Võ thuật là đích đến của những giá trị nhân văn

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi.

Bỏ qua bao lời đồn đoán, dị nghị, chị luôn cố gắng để chứng minh cho mọi người thấy những hạt mầm đầu tiên chị gieo trên đất cằn sỏi đá đã bắt đầu cho quả ngọt. 

images779725Trang52jpg1_69174

Ở một vùng quê nghèo xa xôi vào những năm 1995 – 1996, chuyện gia đình cho con gái đi học võ là thực sự xa xỉ và nhiều gian truân, đó là chuyện “có một không hai”.

Thế nhưng, chị Yến – con thầy Tề vẫn không quản ngại khó khăn theo đuổi đam mê tới cùng. Bỏ qua bao lời đồn đoán, dị nghị, chị luôn cố gắng để chứng minh cho mọi người thấy những hạt mầm đầu tiên chị gieo trên đất cằn sỏi đá đã bắt đầu cho quả ngọt. Ấy là những tấm huy chương tại các giải đấu cấp huyện, cấp Tỉnh, mang lại tiếng thơm cho thôn xóm, xã nhà.

Đặc biệt, trong lần đi chơi cùng một thiếu nữ trong thôn – hai chị bị một nhóm thanh niên côn đồ chặn đường giở thói “yêu râu xanh” – may thay, bằng những ngón đòn điêu luyện, những thế võ Cổ truyền mềm mại mà dứt khoát, chị đã “khóa” tay chân và dạy cho bọn chúng một bài học.

Từ đó, câu chuyện về chị luôn được các mẹ, các bà lưu truyền như một cách dạy con gái tự bảo vệ mình trước những hiểm họa thường gặp trong cuộc sống. Tất cả lứa con nít của làng sau này đều biết rằng có được cơ hội đến với võ thuật là hoàn toàn do chị mang lại.

111112130112-110-620

Mẹ tôi cũng kể câu chuyện ấy khi con gái bà tròn 13 tuổi, tất nhiên bà khuyên nhủ tôi đi học võ.

Ngày đó, gia đình khó khăn. Mẹ phải vất vả gom góp từng đồng bạc lẻ để mua cho tôi bộ quần áo võ thuật mới rồi dẫn tôi đến lớp, nhờ thầy chỉ dạy.

Lớp học Karatedo ngày ấy được tổ chức ngay tại trường cấp II, với số lượng ban đầu khoảng 20 võ sinh – đều là những “đứa trẻ” lóc nhóc đen nhẻm. Thế nhưng, bằng đam mê và nhiệt huyết, các võ sư đã truyền lửa cho chúng tôi, giúp chúng tôi bước rất nhanh trên con đường múa đòn ra thế. Để rồi, sau khi chuyển về khóa võ lớn tại trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, chúng tôi – từ những đứa trẻ chưa biết gì – đã vững vàng bước lên sàn đấu của đơn vị, của huyện rồi của tỉnh. Có người dành được nhiều huy chương, có người được bằng khen, giấy khen, cũng có người thất bại như một chân lý bao đời nay giữa các trận chiến là có kẻ thắng, người thua.

Thế nhưng, là một người con nhà võ – chúng tôi hiểu rằng, học võ là học đạo, thắng không kiêu, bại không nản; và hơn hết thảy những thành tích, chúng tôi tin rằng tất cả những võ sĩ trong làng võ đều là anh em một nhà. Vì thế, mọi người luôn biết rút kinh nghiệm sau mỗi trận đấu, sau những giải đấu để tiếp tục sải bước hiên ngang trên chặng đường nhiều chông gai nhưng lắm ngọt ngào…

Nghi lễ cúi đầu chào trước khi bắt đầu buổi tập luyện
Nghi lễ cúi đầu chào trước khi bắt đầu buổi tập luyện

Và, mãi đến sau này, khi mỗi người đã chọn cho mình một công việc riêng để yên bề cuộc sống; hằng năm vào dịp Lễ Tết chúng tôi vẫn quây quần lại bên nhau, kể cho nhau nghe những bài học ngày xưa thầy thổi lửa vào. Đó là câu chuyện của một bạn làm nghề kinh doanh lấy chữ Tâm làm đầu, luôn mang đến cho khách hàng sự tin tưởng tuyệt đối với những lời hứa dứt khoát về sản phẩm của mình. Đó là câu chuyện của một bạn làm công chức lấy chữ Đức làm kim chỉ nam, luôn sẵn sàng cống hiến sức trẻ vì dân vì nước, chẳng nề hà sau trước mà từ khước khi khó khăn. Đó là câu chuyện của một bạn chuyên viết văn, luôn mượn đề tài và tình yêu võ thuật làm nền tạo nên những tác phẩm tuyệt hảo lôi cuốn người đọc. Là câu chuyện của một bạn trở thành võ sư, theo đuổi nghiệp dạy võ cho học trò, luôn hướng học trò đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ tinh túy nhất của Võ thuật…

Không phải là tất cả, nhưng dẫu ở ngã rẽ nào, chúng tôi vẫn luôn tin vào những bài học đầu đời mình học được từ khóa võ ấy, từ những trận đấu ấy. Để đâu đấy trong cuộc sống khó khăn, chúng tôi chẳng băn khoăn mà tự mình cho ra những quyết định dứt khoát – như ngày xưa trong mỗi bận đối diện với đối thủ trên sàn, chúng tôi phải biết thời điểm nào cần ra đòn để mang về chiến thắng. Và hơn hết, dẫu còn nhiều bộn bề, chúng tôi luôn để tâm hồn mình trong trắng – như ngày xưa thu nạp tinh hoa võ thuật, chúng tôi tin rằng dẫu chiến thắng hay thất bại thì thứ duy nhất còn lại vẫn là chữ Tâm và chữ Tài nên phải luôn miệt mài rèn dũa…

Để hôm nay, trong hành trang của mình, bên cạnh thiêng liêng tình mẫu tử, tình đất hồn quê, trái tim tôi chưa bao giờ vơi nhớ về tình đồng môn, đồng đội. Dội vào lòng tôi những bài học bổ ích, tôi biết – Võ thuật không chỉ là sở thích mà còn là đích đến của những giá trị nhân văn.

Lê Thị Hồng Mận/ Trần Phú, Đà Nẵng