Vovinam – môn võ Việt dành cho phụ nữ Việt (Kì 2)

Ngày nay thuật ngữ “phái mạnh – phái yếu” có thể không còn thích hợp khi dùng để phân biệt nam giới và nữ giới nữa, bởi phụ nữ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng và “bản lĩnh thế kỷ 21” của mình trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Phong trào phụ nữ tập luyện thể thao ngày càng phổ biến, sôi nổi tại các đô thị, thành phố trong cả nước. Một số bạn gái chọn các môn thể thao vận động truyền thống như bơi lội, cầu lông, tennis hay thể dục thẩm mỹ vừa để tăng cường sức khỏe vừa giữ vóc dáng trẻ trung xinh đẹp. Tuy nhiên, vẫn có những bạn lựa chọn võ thuật như là một sở thích phù hợp cá tính mạnh mẽ và đồng thời mang tính tự vệ cho bản thân.

Những nữ “cao thủ” xinh đẹp và tài năng

Làng võ thuật Việt Nam cũng có nhiều câu chuyện cảm động, đáng ngưỡng mộ về những gương mặt nữ tài năng, vượt khó để gắn bó cùng Vovinam hay đơn giản chỉ là lý tưởng cống hiến và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của môn võ Việt.

bong hoa cua lang vovinam cao thuy duong
Bông hoa của lành Vovinam Cao Thùy Dương

Cao Thùy Dương – bông hoa của làng võ VovinamVới bài biểu diễn quyền Song dao pháp của môn võ Vovinam, Cao Thuỳ Dương đã đạt danh hiệu “Tài năng thể thao”  trong cuộc thi Hoa hậu Thể thao 2007 đồng thời lọt vào Top 10 của cuộc thi này. Một trong những lý do giúp bài diễn của Dương ngay lập tức thuyết phục Ban giám khảo, là vì người đẹp này xuất thân là vận động viên hoàng đai III của môn phái Việt võ đạo. Người thầy cũ của Cao Thùy Dương, huấn luyện viên Phạm Ái Quốc nhớ như in ngày đầu cô học trò đến lớp Vovinam năm 2002. Khi đó, cô bé 15 tuổi đang theo học bóng chuyền, còn thầy Quốc, quê tận Tây Ninh, đến Yên Bái thành lập lớp võ Vovinam đầu tiên của địa phương. Nhận thấy Thùy Dương có nhiều triển vọng, tâm huyết với thể thao, thầy Quốc dồn nhiều thời gian rèn Dương luyện võ từ sáng tới chiều. Thùy Dương từng tâm sự: “Em hy vọng được theo con đường vận động viên chuyên nghiệp, bởi nếu ở nhà, em chỉ có thể làm ruộng hoặc đi bán rau thôi”.

thuy duong trong mot bai quyen bieu dien
Thùy Dương trong một bài quyền biểu diễn

Năm 2004, Cao Thùy Dương đoạt Huy chương đồng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu tại giải vô địch Vovinam tổ chức ở Cần Thơ. Năm 2005, sau một năm nỗ lực tập luyện, cô gái xinh đẹp của làng thể thao Yên Bái giành Huy chương bạc giải Vô địch tại Phú Yên.
Trong cuộc thi Hoa hậu thể thao, màn biểu diễn Song đao pháp của Thuỳ Dương khiến ban giám khảo thực sự kinh ngạc. Sự tự tin cộng với phong cách mới mẻ và những đường nét vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ của Việt Võ Đạo đã chinh phục những vị cầm cân nảy mực.
Thầy Quốc luôn tự hào về cô học trò ngoan hiền, tài năng này: “Bạn bè trong môn phái Vovinam toàn quốc gọi điện chúc mừng học trò của thầy giờ đã nổi tiếng. Lúc đó, tôi mừng cho Dương lắm, vì con đường em chọn bước đầu gặp thuận lợi”.

Năm 2008, đoạt danh hiệu Hoa hậu Thân thiện của cuộc thi sắc đẹp lớn vào bậc nhất thế giới – Miss International, Thùy Dương được xem là gương mặt sáng giá, đã nhận được rất nhiều phiếu bình chọn ủng hộ cũng như sự ái mộ tài năng thể thao của cô.

 “Nữ hoàng” Vovinam Phạm Thị Phượng – người phụ nữ đảm đang

nu hoang vovinam chi la mot tho may binh thuong
Nữ hoàng Vovinam chỉ là một thợ may bình thường

Chỉ là một người thợ may bình thường, nhưng trong làng võ người ta gọi cô là “nữ hoàng Vovinam” – Phạm Thị Phượng.

Sinh ra trong gia đình “con nhà tông” có đến 12 người theo nghiệp võ, mới 29 tuổi nhưng Phạm Thị Phượng đã có kinh nghiệm 19 năm tập luyện Vovinam. 14 năm thi đấu đỉnh cao, Phượng đoạt rất nhiều huy chương vàng, trong đó có 2 HCV vô địch thế giới.

Phượng kể: “Hồi nhỏ tôi nhút nhát, lại hay bị bạn bè ăn hiếp nên có ý định học võ để mình cứng rắn hơn. Dường như tôi và Vovinam có duyên với nhau thì phải”.

Cái duyên của Phượng bắt đầu từ năm 1988 khi Vovinam được đưa vào chương trình thể dục tại Trường THCS Chánh Hưng (quận 8), nơi Phượng học. Những đòn thế đẹp mắt khiến cô mê Vovinam lúc nào không biết. Cứ như nó ngấm vào máu mình vậy. Sau một năm học võ, gia đình cứ ngỡ Phượng học thể dục nên không quan tâm, mãi đến khi cô đoạt thủ khoa trong kỳ thi lên đai, mang đai về khoe, lúc đó cả nhà mới ngạc nhiên.

rat manh me va quyet liet
Rất mạnh mẽ và quyết liệt

Để thuyết phục ba mẹ, Phượng cố gắng làm thật tốt công việc của mình để tối đến lại thủ thỉ… xin đi học võ. Trước quyết tâm và đam mê của cô, ba mẹ Phượng đã “đầu hàng”.

Những nỗ lực của Phượng đã hái được trái ngọt đầu tiên khi cô đoạt HCV hạng cân 33kg ở giải thiếu niên nhi đồng Thành phố ngay tại giải đấu đầu tiên mà mình tham gia. Cô bé Phượng 11, 12 tuổi khi ấy cũng không ngờ đây là chiếc huy chương mở đầu cho chuỗi thành công rực rỡ của cô sau này.

Từ chiếc HCV này, Phượng đã có “tầm ảnh hưởng” trong việc thuyết phục các anh chị em cùng mình đi học võ. Ban đầu chỉ đi học cho vui, nhưng dần dần anh chị em Phượng nhanh chóng đam mê và đều trở thành những võ sinh xuất sắc của lò Vovinam quận 8. Chẳng hạn anh kế Phượng, Phạm Văn Phước, đoạt HCV Vovinam toàn quốc năm 1994, 1995. Em gái Phạm Thị Bích Phượng vừa đoạt 2 HCV tại Giải vô địch Vovinam toàn quốc lần VI. Em dâu và là người đã biểu diễn với Phượng trong một thời gian dài cũng đoạt HCV nhiều năm liền.

Hiện với đẳng cấp võ sư chuẩn hồng đai, Phạm Thị Phượng là vận động viên kỳ cựu của đội tuyển Vovinam Việt Nam đi thi đấu, biểu diễn khắp thế giới để quảng bá hình ảnh của môn quốc võ Việt.

Lưu Kim Lan: Người phụ nữ đạt đẳng cấp cao nhất đầu tiên của Vovinam

vo su luu kim lang (phai) va vo su cam binh
Võ sư Lưu Kim Lang (phải) và võ sư Cẩm Bình

Đến với võ thuật từ năm mười ba tuổi, võ sư Lưu Kim Lan, đơn vị tỉnh Bình Dương đã thể hiện những tố chất đặc biệt của con nhà võ, cộng với niềm đam mê mãnh liệt, đã gần 40 năm qua, không ngày nào chị vắng mặt nơi sân võ. Với chị “Vovinam là hơi thở, là niềm đam mê, chị đã xem đó là cái duyên trong cái nghiệp của mình…”.

Mặc dù gia đình không ai theo nghề võ nhưng với lòng say mê võ học, chị đã ghi danh theo học thầy Ngô Kim Tuyền vào năm 1968, lúc chị vừa tròn 13 tuổi. Đến năm 1977, chị lên Sài Gòn “thỉnh giáo” các võ sư cao cấp của môn phái Việt võ đạo, từ đó chị chăm chỉ rèn luyện trau dồi chuyên môn kỹ thuật, nâng cao trình độ. Nhờ những nỗ lực đó, Võ sư Kim Lan được ghi nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt đến đẳng cấp “Hồng đai” của môn Vovinam – Việt võ đạo.

nguoi phu nu dat dang cap cao nhat dau tien cua vovinam
Người phụ nữ đạt đẳng cấp cao nhất đầu tiên của Vovinam

Và năm 1987 chị bắt đầu đứng ra mở lớp võ tại Trung tâm TDTT thị xã Thủ Dầu Một với chỉ vài học viên ban đầu, sau “tiếng lành đồn xa”, học trò theo học ngày càng đông. Qua 20 năm giảng dạy, võ sư Lan đã cho ra lò gần 10.000 học trò và có công rất lớn trong việc gầy dựng phong trào Vovinam tại tỉnh Bình Dương lớn mạnh như ngày nay.

Bạn N.T.T, một môn sinh của cô tâm sự: “Đến với lớp võ, ngoài việc luyện tập cho cơ thể có một sức khỏe tốt, có thể tự vệ hoặc giúp đỡ người khác trong những trường hợp cần thiết, chúng em còn được cô Lan chỉ dạy những điều hay lẽ phải trong cuộc sống… Ngoài ra cô còn thường dẫn chúng em đi cắm trại, dã ngoại, gặp nhiều bà mẹ già cô đơn không nơi nương tựa. Chúng em rất xúc động và đã học hỏi được rất nhiều điều từ cô.”

Hiện tại, nhờ nỗ lực của chị và ngành thể dục thể thao tỉnh, môn Vovinam đã được phổ biến tại Thị xã TDM và 3 huyện khác của tỉnh với tổng số gần 400 võ sinh.

Để có thể cống hiến có hiệu quả cho nghiệp võ mà mình “nặng nợ”, chị Lan đã làm tốt công tác đảm bảo kinh tế gia đình, sử dụng hợp lý quỹ thời gian hạn hẹp trong ngày, dành phân nửa ngày cho cửa hàng thẩm mỹ tại nhà, phần thời gian còn lại được dành cho võ thuật. Và chị đã có những thành tựu đáng nể trong cả 2 lĩnh vực nghề nghiệp và võ thuật, một điều mà không phải người phụ nữ nào cũng đạt được.
 Vovinam – môn võ Việt dành cho phụ nữ Việt

Bên cạnh võ sư Lưu Kim Lan, sự phát triển của môn Vovinam Việt Nam ngày nay còn ghi nhận công đóng góp của các nữ vận động viên luôn kiên trì tập luyện với niềm đam mê quyết tâm đạt thành tích cao cho nền thể thao Việt Nam như các nhà đương kim vô địch quốc gia và quốc tế – Nguyễn Thị Quyền Chân (đơn vị An Giang), Trần Thị Thanh Chúc (Vĩnh Long), Phan Thị Ngọc Hân (Bến Tre)… hay các nữ trọng tài, những “bóng hồng” hiếm hoi điều hành các giải đấu một cách bản lĩnh như những cái tên quen thuộc: Phạm Thị Kim Phiên (đơn vị Quân Đội), Nguyễn Thị Thùy Dương (Đồng Nai), Nguyễn Thị Thanh Tú (Hà Nội), Bùi Đặng Hồng Nhung (Bình Dương)…

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không thể kể tên hết tất cả những gương mặt nữ tài năng nổi bật hay có nhiều cống hiến cho nền võ thuật của dân tộc.

Tháng Ba, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, xin dành tặng cho các nữ môn sinh Vovinam những lời chúc tốt đẹp nhất. Qua đây, cũng xin được vinh danh và biết ơn các võ sư, trọng tài và vận động viên Vovinam đã luôn nỗ lực rèn luyện, đóng góp cho sự lớn mạnh của môn võ truyền thống của dân tộc cùng với những thành tích tiến bộ của nền thể thao nước nhà nói chung.

Thế Hiển