Người cha già của Nhân Ái

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

“Võ học không phải để dánh nhau, không phải để thể hiện mình mạnh hơn  kẻ yếu. Võ học là học rèn luyện ý chí, học sức chịu đựng, học lễ nghi, học đạo làm người”. Đến bây giờ dù đã rời xa ngôi nhà Nhân Ái được hơn 2 năm nhưng những lời dạy của người thầy – người cha Nguyễn Đình Sơn tôi không bao giờ tôi quên.

Thầy Nguyễn Đình Sơn (phía trên) với đòn Tobi Yoko Geri
Thầy Nguyễn Đình Sơn (phía trên) với đòn Tobi Yoko Geri

Tôi tìm đến võ đường Nhân Ái (Một trong những võ đường dạy Karatedo lúc bấy giờ tại Tp. Huế) vào một chiều đầu đông với những hạt mưa lất phất không đủ ướt áo người qua đường. Là một cô gái, một sinh viên báo chí “chính hiệu” nên tôi cũng như lũ bạn của mình luôn muốn được học lấy một môn võ, vừa để phòng thân, vừa thể hiện mình “oai” hơn người. Mang cái tâm lý “ngông cuồng” đó, tôi chọn Karatedo – Một môn võ xuất xứ từ xứ sở hoa anh đào giàu truyền thống, lễ nghi, ý chí, tinh thần samurai. Môn võ Karatedo  đặc trưng là những đòn đấm, đá bằng chân tay.

Tôi được nhận vào võ đường Nhân Ái do thầy Nguyễn Đình Sơn chủ nhiệm. Thời gian đầu do chưa quen nên mỗi lần đứng tấn ở lớp về là tôi lại không thể đi lên cầu thang được, những đòn đá chân còn yếu và những bài quyền đầu tiên tôi đi cũng nước được nước mất. Nhưng thầy vẫn luôn tận tụy chỉ bảo tôi cũng như các huynh đệ rất nhiệt tình. Khoảng sau 2 tháng chuyên cần học tập thì tôi đã dần tiến bộ hơn hẳn. Những cú đấm và cú đá của tôi đã bắt đầu có lực hơn, chân tay cứng cáp hơn. Đặc biệt, đòn vòng cầu của tôi gây được ấn tượng với thầy.

Nhưng cũng từ đó, cái tôi, sự nông nổi trong tôi nhiều hơn. Đó là một lần ở giảng đường đại học, khi tan giờ môn các thể loại Báo chí chính luận, tôi đang đứng ở hành lang chờ lũ bạn cùng về thì một bạn gái học lớp toán “nhìn đểu” cái quần rách tôi đang mặc. Tôi đã áp dụng rất nhanh đòn đấm móc của buổi học ngày hôm qua tại võ đường. Hậu quả là bạn gái kia phải khâu 5 mũi dưới cằm, còn tôi vẫn “nhởn nhơ” như chưa có chuyện gì.

Những ngày tiếp theo tôi vẫn tiếp tục đến võ đường, vẫn học thêm những bài quyền mới. Thầy vẫn đi dạy bình, nhưng thầy không hỏi gì tôi về chuyện đánh nhau, vẫn yêu thương sư huynh đệ chúng tôi hết mực. Tôi cứ nghĩ thầy không biết chuyện tôi đánh nhau nên cứ im bặt cho qua. Rồi trong một buổi off cùng các sư huynh đệ trong võ đường, thầy đã đứng dậy, cất cao giọng trong trẻo của mình mà nói: “Võ học không phải để dánh nhau, để gây gổ, không phải để thể hiện mình mạnh hơn  kẻ yếu. Võ học là học rèn luyện ý chí, học sức chịu đựng, học lễ nghi  học đạo làm người. Đó là tâm huyết của thầy, thầy chỉ mong các con học được điều hay, lẽ phải, trở thành người có ích cho xã hội là thầy vui”.  Lúc đó tôi chỉ biết khóc trong im lặng, không thể dấu nổi sự hổ thẹn và hối hận của mình. Rồi chợt tôi òa khóc trước mặt thầy và các sư huynh đệ.

– Thầy ơi, con biết lỗi rồi, con xin lỗi thầy!

– Thầy biết rồi, thầy không giận con đâu. Hãy nhớ Võ học là học làm người – Người tốt, người có ích con hiểu chưa.

Thầy Nguyễn Đình Sơn (Thứ 3 từ phải sang) cùng các học trò tại thiền viện trúc lâm Bạch Mã)
Thầy Nguyễn Đình Sơn (Thứ 3 từ phải sang) cùng các học trò tại thiền viện trúc lâm Bạch Mã

Giờ đây tôi đã rời xa mái nhà Nhân Ái  được hơn 2 năm, nhưng hình ảnh về người cha già với thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt hốc hác vì thời gian, mái tóc điểm thêm những sợi bạc làm tôi không bao giờ quên.

Người cha già của chúng tôi đã bắt đầu bước vào tuổi 50 – cái tuổi đáng lẽ ra được nghỉ ngơi cùng con cháu, nhưng thầy vẫn hăng say tập luyện cùng học trò mỗi ngày.

Năm 2014 cơn bạo bệnh bắt đầu đổ lên người thầy, thầy vừa bị bệnh gan cộng thêm một vài bệnh liên quan đến thận khiến sức khỏe thầy yếu hơn. Chân tay, mặt mũi đều bị sung phù lên, không thể đi lại được. Dù nằm trong bệnh viện nhưng lòng thầy lúc nào cũng hướng về Nhân Ái, mỗi ngày thầy đều gọi điện hỏi xem các trò hôm nay học được gì. Có hôm sức khỏe đỡ hơn thầy còn trốn viện về thăm trò 30 phút rồi lại tức tốc vào viện. Nhìn thấy cảnh đó không ai có thể kiềm lòng. Rồi có hôm vì thầy “tham” đi dạy khi sức khỏe vừa mới bình phục, thầy đứng lớp được một ngày thì chân thầy tiếp tục phù thêm, thầy lại phải nhập viện sau đó.

Bây giờ rời mảnh đất cố đô trầm tĩnh với dòng sông Hương hiền hòa để đến lập nghiệp tại Thủ đô ồn ào náo nhiệt, lòng tôi không khỏi nhớ mong thầy cùng các sư huynh đệ. Hình ảnh về người cha có mái tóc điểm bạc, nụ cười hiền, ánh mắt có thần và dáng đi lanh lẹ làm tôi không sao quên được. Và giữa chốn phồn hoa đô thị này, trong đầu tôi luôn luôn vang vọng câu “Võ học là học làm người!”

Phan Thị Dương/ Hà Nội

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Thầy Nguyễn Đình Sơn (phía trên) với đòn Tobi Yoko Geri

Ảnh 2: Thầy Nguyễn Đình Sơn (Thứ 3 từ phải sang) cùng các học trò tại thiền viện trúc lâm Bạch Mã