Cửu Long, một dải tỏa hai hàng,

Việt Võ là đây, đất Hậu Giang,

Tay thép dương danh, vùng khải đạo

Tim từ triển đức, cõi khai quang.

Hồi cuối thập niên 1960, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay được gọi là Miền Tây. Với 2 dòng sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa, vùng đất phì nhiêu, rộng lớn này trải dài từ tỉnh Long An đến mũi Cà Mau là vựa lúa của miền Nam Việt Nam. Không chỉ thế, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, kỹ nghệ, văn hóa, thể dục thể thao (TDTT) ở khu vực này cũng từng bước mở mang…

Trong định hướng phát triển, tất nhiên khu vực Miền Tây cũng nằm trong tầm ngắm của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Sau 3 năm (1964-1966) xây dựng phong trào tại Sài Gòn, năm 1967, Vovinam đã cử võ sư Trần Đức Hợp mở lớp ở tỉnh Long Khánh (Miền Đông). Năm 1968, Vovinam cử võ sư Trịnh Ngọc Minh ra Nha Trang gieo những hạt giống đầu tiên trên vùng đất Miền Trung… Và đến năm 1969, Vovinam chính thức khai phá Miền Tây…

Từ đó đến nay, do thời cuộc, phong trào phải qua nhiều thăng trầm, nhưng Vovinam Miền Tây trước đây và Vovinam ĐBSCL ngày nay đã đạt được nhiều thành quả đầy khích lệ, góp phần to lớn vào công cuộc quảng bá Vovinam trong và ngoài nước. Quá trình xây dựng và phát triển phong trào Vovinam Miền Tây có thể phân thành 3 thời kỳ: Khai phá, Tiếp bước và Phát triển.   

KHAI PHÁ

Trước khi chính thức khai phá Miền Tây, ngày 16-6-1969, một đoàn Võ sư, HLV Vovinam do võ sư Trần Huy Phong làm Trưởng đoàn đã từ Tổng cục Huấn luyện ở Sài Gòn xuống Cần Thơ biểu diễn tại trường Đức Trí (ngày 17-6-1969). Lực lượng biểu diễn rất hùng hậu gồm các võ sư, HLV Lê Công Danh, Ngô Kim Tuyền, Trần Vui (Trần Tấn Vũ), Hồ Tấn Anh, Nguyễn Văn Nhàn, Trần Ngọc Trình, Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sen, Lê Thị Ngọc Cúc, Lê Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Nga… HLV Nguyễn Hồng Tâm điều khiển chương trình. Cùng đi với đoàn còn có võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ. Đến nay, nhiều võ sư vẫn còn nhớ bận đi khá vất vả vì xe bị hư dọc đường nên chiều tối đoàn mới đến Cần Thơ.

Một tấm ảnh rất quý do võ sư Nguyễn Hồng Tâm cung cấp: Chuyến đi biểu diễn Miền Tây 16-6-1969. Trên cao: môn sinh Từ Hiệp Hòa Hàng giữa: bên trái HLV Nguyễn Văn Sen, bên phải HLV Nguyễn Văn Chiếu. Hàng dưới (từ phải): Võ sư Trần Huy Phong, HLV Trần Ngọc Trình, chị em HLV Lê Thị Ngọc Mai, Lê Thị Ngọc Cúc, HLV Nguyễn Thị Nga…

3 tháng sau (tháng 9-1969), được sự giúp đỡ của Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, lớp Vovinam đầu tiên khai giảng tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh An Giang (trên 40 võ sinh) do võ sư Nguyễn Văn Nhàn huấn luyện. Tiếp theo là khóa I-Long Xuyên mở cho thanh thiếu niên học sinh tại Trung tâm Huấn luyện Vovinam Long Xuyên (võ đường Long Giang). Thời gian này, Ban điều hành và huấn luyện gồm có: võ sư Nguyễn Văn Nhàn, Dương Minh Nhơn, Nguyễn Văn Sen, Hoàng Minh Cường, HLV Nguyễn Bá Thuận, Trần Văn Thái, Huỳnh Vị Tiền Tiếp, Dương Minh Hải, v.v. Từ cuối năm 1970, phong trào dần dần được quảng bá sang các tỉnh trong Khu vực Miền Tây như Châu Đốc, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, An Xuyên…

Các môn sinh Tổng cục Huấn luyện ( Vovinam Sài Gòn) biểu diễn trong Lễ khai phá Miền Tây tại Long Xuyên, tháng 10-1969 – Ảnh do võ sư Giang Quân Thiêm (hàng ngồi, người thứ 2 từ trái) cung cấp.

Cũng trong năm 1969, HLV Nguyễn Văn Đức mở lớp tại Trường Bồ Đề và nhà riêng ở Sóc Trăng, tỉnh Ba Xuyên. Khoảng năm 1972, võ sư Nguyễn Văn Sen tăng cường về Ba Xuyên để thành lập Trung tâm Huấn luyện. Sau đó, võ sư Dương Minh Nhơn, HLV Dương Minh Hải, Trần Phước Thiện nối tiếp.

Trước đó, đầu năm 1968, với phong trào tự phát, HLV Danh Ky (1947-1987) đã mở lớp tại Chùa Bà (Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1970, được sự hỗ trợ của HLV Dương Minh Nhơn, võ sư Nguyễn Văn Sen, HLV Dương Minh Hải, phong trào Vovinam ở Kiên Giang đã phát triển mạnh mẽ. Từ đó đến đầu năm 1975, Vovinam Kiên Giang xây dựng được 6 điểm tập, thu hút vài trăm võ sinh.

Sang năm 1970, Vovinam bắt đầu hiện diện ở 3 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường và Bạc Liêu. Ở Vĩnh Long, Vovinam mở lớp tại Ty Xã hội, Trường Sư phạm, Đại chủng viện (HLV Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Văn Khải, Phạm Công Đệ, Nguyễn Ngọc Anh, Trần Ngọc Thơ, v.v), quận Chợ Lách (HLV Nguyễn Bá Dương, Trần Thiện Cơ), quận Tam Bình (Huỳnh Lâm), quận Minh Đức (HLV Nguyễn Tiến Hóa). Đến năm 1972, khai giảng Trung tâm Cái Vồn do HLV Hồ Tấn Anh, Nguyễn Ngọc Thanh phụ trách, dạy hơn 2 tháng HLV Tấn Anh và Ngọc Thanh chuyển về Ty Xã hội, 2 HLV Nguyễn Văn Vang, Nguyễn Văn Lộc từ Sài Gòn về thay thế.

Vovinam Định Tường (nay thuộc Tiền Giang) do võ sư Nguyễn Văn Ít (1952-2001) phụ trách với sự tiếp tay của các HLV Nguyễn Đình Thu, Phạm Công Minh, Nguyễn Anh Dũng, Tô Văn Vượng, Lê Hạnh Phúc, Phạm Đức Dục, v.v. Cuối năm 1974, nơi này còn được tăng cường võ sư Nguyễn Văn Sen. Trong lúc đó, võ sư Dương Minh Nhơn, HLV Trần Phước Thiện mở lớp ở tỉnh Bạc Liêu. Đến khoảng 1973-1975, phong trào ở Bạc Liêu do HLV Nguyễn Văn Thành tiếp nối.

Phòng tập Vovinam Kiên Giang (11-1973)

Năm 1971, phong trào Vovinam Miền Tây mở rộng mạnh mẽ sang các tỉnh An Xuyên (nay là Cà Mau) do HLV Dương Minh Hải phụ trách; đến giữa năm 1973, Nguyễn Thành Xê thay thế. Kiến Phong (HLV Phạm Thành Danh, Lê Hiếu Hòa, v.v); Sa Đéc (HLV Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Văn Kính, Lê Văn Bấc, v.v.), Châu Đốc nay thuộc An Giang (VS Hoàng Minh Cường, HLV Phan Văn Hải, Trang Phước Đức, Phạm Vũ Minh Sang, Dương Bích Thu, v.v.).

Đáng chú ý, sau khi hỗ trợ phong trào một số nơi, võ sư Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Văn Sen, HLV Dương Minh Hải, Đỗ Văn Phước, v.v. đã mở lớp tại Cần Thơ (tỉnh Phong Dinh) vào đầu năm 1971. Một thời gian sau, nơi đây xây dựng võ đường Tự Đức và trở thành Cục Huấn luyện Vovinam Miền Tây với nhiều hoạt động sôi nổi.

Hai tỉnh xây dựng phong trào từ năm 1972 là Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) – xã Hòa Đồng, HLV Phạm Công Minh, Phạm Đức Dục, Nguyễn Trung Vĩnh và Chương Thiện (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) với HLV Ngô Trung Hào, Đỗ Văn Phước, sau đó là HLV Trần Phước Thiện, Nguyễn Hữu Tài, v.v.

Năm 1973, 3 tỉnh sau cùng ở Miền Tây mở lớp Vovinam là Kiến Hòa (nay là Bến Tre) tại Trung học Hàm Long (HLV Phạm Công Minh); xã Tân Phú, quận Châu Thành (HLV Phan Hoàng Tân). Long An (HLV Đặng Ngọc Thọ, Thái Quý Hưng, Phan Văn Bửu, Sơn Khê, Huỳnh Lâm, v.v.). Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) với HLV Nguyễn Hữu Tài và phụ tá Bành Quốc Thanh.

Trong gần 6 năm khai phá, các tỉnh Miền Tây luôn được các võ sư cấp cao của môn phái quan tâm và hỗ trợ. Chưởng môn Lê Sáng, võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Trịnh Ngọc Minh, Lê Công Danh, Trần Văn Bé, v.v. thường đến các tỉnh miền Tây để tập huấn, chấm thi, dự Lễ Tưởng niệm Sáng tổ, v.v.

Các môn sinh Tổng cục Huấn luyện (Sài Gòn) biểu diễn trong Lễ khai phá Miền Tây tại Long Xuyên, tháng 10-1969 – Ảnh do HLV Nguyễn Thị Nga (bìa phải) cung cấp.

Theo tư liệu của võ sư Nguyễn Hữu Hạnh (Cần Thơ), từ ngày 24 đến 26-11-1972, tại Khu kỹ nghệ Tây Đô, Trà Nóc, tỉnh Phong Dinh (nay là thành phố Cần Thơ) Vovinam đã tổ chức Lễ kỷ niệm Đệ tam chu niên Khai phá Vovinam Miền Tây và Lễ mang đai khóa VIII Miền Tây. Sự kiện này đã thu hút khoảng 2000 môn sinh các tỉnh Miền Tây về cắm trại và long trọng đón tiếp Chưởng môn Lê Sáng. Lần đó, Chưởng môn đi cùng võ sư Trịnh Ngọc Minh (Cục trưởng Cục Huấn luyện Miền Trung) đến thăm Cần Thơ, Long Xuyên, Kiên Giang và Hà Tiên.

“Chưởng môn trông rất nghiêm nghị nhưng khi tiếp xúc thì Thầy rất khiêm tốn, thân mật và giản dị. Đêm đến, Thầy nghỉ trên chiếc ghế bố xếp bên trong võ đường Tự Đức, mặc dù ông Trưởng Ty Thanh niên Phong Dinh mời Thầy vào nhà nhưng thầy từ chối”, võ sư Nguyễn Hữu Hạnh kể lại. Nhân lễ kỷ niệm này, Chưởng môn đã tặng cho Vovinam Miền Tây bài “Hậu Giang – Đệ tam chu niên cảm tác”:

Việt Võ là đây, đất Hậu Giang,

Tay thép dương danh, vùng khải đạo

Tim từ triển đức, cõi khai quang.

Thất Sơn sáng mãi, gương Trung Trực,

Đồng Tháp vang rền, tiếng Võ Dương,

Nối gót tiền nhân thời quốc loạn,

Ba năm là đó, nguyện kiên cường.

Để có thể quảng bá phong trào rộng rãi, bên cạnh sự điều hành hiệu quả của môn phái còn có sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhân sĩ, trí thức, ban, ngành ở các địa phương cùng đội ngũ võ sư, HLV có trình độ chuyên môn vững vàng và đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, trong số này có nhiều HLV tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi, nhưng tác phong chững chạc, đủ khả năng gánh vác cũng như chấp nhận luân phiên xông pha nơi này, nơi khác để xây dựng phong trào theo yêu cầu của môn phái. Những nỗ lực của Vovinam Miền Tây từ năm 1969 đến 1975 đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng hình ảnh và nâng cao vị thế của môn phái trong làng võ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Chưởng môn Lê Sáng dự Lễ truyền thống lần thứ 24 VVN Miền Tây và kỳ thi Trung đẳng khóa II-1993 tại Cần Thơ

TIẾP BƯỚC

Những ngày đầu thống nhất đất nước (30-4-1975), xã hội chưa thật sự ổn định. Trong bức tranh chung lúc bấy giờ, nhiều hoạt động văn hóa và TDTT bị gián đoạn, trong đó có võ thuật. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ võ sư, HLV có nhiều tâm huyết nên hoạt động của môn phái Vovinam nhanh chóng được khôi phục, dù còn mang tính tự phát và phải trải qua rất nhiều khó khăn để tự khẳng định mình.

Các tỉnh Miền Tây (ĐBSCL) lúc này cũng được sắp xếp lại. Năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới – Hậu Giang.

Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng, thị xã Vị Thanh và 11 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.

Tại Sóc Trăng, HLV Hà Thanh Bình xây dựng lại phong trào Vovinam từ năm 1976 tại Phòng TDTT và cụm sân quần vợt. HLV Văn Thanh Xuân mở lớp từ năm 1978 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phụng Hiệp (năm 2006 đổi thành thị xã Ngã Bảy). Đến năm 2002, lớp tạm ngưng 1 năm rồi dạy tiếp đến năm 2004 mới bàn giao lại cho HLV Nguyễn Việt Anh Tiến, Trần Hoàng Ngọc Chiến. Trước đó, các HLV Lê Kế Truyền (1954-2001), Nguyễn Bá Dương, Lê Văn Tạo, Nguyễn Tấn Thành, Phạm Văn Thành, Lý Công Trường, v.v. dạy tại huyện Thốt Nốt từ cuối năm 1984. Năm 1985, HLV Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Thanh Hạnh Phúc, Thái Hoàng Dân, Lê Tấn Thiết, Lương Hòa dạy ở huyện Ô Môn. Ở thành phố Cần Thơ, các HLV Bành Quốc Thanh, Nguyễn Hữu Hạnh, Tần Thiên Lý, Tiền Hữu Nghĩa, Trần Văn Phong, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thị Kính, Phan Hữu Thông, Tạ Quỳnh Đức (1957-2006), Nguyễn Thành Trí, v.v. tập trung ôn luyện rồi mở lớp tại Cung Thiếu nhi TP Cần Thơ vào tháng 2-1986. Sau đó, tiếp tục khai giảng lớp ở Cao đẳng Sư phạm, Mẫu giáo An Hội 2, v.v. Cũng trong năm này, HLV Nguyễn Hữu Hạnh dành một phần đất trong khu vực nhà mình để làm phòng tập và sau này gọi là võ đường Trung Chính, v.v.

Lễ Tưởng niệm Chưởng môn Lê Sáng lần thứ 9-2019 tại Cần Thơ

Năm 1979, khi 2 tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc sáp nhập thành tỉnh Đồng Tháp, Vovinam mới hoạt động trở lại. Thị xã Sa Đéc có HLV Nguyễn Văn Kính dạy một thời gian. Sau đó, võ sư Lê Văn Bấc huấn luyện đến nay. HLV Nguyễn Bá Thuận về Hồng Ngự công tác và mở lớp. Thị xã Cao Lãnh, HLV Lê Hiếu Hòa dạy tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp. Huyện Lấp Vò, HLV Tạ Đăng Minh dạy tại THPT Lấp Vò 2… Năm 1995 võ sư Phạm Thành Nam và HLV Lê Văn Rắng hướng dẫn đoàn Đồng Tháp lần đầu tiên dự giải vô địch toàn quốc.

Cũng trong năm 1979, HLV Huỳnh Thành Công và Nguyễn Tuấn Kiệt mở lớp tại trường Vĩnh Liên, trường Kiều Anh (phường 1, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Cửu Long) nhưng chỉ tồn tại 1 năm. Năm 1985, HLV Huỳnh Thành Công và Trần Thanh Hải tái lập phong trào nhưng vẫn còn hạn hẹp. Mãi đến năm 1987 được sự tiếp tay của võ sư Phạm Thành Nam, nhiều lớp tập khai giảng tại Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh, v.v. Nhờ lực lượng sinh viên Cao đẳng Sư phạm mà đến năm 1990, phong trào mở rộng đến các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh, v.v.

Tại Long An, sau khi được võ sư Thái Quý Hưng từ TPHCM về tập huấn, tháng 5-1982, các HLV Tôn Thọ Nhân, Châu Ngọc Thao, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Văn Hóa mở lớp tại Trường Trung học Nguyễn Trung Trực (phường 1, thị xã Tân An)…

Sau 10 năm tạm lắng, các HLV Ngô Hí Xuân, Phạm Lương Thịnh, Nguyễn Điền Dũng, Nguyễn Văn Lượm, Lý Thanh Đức, Trương Gia Quảng, Trương Gia Hùng (Tâm), Nguyễn Ngọc Son, Hồ Phú Dũng, v.v. đã ôn luyện tại Nhà Văn hóa thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang từ tháng 6-1985. Đến tháng 10-1985 lớp VVN khai giảng với gần 400 võ sinh đăng ký, mở đầu quá trình khôi phục phong trào ở An Giang…

Cùng với An Giang, năm 1985, Vovinam mở lớp tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Tiền Giang (chùa Phật Ân, thị xã Mỹ Tho) và lần lượt hiện diện tại sân Chủng viện, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Cung Thiếu nhi, v.v. Hội Vovinam Tiền Giang thành lập năm 1989 gồm Chủ tịch Đoàn Văn Tâm, Phó chủ tịch Đoàn Minh Cang, Thư ký Đỗ Văn Huẩn, Ủy viên Kỹ thuật Nguyễn Văn Phán, UV Tài chính Nguyễn Văn Trung. Cùng tham gia giảng dạy còn có HLV Nguyễn Thành Tuấn, Huỳnh Văn Hải (hiện là Chủ tịch Hội VVN Tiền Giang), v.v.

Lễ Tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 13-1973 tại Cần Thơ. Ảnh do võ sư Nguyễn Hữu Hạnh cung cấp.

Trên vùng đất Kiên Giang, một số HLV vẫn liên hệ với các môn sinh để ôn luyện. Không ít lần, các HLV Danh Tư, Mã Thị Ngọc Liêng, Trương Thị Hồng Ánh, Nguyễn Thị Phụng, Hà Thế Thạnh, Nguyễn Huỳnh Dũng, Huỳnh Châu Sang, Ngô Bửu Kiến, v.v. tự túc chi phí đi đến các tỉnh lân cận để ôn tập, hoặc biểu diễn trong những lễ hội, qua đó từng bước xây dựng lại phong trào. Nhờ vậy, năm 1986, HLV, môn sinh đã có điểm luyện tập thường xuyên tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang. Sang năm 1987 mở thêm lớp tại huyện Hà Tiên và hình thành Bộ môn Vovinam tỉnh Kiên Giang.

Nơi xứ dừa, năm 1988, HLV Phan Hoàng Tân cùng các học trò như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thanh Liêm, Hồ Văn Ngon, v.v. tái lập phong trào tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1990, HLV Huỳnh Quyền tổ chức lớp ở thị xã Bến Tre. Một thời gian sau, HLV Huỳnh Quyền bận việc riêng, giao lớp lại cho HLV Phan Hoàng Tân. Nhiều năm sau, HLV Nguyễn Văn Phép chính thức mở lớp ở huyện Chợ Lách, v.v.

Cố võ sư Nguyễn Lộc – Sáng tổ môn phái Vovinam Việt Võ Đạo

Xuôi xuống vùng đất cực Nam Tổ quốc, phong trào Vovinam huyện Cái Nước (Cà Mau) được võ sư Văn Thanh Xuân xây dựng trong 2 năm 1992-1993. Thời điểm bấy giờ, Cà Mau và Bạc Liêu thuộc tỉnh Minh Hải cho đến năm 1996 mới tách ra như hiện nay. Sau đó, phong trào tạm lắng và mãi đến tháng 8-2005, võ sư Văn Thanh Xuân mới quay trở lại Cái Nước để mở lại các lớp tập Vovinam. Hiện phong trào đã phát triển được 15 CLB ở thành phố Cà Mau và 6 huyện với hơn 1200 võ sinh.

Chậm hơn một chút, khoảng giữa thập niên 1990, VS Đặng Ngọc Thọ mở lớp tập tại Nhà Văn hóa thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Năm 2000, HLV Lê Quang Thòn (học trò võ sư Huỳnh Thành Công, HLV trưởng Vovinam tỉnh Vĩnh Long) khai giảng lớp ở huyện Càng Long rồi HLV Phạm Thanh Việt tiếp nối từ năm 2006. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh còn có lớp tập ở các huyện Cầu Kè (VS Lâm Tấn Đấu), Cầu Ngang, Duyên Hải, v.v.

Có lẽ hồi phục muộn nhất ĐBSCL là Bạc Liêu. Tháng 6-2011 với sự hỗ trợ của HLV Hoàng đai III cấp Lý Minh Keo (CLB huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), HLV Phạm Tư Thái (học trò của VS Lâm Quang Long), tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng về công tác tại Trường Năng khiếu TDTT đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho phép mở lớp Vovinam. Năm 2012, HLV Phạm Tư Thái cùng HLV Nguyễn Trung Kiên (học trò VS Huỳnh Thành Công,) mở thêm các CLB tại Trường Đại học Bạc Liêu, Thư viện tỉnh Bạc Liêu, xã Xuân Hòa, huyện Vĩnh Lợi… Năm 2013, VS Hà Thanh Bình (Sóc Trăng) đến đây hỗ trợ phong trào…

Nhìn lại giai đoạn này, có thể thấy môn phái Vovinma nói chung và Vovinam ĐBSCL đã trải qua biết bao thách thức. Từ chỗ mọi điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, thậm chí còn có một vài nơi chưa thật sự cảm thông nhưng đến đầu thập niên 1990, hoạt động của môn phái đã được khôi phục ở nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh sự hỗ trợ chuyên môn của các võ sư ở Tổ đường cùng Hội Việt Võ Đạo TPHCM, các môn sinh ĐBSCL còn nhận được tình cảm thân thương của Chưởng môn Lê Sáng. Thầy đã về đây năm 1989 và bày tỏ cảm xúc qua bài thơ “Miền Tây kiến đạo”:

Hai mươi năm đó biết bao tình,

Sự nghiệp trồng cây vẫn sức mình,

Thời thuận thiên thời vui trách vụ,

Thế hoà nhân thế, thỏa bình sinh.

Sư môn đón đợi người anh kiệt

Đất nước trông chờ ngọn kiếm linh,

Ân Tổ muôn đời chung hưởng ích,

Miền Tây kiến đạo dựng bình minh.

Đặc biệt, sự có mặt của Vovinam tại một số kỳ Hội diễn Võ thuật khu vực đã thể hiện sự tiến bộ đầy khích lệ của phong trào. Tất cả đều sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển, có thể tính từ cột mốc Giải Vovinam vô địch toàn quốc lần thứ 1-1992.

PHÁT TRIỂN

Ngay từ những giải vô địch toàn quốc đầu tiên, một số tỉnh ĐBSCL đã góp mặt như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, v.v. Với trình độ chuyên môn (thi quyền và thi đấu đối kháng) ngày càng tiến bộ, một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Bến Tre,… từng nằm trong Top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn. Sau đó, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tham gia các các sân chơi quốc gia được ngành TDTT tổ chức như giải Trẻ, Cúp CLB các đội mạnh, Đại hội TDTT, hoặc các giải do ngành Giáo dục&Đào tạo tổ chức như Hội khỏe Phù Đổng, Giải Học sinh, Giải Sinh viên toàn quốc. Tại Cúp các CLB các đội mạnh lần 4-2013, Cần Thơ đã xuất sắc vượt qua TPHCM để giành vị trí hạng nhất toàn đoàn.

Nhiều VĐV của khu vực ĐBSCL đã được tuyển chọn tham dự các giải quốc tế như SEA Games, Asian Indoor Games, Asian Beach Games, vô địch Vovinam Đông Nam Á, châu Á, Thế giới. Phát huy tài năng của mình, một số võ sĩ đã đạt thành tích cao như Phan Thị Ngọc Hân, Nguyễn Hoàng Tấn (Bến Tre), Nguyễn Thị Quyền Chân (An Giang), Nguyễn Minh Tính (Tiền Giang), Trần Công Tạo, Trần Tấn Lộc, Đỗ Hoàng Thám, Lâm Chí Linh, Nguyễn Phúc Thịnh, Lâm Thị Thùy Mỵ (Cần Thơ), Trần Thị Thanh Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phùng Thị Hồng Thắm, Biện Thị Minh Khoa (Vĩnh Long)…

Trong nội bộ khu vực, sự xuất hiện của Giải Vovinam các tỉnh ĐBSCL từ năm 2001 – sân chơi do các tỉnh luân phiên tổ chức – đã góp phần động viên tinh thần tập luyện đồng thời giúp các VĐV cọ xát, trao đổi kinh nghiệm cũng như là cơ sở tuyển chọn VĐV chuẩn bị cho các giải đấu cao hơn. Song song đó, các cuộc họp mặt truyền thống Vovinam ĐBSCL đã kết nối tình đồng môn, tình đoàn kết trong khu vực để hỗ trợ nhau tiến bước.

Với phong trào ngày càng phát triển, Vovinam ở một số tỉnh, thành phố đã được thành lập Hội như Tiền Giang (1989) hoặc Liên đoàn như An Giang (2009), Hậu Giang (2011), Kiên Giang (4-2012), Bến Tre (9-2012), Cần Thơ (2013), Đồng Tháp (2017), Bạc Liêu (2018)… Từ phong trào này, bên cạnh những võ sư, HLV cựu trào đã được giới thiệu trong giai đoạn Tiếp bước, Vovinam Miền Tây đã xuất hiện thế hệ kế thừa với những võ sư, HLV có năng lực, nhiệt tình như: Trần Hoài Hận, Nguyễn Tấn Hữu (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Phúc (Hậu Giang), Từ Thanh Phong (Cần Thơ), Từ Hoàng Long (Kiên Giang), Huỳnh Đăng Khoa (Vĩnh Long), Trần Văn Bảo (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Hoàng Liêm, Nguyễn Hoàng Lam (Bến Tre), Huỳnh Trung Hiếu, Trần Văn Lượm (Tiền Giang)…

Với tất cả nỗ lực và những bước đi mạnh mẽ, Vovinam đã trở thành một trong những môn thể thao có sức hút đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động… trong khu vực ĐBSCL. Vì thế, lãnh đạo ngành TDTT khu vực ĐBSCL đã đánh giá đúng mức sự đóng góp của Vovinam trong sinh hoạt TDTT và giáo dục thể chất khi môn võ này được đưa vào chương trình thi đấu ngay trong lần đầu tiên tổ chức Đại hội TDTT ĐBSCL tại Cần Thơ năm 2005. Từ đó, Vovinam được duy trì ở sân chơi này theo định kỳ 2 năm/lần: 2007 (Cà Mau), 2009 (Đồng Tháp), 2011 (Kiên Giang), 2013 (Tiền Giang), 2015 (An Giang), 2017 (Bến Tre), và năm 2020 sẽ tổ chức tại Vĩnh Long với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long 45 năm đánh thức những ước mơ”.

Về định hướng phát triển trong vài năm tới, theo chia sẻ của Võ sư Võ Hữu Lý – Ủy viên thường vụ Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thành phố Cần Thơ, thì Vovinam Khu vực ĐBSCL cần củng cố các tổ chức đã hình thành cũng như cố gắng hỗ trợ nhau để thành lập Liên đoàn hoặc Hội Vovinam ở một số tỉnh còn lại như Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh… Phấn đấu mỗi tỉnh/thành phố phát triển thêm 5 CLB/năm, chú trọng phong trào trong trường học. Tổ chức thi thăng cấp Trung đẳng 2 lần/năm đối với Cần Thơ và 1 lần/năm ở các tỉnh còn lại. Tiếp tục tổ chức Giải Vovinam ĐBSCL xen kẽ với Giải Vovinam Đại hội TDTT ĐBSCL theo định kỳ 2 năm/lần, từng bước nâng cao thành tích ở các giải quốc gia và quốc tế.

50 năm đã trôi qua, khởi đầu bằng một vài lớp tập, đến nay màu áo xanh đã phủ khắp 13 tỉnh/thành của Khu vực ĐBSCL với vài trăm CLB, thu hút vài chục ngàn môn sinh thường xuyên tập luyện. Đạt được thành quả này là nhờ sự hướng dẫn, động viên của Môn phái và Liên đoàn Vovinam Việt Nam, sự giúp đỡ của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan ở địa phương, cũng như tình cảm thiết tha, tinh thần hiến ích cho môn phái, cho xã hội của tập thể võ sư, HLV, môn sinh Vovinam ở vùng đất này trong suốt thời gian qua.

Nhìn về quá khứ, chúng ta trân trọng và tri ân những thế hệ tiền bối đã đồng hành cùng phong trào. Hướng đến tương lai, với bề dày truyền thống đã được vun đắp, Vovinam ĐBSCL sẽ tiếp tục gắn bó, cùng nâng bước để quảng bá phong trào rộng khắp hơn, củng cố chất lượng chuyên môn, phát huy tiềm năng, hầu có thể đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp TDTT của khu vực và quốc gia.

Thiện Tâm