Bài học “Không được khinh rẻ đối phương”

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

 Là một đứa trẻ tinh nghịch, với những trò đùa oái oăm, khiến nhiều người khó chịu đến tức tối. Vì vậy chuyện xảy ra xô xát với nhiều người, nhóm người là không thể tránh khỏi. Trong những lúc xô xát đó, tôi lúc nào cũng là kẻ thế yếu và bị thua thảm hại. Nhưng sau đó lại lật ngược được bàn thắng về mình, vì tôi có một người anh giỏi võ. Tôi khâm phục anh: Chỉ vì anh luôn binh vực tôi trong mọi hoàn cảnh.

Rất nhiều năm, chưa có một ai đánh thắng anh.

Rồi, một ngày…

Trong lúc chơi đùa, tôi đã làm Tuấn ngã, xước hết chân tay, mặt mày. Cũng vì binh tôi, anh nhận lời đấu võ với anh họ của Tuấn.

Tôi chắc chắn anh sẽ thắng, nên luôn tỏ thái độ cao ngạo với Tuấn và mọi người mỗi khi đến trường.

Rồi cuối cùng trận đấu võ cũng diễn ra…  Người thua cuối cùng lại là anh.

Bài học “Không được khinh rẻ đối phương”
Bài học “Không được khinh rẻ đối phương” (Hình minh họa)

Biết anh mình không còn đứng ở vị trí đầu bảng. Tôi đòi đi học võ với một tâm niệm: Mình sẽ cố gắng học để chiếm lại vị trí đầu bảng. Không ai có thể vượt qua được mình. Ai gặp mình đều phải sợ, phải kính nể… (Nhưng dù sao đó chỉ là những suy nghĩ của một đứa trẻ thơ ngây).

Và cũng từ đó, tôi bước vào với võ thuật.

Ngày đầu tiên đến võ đường cùng anh. Thầy là một võ sư già, gầy gò… Tôi đã lẩm bẩm: “Người như thế này, thì đấm một phát bay đi tận đẩu đâu”. Nhưng tôi phải rút lại ngay những suy nghĩ của mình, khi thầy dùng tay không làm gãy đôi cái que tre to bằng cổ tay, rồi đấu một lúc với năm người học sinh to béo vẫn dành phần thắng.

Thầy giáo dẫn tôi lên sàn (là một khoảng trống rộng rãi), cùng với một cậu học trò nhỏ bé, còi cọc, và ít hơn tôi mấy tuổi.

Thầy quay ra hỏi tôi:

– Liệu em có thể hạ gục được cậu học trò mới này của thầy không?

Tôi không cần suy nghĩ mà trả lời luôn:

– Cậu này ạ, chuyện thường thưa thầy.

Thế mà vừa mới vào trận đấu, chỉ với vài động tác cơ bản, cậu ta đã hạ gục tôi, khiến tôi lăn nhào xuống đất, toàn thân đau đớn, không còn sức mà nhổm dậy.

Đỡ tôi ngồi dậy, thầy giáo nói:

– Trước khi học võ, và muốn đạt đến điểm cao nhất của võ thuật, ngoài việc chăm chú quan sát và tập luyện các chiêu thức, thì chúng ta còn rất nhiều thứ cần phải học. Còn đối với em, trước khi học võ, em phải học bài “không được khinh rẻ đối phương”, dù họ là người mạnh hay yếu.

Ba mươi năm sau ngẫm lại bài học đầu tiên thầy dạy, vẫn thấy nóng hổi những giá trị giáo dục to lớn của nó. Bài học là hành trang đầu đời, giúp tôi nhận thức được nhiều điều để bước cùng con đường võ học.

 Triệu Thị Bảy/Hà Nội