Võ thuật và ước mơ phổ biến võ trong trường học

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

Tôi quyết định viết bài này vì muốn tâm sự những dòng suy nghĩ của mình và hy vọng nó sẽ đi đến được với nhiều độc giả cũng như những nhà chuyên môn, những người có thẩm quyền quyết định trong võ thuật dân tộc để truyền bá võ thuật cổ truyền một cách rộng rãi, mang tính chất đồng bộ đến giới trẻ chúng ta.

 Từ một người ngại giao tiếp, luôn tự ti về bản thân, hay than phiền, suy nghĩ luôn bí bách… Những điều này đã giết chết rất nhiều cơ hội cuộc sống mang lại cho tôi. Nhưng chính nhờ võ thuật, tôi đã trở nên hoàn toàn khác.

Tôi tự tin hơn, mạnh mẽ, quyết đoán, không ngại đám đông và trên hết, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt. Và rồi tôi cứ luôn tự hỏi: “Tại sao chúng ta không đưa võ thuật trở thành một môn học thể chất vào các trường học”. Mục đích để rèn luyện kỹ năng đồng thời giữ gìn tinh hoa võ thuật dân tộc?

Ngoài rèn luyện sức khỏe và tự vệ thì võ thuật còn mang lại rất nhiều điều “vô hình” cho người tập luyện, đó chính là việc giúp ta rèn luyện những phẩm chất tốt và loại bỏ những thói quen xấu, giúp bản thân mình tự lãnh hội những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống mỗi người.

Võ thuật và ước mơ phổ biến võ thuật trong trường học
Võ thuật và ước mơ phổ biến võ thuật trong trường học (Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet)

Vậy, kỹ năng cần thiết trong võ thuật đó là gì? Tôi xin phép được giải thích những điều “vô hình”  mà bản thân tôi cảm nhân được như sau:

– Các học sinh mặc bộ võ phục võ thuật cổ truyền là thể hiện niềm tự hào bản sắc dân tộc.

– Thắt đai là cách khiến em nâng niu thành tựu của bản thân

– Nhanh chóng xếp hàng đúng ví trị là cách bản thân em học được tính tổ chức

– Đứng thẳng lưng, ưỡn ngực, hai chân thật vững là cách giúp em biến mình trở nên tự tin

– Làm việc riêng, bị thầy phạt hít đất, đứng tấn hay bật cóc… là bài học trả giá cho những lỗi. Khiến các em có trách nhiệm trước hành động lời nói của mình đó là ý thức.

– Lớp võ là nơi ta giao lưu, trò chuyện với nhiều bạn bè cùng sở thích – ấy là  giao tiếp.

– Là lúc các em chảy máu chỉ để công phá viên gạch viên ngói, đó là bài học về giá trị của thành công, tự hiểu được rằng không có điều gì tự dưng đến, không có thành công nào không phải hy sinh sức lực, thời gian.

– Học một bài quyền, tập một cú đá là cách ta học tính kiên trì, nhẫn nại.

– Em múa một bài quyền bằng cả tâm lẫn sức sẽ tự cảm nhận được nghệ thuật võ  vô cùng nhạy bén.

– Trong một trân đấu em phải đối mặt với đối thủ, đó là học cách nói không với sợ hãi.

– Những giây phút ngắn ngủi trên sàn đài có thể đưa ta lên đỉnh vinh quang nhưng cũng có thể đặt ta xuống đất sâu. Cho nên sự tập trung luôn phải cao độ.

– Cùng các bạn dọn dẹp sân tập trước khi bắt đầu buổi tập . Em học được cách làm việc nhóm và giữ gìn vệ sinh môi trường.

 – Em được hét, em thả hết nỗi lòng vào tiếng hét sau mỗi quyền, mỗi cước. Điều này mang cảm giác thỏa mái hơn rất nhiều.

Tôi thiết nghĩ, các sân tập với những cánh tay dơ lên uể oải, những đôi chân không xoạc nổi cho những bài tập thể dục chỉ mang hình thức “đối phó” với nhiều học sinh sinh viên nên được thay thế bằng những môn võ. Vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện khả năng tự vệ cho cả nam và nữ, đồng thời chắc chắn đây là việc làm đắp lại lỗ hổng nền văn hóa võ thuật dân tộc trong đa số tầng lớp trẻ bây giờ.

Tôi và bạn là người yêu võ thuật, yêu tổ quốc, yêu những tinh hoa cha ông ta để lại, chúng ta sẽ phát triển nó chứ nhất quyết đừng để nó mất đi. Bản thân tôi xin hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong việc luyện tập, lên đai, chiến đấu, múa quyền và nhất là giúp đỡ những bạn khác trong quá trình luyện tập. Tôi tin, một ngày nào đó, khát khao truyền bá võ thuật và những cố gắng từ trong trái tim tôi sẽ được đền đáp thỏa đáng với thực tế người người học võ, nhà nhà học võ.

Lê Quang Tuấn