh giản nhưng trong chương trình vẫn tồn tại và phổ biến 18 thế vật căn bản được huấn luyện thường xuyên.

Trước 1975 và sau đó một thời gian vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, thì một số nơi vẫn áp dụng chương trình thi thăng cấp cũ . Thí sinh thi lên cấp Huyền đai (Hoàng đai trơn), ngoài đòn thế căn bản và quyền, thì các thí sinh đều phải thực hiện 3 hiệp đấu tự do (đối kháng) và một hiệp vật tự do. (không găng, không giáp) nếu có cũng chỉ găng mỏng (găng tập). Thời đó không có thảm đấu như bậy giờ, thảm đấu vật là một thứ xa xỉ chỉ được thực hiện vào các kỳ thi lên cấp Trung đẳng bằng chất liệu mùn cưa và vỏ trấu, bên trên phủ một lớp vải bao cát hay bao bột mì.

Xét về tính thực dụng thì vật là một môn chiến đấu khá gần gũi với sinh hoạt đời thường. Vật là một phản xạ tự nhiên đã hình thành rất sớm cho con người.

Quan sát cho thấy, 2 đứa bé con chỉ 1, 2 tuổi, không ai dạy cho chúng võ thuật, nhưng khi túm lấy nhau thì chúng đã biết ghì lấy và vật nhau. Cũng từ những phản xạ mang tính bẩm sinh mà người xưa đã khai thác và sáng tạo ra những thế vật tùy thuộc vào các tư thế, các tình huống khác nhau. Sáng tổ môn phái Vovinam đã không bỏ lỡ món quà thiên phú ấy.

Nếu trong các trận đấu đối kháng của Vovinam, không đưa một vài, (vâng, chỉ một vài đòn chân tấn công bắt buộc, thời gian vài năm trở lại đây) thì khó có thể người xem nhận ra đó là các võ sĩ của môn Vovinam!

Họ thi đấu hoàn toàn với các đòn căn bản của võ thuật mà môn võ nào cũng có. Nếu xem một trận đối kháng của môn Pencak Silat chúng ta chưa hiểu về luật của môn này thì trông có vẻ rất nhạt nhẽo! Hay môn Taekwondo họ thuần thi đấu bằng chân và Juodo thì toàn quăng quật…Đó là những nét đặc trưng của các môn võ ấy.

VĐV môn Pencak Silat đầu trần tay không

Còn Vovinam thì sao? không có nét đặc thù nào nếu không đưa vài đòn chân vào áp dụng! Tuy nhiên hiệu quả không cao và thường thì chỉ có thể áp dụng 3 – 4 trong số 21 đòn chân tấn công! Phải chăng chúng ta chưa khai thác hết nét đặc trưng của môn phái “lấy võ và vật cổ truyền làm nền tảng căn bản” ?

Võ thì thấy rồi, chỉ những đòn căn bản chung chung mà môn võ nào cũng sử dụng. Còn vật thì ở đâu chẳng thấy ?

VĐV môn Juodo vật trên thảm
VĐV môn Judo vật trên thảm

Từ giải đấu mang tính cả nước (giải Vovinam toàn quốc năm 1992) đến nay, người xem chỉ nhìn thấy võ sĩ Vovinam thi đấu với các đòn hết sức cơ bản của võ thuật, họ chưa thấy có gì gọi là đặc trưng của Vovinam! Vì vậy nên chăng, Vovinam nghiên cứu lại luật thi đấu, đưa hệ thống vật vào áp dụng trong thi đấu đối kháng.

Áp dụng thế nào?

Vài nét tham khảo sau đây sẽ cho chúng ta hình dung một trận đấu đối kháng “mới” của môn Vovinam.

Trước hết là quy định lại luật.

1- không được ra đòn vào phần mặt và đầu dù đấm hay đá. Chỉ được phép ra đòn từ vùng vai trở xuống.
Như vậy VĐV sẽ không cần thiết có trang bị nón bảo hộ (như luật thi đấu cho võ sĩ môn Pencak Silat áp dụng, không đội nón BH).

2- Chúng ta cũng nên thay giáp bảo hộ bằng loại giáp mỏng hơn như giáp bên Pencak Silat cho dễ cơ động.

3- Không sử dụng găng đấm (để tay trần) vì không được ra đòn trên vùng mặt nên không cần găng đấm.

Từ yếu tố tay trần này, võ sĩ sẽ có thể chụp kéo, nắm bắt nhằm thực hiện đòn vật của Vovinam đã được học.

Tất nhiên, nhà nghiên cứu luật cần phải nghiên cứu luật sao cho phù hợp. Chẳng hạn như VĐV vào đòn trong thời gian bao lâu mà không thực hiện được ý đồ thì trọng tài sẽ can thiệp. Khi VĐV vào được đòn vật, nếu áp dung hiệu quả thì được tính điểm (điểm thế nào thì còn tùy luật quy định). Nếu đè được đối phương đúng cách và sau thời gian được quy định là bao nhiêu giây thì sẽ được công nhận thắng tuyệt đối.

Về thời gian thi đấu thì vẫn áp dụng 3 hiệp đối kháng như luật cũ. Nhưng nếu một trong hai VĐV áp dụng được đòn vật đúng cách và đè hiệu quả theo thời gian quy định, thì được công nhận thắng tuyệt đối. Cho dù diễn biến này ở hiệp thứ mấy! có thể ngay phút đầu tiên của hiệp thứ nhất !

Về mức độ an toàn.

Ngày xưa các thí sinh thi lên đai không có thảm thi đấu chất lượng cao như ngày nay, nhưng vật tự do vẫn được đem ra áp dụng. Thảm thi đấu hiện nay đã phục vụ cho các cuộc thi của các môn như Vật hay Judo thì Vovinam không có gì ngoại lệ mà không sử dụng được. Có chăng là các nhà nghiên cứu luật thi đấu cần phải xem xét luật cho phù hợp với hình thức thi đấu mới cho môn Vovinam.

Có vậy thì người xem mới thấy được nét mới và thực dụng, đặc trưng của các trận thi đấu đối kháng môn Vovinam. Nếu không thì người xem sẽ chẳng thấy có gì với các môn võ khác trong các trận đấu, ngoài bộ võ phục màu xanh và dòng chữ Vovinam –Việt Võ Đạo.

Theo Blog Châu Minh Hay