Ý nghĩa và tác pháp của “động trung cầu tĩnh” trong Thái Cực Quyền

Ðộng trung cầu tĩnh trong Thái Cực Quyền (TCQ) là trong động của các động tác từ hoãn (chậm chạp mềm mại), tâm thần một mực bình ổn, điềm tĩnh. Ðó là giử cái trầm tĩnh trong cái hoạt động vậy.

“Ðộng” hàm ngụ các ý niệm vận động… có cái động bên ngoài của cơ thể là cái động tay chân. Có cái động bên trong như hô hấp, máu tuần hoàn, tế bào sinh hóa (hiện tượng tân trần đại tạ). Ý niệm “động” ở Thái Cực Quyền bao hàm hai phương diện ấy.

“Tĩnh” hàm ngụ các ý nghĩa an tĩnh, bình ổn. Thực ra trong vũ trụ không có sự vật nào tuyệt đối ở trong trạng thái chỉ tĩnh, từ cái nhỏ như nguyên tử, phân tử, đến cái lớn như địa cầu, hệ thái dương đều ở trạng thái động hằng cửu. Cơ thể con người ta là một thể hửu cơ hoạt động, dù trong lúc ngủ, các hiện tượng sinh lý vẫn liên tục xảy ra. Cho nên, cái tĩnh trong TCQ là tương đối, là cái tĩnh ở một trình độ nhất định nào đó.

Theo mặt sinh lý mà nói, động tác hoãn mạn nhu hòa làm cho sự hô hấp của phổi sâu và dài, làm cho nhịp tim đập chậm mà có sức, làm cho khí huyết đi khắp mọi nơi và đi đến nơi đến chốn. Vận động như vậy sau một thời gian dài, cơ năng các khí quan sẽ tiến triển, tức là thể chất và thể lực tăng triển. Nói một cách cụ thể nếu học viên nào ủ rũ vì thần kinh suy nhược hay tinh thần lờ đờ lúc ban ngày, mất ngủ lúc ban đêm, nếu trải qua một thời gian luyện tập TCQ nào đó, thì tinh thần có thể chuyển biến tốt hơn và ba tháng sau không còn bị mất ngủ nữa. Do nguyên nhân nào vậy? Bởi vì TCQ tự nó là một phương pháp vận động có tính cách nghỉ ngơi tích cực. Sự đòi hỏi tĩnh khiến cho những ai lo lắng buồn rầu phải xua đuổi tạp niệm, làm cho đại não có cơ hội nghĩ ngơi nhiều hơn, tức là làm cho thần kinh não chuyển biến từ suy nhược đến mạnh khỏe.

taichi1
Ðộng trung cầu tĩnh trong Thái Cực Quyền (TCQ) là trong cái động của các động tác từ hoãn (chậm chạp mềm mại), tâm thần một mực bình ổn, điềm tĩnh

Trên phương diện tâm lý, làm thế nào giử cho “tĩnh”?

Ðây là sự trấn tĩnh trên phương diện tinh thần. Vỏ đại não là cơ sở vật chất của hoạt động tâm lý. Khi luyện quyền, ta bắt buộc phải nội liễm tinh thần, tập trung tư tưởng, trong não không nghĩ ngợi gì cả cho đến mức mục vô sở thị, nhỉ vô sở văn, tuy vận động mà vẫn y nhiên thản nhiên tâm thần thơ thới. Ðó chính là trạng thái mà Ðạo gia gọi là “nhập tĩnh” hay “hư vô”. Chính trong trạng thái này, đại bộ phận của võ đại não bị đặt vào tình trạng ức chế, làm phát sinh tác dụng phản xạ có ích ở các khí quan nội tạng. Do ảnh hưởng của sự vận công liên tục, bệnh tình của bệnh nhân giảm và hết đi. Ðồng thời, trạng thái nhập tĩnh còn có tác dụng huấn luyện đối với hệ thống trung khu thần kinh, cơ năng của hệ thống này mạnh mẽ lên lại điều chỉnh và kích thích cơ năng của các hệ thống khí quan của nó. Vì vậy trên phương diện vận động sinh lý, nguyên tắc động trung cầu tĩnh có giá trị rất lớn.

Người mới học rất khó thực hiện động trung cầu tĩnh vì động tác tư thức chưa được thuộc làu còn nhớ này quên kia. Nhưng không thể không biết yêu cầu này, biết để mà từ từ thử nghiệm.

Quang Bình (Sưu tầm)

Nguồn: Maxreading