Vovinam được đưa vào SEA Games 31: Chung tay điểm tô môn võ Việt

(VoThuat.vn) – Trung tuần tháng 3-2020 vừa qua, anh em môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo đã đón nhận một tin vui khi môn võ này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách dự kiến các môn thi đấu ở SEA Games lần thứ 31 (năm 2021) sẽ tổ chức tại Việt Nam.

Tuy còn phải trải qua không ít thủ tục nhưng sau 3 lần vắng bóng, Vovinam có nhiều hy vọng trở lại sân chơi thu hút sự quan tâm của cộng đồng gần 650 triệu dân trong khu vực này dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm tới. Nói thì nghe ngắn gọn và nhẹ nhàng, nhưng thật sự phía sau là cả một quá trình đóng góp biết bao công sức của nhiều thế hệ môn sinh Vovinam ở Việt Nam và trên toàn thế giới, trong đó có sự kiên trì vận động liên tục của lãnh đạo Liên đoàn Vovinam Việt Nam.

Vovinam lần đầu có mặt tại SEA Games 26 2011 tại Indonesia là thành quả của một quá trình vận động dài hơi của Liên đoàn Vovinam Việt Nam và UB Olympic quốc gia

Sáu mươi năm trước, sau khi Sáng tổ Nguyễn Lộc trở về cõi vĩnh hằng (tháng 4-1960), cuối năm đó, cùng với các môn võ khác tại Sài Gòn, Vovinam cũng bị hạn chế hoạt động… Nhưng chỉ sau 2 năm được khôi phục (1964-1965), từ năm 1966, môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đã phát triển mạnh mẽ và từng bước xây dựng được một vị thế nhất định trong làng võ ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ…

Từ đó đến nay, tuy phải trải qua không ít khó khăn, thách thức bởi thời cuộc, nhưng với hệ thống kỹ thuật khoa học và thực dụng, một triết lý nhân sinh rộng mở cùng tấm lòng hy sinh, thiết tha cống hiến cho môn phái của hàng triệu môn sinh, Vovinam Việt Võ Đạo đã hiện diện ở khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu. Nhiều Liên đoàn cấp quốc gia, khu vực, châu lục… đã được thành lập.

Các võ sư cao cấp của Vovinam nghe thầy Chưởng môn Lê Sáng trao đổi

Bên cạnh các cuộc biểu diễn ở những kỳ hội võ quốc tế (Chungju-Hàn Quốc, Bercy-Pháp Quốc, v.v.), tổ chức các Giải vô địch Vovinam Thế giới, châu Á, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á, Vovinam Việt Võ Đạo còn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở một số đại hội thể thao quốc tế như Asian Indoor Games lần thứ 3 (2009), SEA Games lần thứ 26 (2011), SEA Games lần thứ 27 (2013), Asian Beach Games lần thứ 5 (2016), Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 19 (2018)…

Tuy những sự kiện, những hoạt động, những thành tích trên có thể  chưa đạt được kết quả như mong đợi và còn không ít việc phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thời đại, nhưng chúng ta có thể vui mừng bởi Vovinam Việt Võ Đạo đang trở thành một môn thể thao được nhiều bạn bè quốc tế quan tâm, tìm hiểu, luyện tập, xem như một phương pháp tự vệ, rèn luyện sức khỏe hữu hiệu…

Đáng chú ý, những cuộc tranh tài ở các sân chơi đại hội thể thao khu vực hoặc châu lục đã trở thành cơ hội rất thuận lợi để hình ảnh Vovinam Việt Võ Đạo – một môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam – được giới thiệu và lan tỏa đến nhiều nơi. Cụ thể hơn, phong trào càng quảng bá rộng rãi thì con đường đi vào các đại hội thể thao càng thuận lợi, đồng thời sự hiện diện ở các đại hội thể thao cũng có tác dụng kích thích phát triển phong trào, thu hút thêm người tập luyện ở các địa phương, ở các nước.

VS Nguyễn Văn Chiếu đang thị phạm một số đòn thế

Mặt khác, trong một thế giới phẵng như ngày nay, các tổ chức Vovinam Việt Võ Đạo ở từng cấp, từng nơi luôn có sự gắn bó, quan hệ, hỗ trợ qua lại với nhau chứ không thể nào tồn tại, hoạt động riêng lẻ, miễn sao mỗi tổ chức không thực thi vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của mình và đều cùng chung mục đích quảng bá, phát triển Vovinam Việt Võ Đạo.

Một quy luật của lịch sử, trong bất cứ một tổ chức, một sự kiện, một con người cụ thể nào bao giờ cũng có 2 mặt: tích cực và hạn chế. Vovinam Việt Võ Đạo là một sản phẩm của xã hội nên đương nhiên trong mỗi thời điểm, mỗi thời kỳ đều có mặt mạnh và mặt yếu, tiến bộ và bất cập… Việc đóng góp ý kiến xây dựng nhằm giúp một tổ chức, một sự kiện, một con người khắc phục thiếu sót để ngày càng tiến bộ là điều rất cần thiết.

Có nhiều cách đóng góp ý kiến: trực diện, thư từ, hội họp, nhắn gửi… và ngày nay còn có thêm mạng xã hội. Mạng xã hội giúp phổ biến thông tin nhanh chóng, giải quyết nhiều việc lẹ làng, kết nối giữa con người với nhau (dù cách xa ngàn dặm) chỉ bằng một cái click chuột… Dù vậy, bên cạnh những bài viết có giá trị, nhiều lời bình luận sắc sảo… thì cũng chính trong thế giới ảo này, sự tự do quá trớn, sự võ đoán, hoặc nhằm câu “like”, thiếu kiểm chứng, tự cho mình có quyền dạy dỗ mọi người (trời ơi “độ” mình chưa xong mà lo “độ” người), các “anh hùng bàn phím” đã phán xử người này người nọ, tổ chức này, tổ chức nọ như mình là “chánh án” nên đã gây tổn thương, tổn hại rất nhiều người. Thậm chí, do bị xúc phạm đời tư (danh dự cá nhân, nghề nghiệp, gia đình…) trên mạng xã hội mà có người đã tìm đến cái chết. Thật quá đau lòng…

Vovinam lần đầu có mặt ở sân chơi cấp châu lục ASIAN Indoor Games III năm 2009

Từ kinh nghiệm chuyện bên ngoài xã hội vừa nêu, không dám “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng theo suy nghĩ còn hạn hẹp, nên chăng trong nội bộ môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, dù dưới bất cứ hình thức nào, sự đóng góp ý kiến cần nên cân nhắc, chừng mực, khéo léo, mang thuyết phục và đặc biệt là có văn hóa…  Chúng ta không bao che những điều dở, cái xấu, nhưng trong tình đồng môn, chúng ta nên lựa chọn cách thức và lời lẽ cho phù hợp, lịch sự thay vì nặng lời, bươi móc, xoi mói, chụp mủ, gây mất đoàn kết, thậm chí còn phát biểu nhiều câu vô ơn, “đoản hậu”… Đâu phải việc nào cũng nhất thiết phải đưa lên mạng xã hội tranh luận mà những yêu cầu, thắc mắc của chúng ta có thể gửi thẳng đến địa chỉ những tổ chức, những cá nhân có liên quan, có trách nhiệm…để được giải đáp… Được như vậy sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến những hình ảnh tốt đẹp của Vovinam Việt Võ Đạo mà chính chúng ta cũng từng góp công tô điểm từ nhiều năm qua…

Ông cha chúng ta đã nhắc nhở:

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Thiển nghĩ, lời khuyên này có lẽ rất đáng cho anh em chúng ta suy gẫm.

***

Việc môn phái Vovinam Việt Võ Đạo được dự kiến đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games năm sau còn là vinh dự của cả ngành thể thao Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để hình ảnh môn võ của nước Việt Nam được điểm tô trên đấu trường khu vực, giúp nó đến gần hơn với thế giới.

Đại gia đình Vovinam tại Giải Vô địch thế giới năm 2009.

Càng ý nghĩa hơn khi năm nay, trong nội bộ môn phái Vovinam Việt Võ Đạo có những sự kiện quan trọng như Lễ Tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 60 (1960-2020), Lễ Tưởng niệm Chưởng môn Lê Sáng lần thứ 10 (2010-2020)… Đặc biệt, trong bối cảnh Chánh Chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu vừa từ giã cõi trần vào những ngày đầu xuân Canh Tý (2020), anh em chúng ta hãy tiếp tục đoàn kết, giữ gìn hòa khí, cùng chung tay tô điểm hình ảnh của Vovinam Việt Võ Đạo, thay vì vô tình làm giảm đi những nét đẹp truyền thống của môn phái…

N.TH