Võ sĩ trẻ và bài học làm người

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

Không nói gì, nhưng học viên lớp không vắng đi nhiều, nhìn những nụ cười và sự nghiêm túc trên nét mặt mỗi lần bắt đầu buổi tập – các thầy tin rằng lập luận của mình đã thuyết phục được bọn trẻ chúng tôi…

1

Con đường đến đam mê

 Đa phần những đứa trẻ ban đầu đến với Võ thuật đều xuất phát từ sở thích… Có đứa xem phim hành động của Triển Chiêu, Lý Tiểu Long mà mê võ; có đứa được anh chị, cha mẹ cho đi xem người ta tập võ rồi thích được ra thế đi quyền; có đứa hay bị bạn bè trêu chọc rồi ức hiếp nên thích có võ để dọa lại cho “oai”; và cũng có đứa như tôi – vì mê trò công an “bắt cướp” nên đi học võ “cho giống chú công an”.

Những ngày đầu đến với Võ đường, có lẽ chẳng đứa trẻ nào suy nghĩ nhiều hơn chuyện được thầy nhanh chóng dạy cho “vài chiêu” đánh đấm rồi mơ ước được một lần thấy “thầy bay” như trong phim… Để rồi, từ cách thắt đai, cách xuống tấn chào, cách nắm nắm đấm cho đúng, cách di chuyển chân… cho đến đòn đấm đầu tiên trong đời phải nhớ để lật tay và dồn lực tại thời điểm nào… tất cả đều tạo nên khó khăn cho võ sinh mới nhập môn và không ít người thấy “nản”. Nhiều bạn nhỏ to hỏi nhau “học như thế này tới bao giờ mới giỏi”.

Câu hỏi đó – có lẽ chẳng ai trả lời được.

Nhưng những võ sư, bằng tâm huyết và tình yêu của mình, song song với việc dạy – họ đã truyền lửa.

Đầu tiên là lửa hi vọng. Các thầy thường nhắn nhủ rằng chỉ cách đây vài năm, các thầy cũng như mấy đứa bây giờ, mà học còn tệ hơn nữa; vậy nên chỉ cần cố gắng một thời gian, thầy tin các em sẽ rất giỏi, rất tuyệt vời…

Sau đó là lửa đam mê. Khi đã vượt qua những khó khăn ban đầu, đã học thuộc được bài quyền thứ nhất Heian Shodan (bài quyền số 1 Karatedo), suy nghĩ từ bỏ đã được thay thế bằng niềm đam mê và sự cố gắng… Không nói gì nhiều, nhưng học viên lớp không vắng đi nhiều, nhìn những nụ cười mỗi lần bắt đầu buổi tập – các thầy tin rằng lập luận của mình đã thuyết phục được bọn trẻ chúng tôi…

Cái nôi của sự chín chắn

Sau khi đã có niềm đam mê, chúng tôi bắt đầu hăng say tập luyện và dĩ nhiên, ở tuổi mới lớn, đây cũng là lúc chúng tôi thích thể hiện. Trên sàn tập thì thể hiện để được thầy khen, để bạn thấy mình cũng giỏi giang chẳng kém ai cả. Ở ngoài khóa học thì thể hiện để những đứa bạn cùng trang lứa “mù tịt » võ nghệ phải trầm trồ rằng mình là đứa ‘có võ’ ; thể hiện để những người đã từng ‘ăn hiếp’ mình phải ‘sợ’ mà ‘né’…

24483640

Dường như nắm bắt được tâm lý đó, xen kẽ trong những buổi tập, giờ giải lao trở thành giờ nói chuyện của thầy trò về tính kiên nhẫn, tính hiếu thắng, tính tự cao… Những câu chuyện nhỏ, những ví dụ giản đơn trong cuộc sống được thầy kể không ít lần khiến chúng tôi ‘giật mình’ thon thót vì cứ tưởng thầy đang nói mình…

Về sau, mỗi trận thắng bạn đồng môn khi đấu đối kháng, chúng tôi không còn thấy tự mãn; sau những trêu chọc hay khiêu khích của bạn bè trong trường, trong xóm chúng tôi không xuống thế ra đòn để ra oai nữa… Chỉ một thời gian ngắn thôi, tự trong thâm tâm mỗi người dường như nhận ra rằng mình đã biết kiềm chế rất nhiều. Và hơn hết, chúng tôi hiểu rằng – học võ trước tiên là để rèn luyện sức khỏe, để phòng vệ; sau đó phải xem khả năng mình đến đâu để đi tiếp chứ chẳng phải học võ là để ‘bay’ như trong phim hay để ra oai với mọi người…

Bài học lớn về cuộc đời

Những ai có thể ở lại với khóa võ cho tới đai nâu, đai đen và cao hơn nữa ? Võ sư bắt đầu nói chuyện nhiều hơn về những bài học lớn trong cuộc đời mà võ thuật mang lại.

Đó là chữ Tâm. Phải xác định ngay từ đầu đã học võ thì Tâm phải tịnh, đã học võ thì không dụng võ vào những mục đích không trong sáng. Cũng như ngày sau dẫu có lăn lộn như thế nào trong cuộc mưu sinh, dẫu làm bất kể công việc gì thì vẫn phải lấy chữ Tâm làm đầu mới mong có hậu những ngày sau…

a1b4a2b26ff450d05c4acfe31768917b

Đó là chữ Tài. Muốn biết võ thì không cần tài, có thể học vài ba tháng cho biết rồi bỏ. Nhưng muốn ở lại thì cần nhìn rõ khả năng của mình. Khả năng đó có thể do bẩm sinh, có thể do rèn dũa mà nên – nhưng dẫu thiên về bên nào thì cũng cần chú tâm phát huy mà đi tiếp.

Đó là chữ Nhiệt Huyết. Nếu ai đã có tâm và tài thì muốn đi đến cuối con đường cần phải mang trong mình nhiệt huyết, đam mê. Chẳng có con đường nào trải hoa hồng để ta đi về, nên dù là trên võ đài hay trong cuộc sống cũng cần quyết tâm cống hiến hết sức mình thì mới mong có ngày tài năng tỏa sáng.

Và chúng tôi – những võ sinh trẻ ngày ấy vẫn luôn canh cánh bên mình những bài học nhẹ nhàng mà sâu lắng thầy đã lẳng lặng đưa vào những buổi nói chuyện ngắn hằng ngày. Để giờ đây, mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại trong cuộc sống – chúng tôi lại tự mình an ủi mình rằng – chỉ cần có tài, có đức và có quyết tâm, cách cửa tương lai sẽ luôn rộng mở…

Lê Thị Hồng Mận/ Đà Nẵng