Cậu học trò nghèo bên chiếc giường tre của Ngoại

Bài dự thi “Võ thuật trong trái tim tôi”.

Tiến Cường  – là cái tên của cậu học trò mà tôi yêu mến nhất. Cậu nhóc ấy 11 tuổi, với cái dáng gầy, khuôn mặt đen, ít nói nhưng có đôi mắt sáng, đôi môi hồng và trái tim đỏ rực.

Hiền lành, chịu khó lại đam mê võ thuật.

Năm đó, Tiến Cường mới có 9 tuổi, đã đến lớp võ Taekwondo của tôi xin học. Như bao học trò khác, tôi vui vẻ đón nhận em, hỏi thăm biết nhà em cách 3km đi bộ, em bảo không biết chạy xe đạp và thích đi bộ. Nhưng về sau tôi mới hiểu chuyện em thích đi bộ là lẽ khác.

Rồi năng khiếu của em đối với môn võ này bắt đầu lộ rõ qua những bài tập mà tôi truyền đạt. Em nắm bắt nhanh hơn các bạn khác, thực hiện kỷ thuật chính xác hơn cả những anh chị lớn tập trước đó, cộng với sự lễ phép, hiền lành của em nên được rất nhiều bạn trong lớp quý mến.

Câu lạc bộ nơi em tập
Câu lạc bộ nơi em tập

Cứ như thế năm tháng trôi qua em lĩnh hội được những cái hay cái đẹp nhất từ môn võ. Từ ấy, lòng đam mê của em càng được thể hiện qua các buổi tập, những thành tích thi đấu phong trào trong tỉnh. Em cũng là người đem lại nguồn cảm hứng tập luyện cho các bạn đồng môn, có được học trò như em tôi thấy làm tự hào.

Tôi còn nhớ 3 tháng trước, một buổi chiều, như thường lệ các em đến lớp võ sinh hoạt, chỉ có điều là không thấy Tiến Cường đâu, cũng không bạn nào biết tại sao bạn vắng mặt. Hôm sau, vẫn vậy, Tiến Cường không đến lớp. Tôi bắt đầu lo lắng và đến nhà tìm hiểu.

Đến nhà Tiến Cường vào một buổi trưa. Một căn nhà bằng đất mái tranh tạm bợ, bên trong chẳng có gì quý giá, một chiếc võng, một chiếc giường tre và một bàn thờ – Ba mẹ Tiến Cường. Sau tìm hiểu bà con lối xóm tôi mới biết Tiến Cường sống với Bà Ngoại từ nhỏ, ba mẹ mất sớm vì tai nạn. Thấy tôi, Tiến Cường lấp ló bên chiếc giường tre nằm cạnh bà Ngoại và chào tôi, khoảng khắc này làm tôi nhớ tuổi thơ của mình, tuổi thơ trưa hè bên chiếc giường tre của Ngoại. Vì chăm sóc bà bệnh nên Tiến Cường không đi học được, khi rãnh Tiến Cường cứ ngồi bên chiếc giường tre ấy trông bà, quạt cho bà mát, nói chuyện với bà cho bà mau khỏi bệnh. Tự nhiên tôi thương, thương gia cảnh, thương cậu học trò ngoan nhất của tôi. Càng thương hơn nữa khi biết số tiền học phí hàng tháng để học võ, học văn hóa trên trường là Tiến Cường tự kiếm lấy. Mỗi buổi tối đi nhặt ve chai, mò cua mò ốc bán. Năm nghìn đồng một kí cua. Vậy mà vẫn đóng đủ năm mươi nghìn đồng mỗi tháng học võ. Vừa lo học hành vừa chăm sóc bà ngoại già yếu.

Tôi viết đến đây mà nước mắt cứ chảy, chảy ngược cả vào lòng vào dạ tôi.

Lúc này tôi mới hiểu ra vì sao em lại thích đi bộ. Trong nhà không có nửa bánh xe lấy xe đâu mà không thích đi bộ được chứ. Tôi bảo em cứ nghỉ ngơi chăm sóc tốt cho bà khỏi bệnh rồi hãy đi học lại, và cũng không phải kiếm tiền đóng học phí nữa.

Nguyen Tien Cuong
Nguyễn Tiến Cường

Từ hôm đó, ngày nào cũng vậy, xong việc cơ quan tôi đều ghé đến nhà em, mua cho em cái bánh ngon, thuốc cho bà, và mang cả một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp không mới lắm. Đó là chiếc xe tôi yêu thích thời còn học sinh, tôi đã tự tay sửa lại, mang tặng cho em. Nhìn em vui mà lòng tôi thấy nhẹ nhàng.

Hai tuần sau đó, khi bà ngoại khỏi bệnh. Em đã học võ trở lại, em không còn đi bộ nữa mà đi chiếc xe đạp tôi tặng.

Bằng lòng đam mê võ thuật, năng khiếu bẩm sinh và cả tài năng thật sự. Tiến Cường không phụ lòng tôi. Tháng 2/2015, Giải vô địch Taekwondo học sinh toàn quốc khu vực miền Trung lần 6 năm 2015 được tổ chức tại tỉnh nhà – Phú Yên. Em đã xuất sắc giành Huy chương vàng. Chiếc Huy chương vàng quý giá nhất. Quý không phải vì tiền thưởng, mà vì em đã thắng được số phận của mình, chiến thắng bằng tài năng và đam mê thật sự. Chiếc Huy chương vàng được em treo ở nơi khang trang nhất trong căn nhà mình – cạnh di ảnh ba mẹ. Em còn được đội tuyển trẻ tỉnh Phú Yên tuyển sinh nuôi dưỡng và bắt đầu cho em cuộc đời mới.

Đó là mảnh đời của học trò tôi “Bạn không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống”. Em đã tự chọn cho mình một con đường – Gắn bó với võ thuật, sống với đam mê và bằng nghị lực. Chính tôi cũng học được từ em một nghị lực – Đó là không bao giờ chấp nhận số phận.

Hôm nay, như bao lần thầy ngồi một mình nghĩ về gương mặt đen sì nhưng ánh mắt sáng ngời của em… và rơi nước mắt! Dù em đi đâu, trưởng thành nơi nào, em vẫn là cậu nhóc của thầy.

Tôi muốn thông qua cuộc thi viết “Võ thuật trong trái tim tôi” gửi bài viết này đến em bằng  sự tự hào. Tình yêu võ thuật đã thay đổi cuộc đời em. Chúc em học tập và rèn luyện tốt trong môi trường mới, chuyên nghiệp hơn, Tiến Cường nhé !

Nguyễn Thành Trì/Phú Yên