Evander Holyfield – nhắc đến cái tên này, ký ức của những người hâm mộ quyền Anh lâu đời bỗng ùa về, đầy đủ và chân thật. Holyfied là huyền thoại của làng quyền Anh hạng nặng, là chiến thần trên sàn đấu. Hơn thế nữa, Hollyfied còn gợi cho giới mộ điệu những cảm xúc bất diệt trên sàn đấu mà tất cả gói gọn trong một trận đấu tạm gọi “Trận đấu lịch sử”.

Đối với những người hâm mộ quyền Anh thế hệ sau, Holyfield có thể không nổi tiếng bằng Mike Tyson hay Mayweather, nhưng ông vẫn được xem là một trong những võ sĩ quyền Anh vĩ đại nhất lịch sử. Ông có một cá tính rất riêng và chinh phục khán giả thập niên trước bằng tài nghệ xuất chúng của mình. Cho đến tận ngày nay, nhiều đối thủ hẳn vẫn chưa thể quên những khoảnh khắc đau đớn khi “dính chưởng” của Holyfield.

Chiến thần trên võ đài

Evander Holyfield sinh ngày 19-10-1962 tại bang Alabama, Mỹ, là con út trong một gia đình có chín anh em, một gia đình hiếm hoi có đông con như thế ở nước Mỹ. Cái máu đấm bốc dường như đã ăn sâu vào chú nhóc Holyfield từ khi còn rất nhỏ, mỗi lần chơi đùa với các bạn đồng trang lứa cậu thường khiến các bạn phải “đo ván” và rất nhiều lần Holyfield phải ăn đòn vì những hành động hiếp đáp bạn bè này. Nhưng cũng chính từ những sở thích ban đầu đó, Holyfield đã kiên quyết trở thành một tay đấm “vang danh bốn… châu lục”.

Mới 12 tuổi Holyfield đã gia nhập làng quyền anh nghiệp dư. Ngay trong năm đầu tiên, Holyfield đã đoạt chức vô địch giải quyền anh trẻ cấp CLB. Chỉ một năm sau đó, cái tên Holyfield đã đến gần với công chúng Mỹ hơn khi anh xuất sắc vượt qua vòng loại để lần đầu tiên được góp mặt tại Olympic.

Kết quả hình ảnh cho evander holyfield wallpaper

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Holyfield là khi bước sang tuổi 15, anh giành quán quân giải vô địch vùng đông nam nước Mỹ, đồng thời sau đó được bầu chọn là tay đấm xuất sắc nhất trong năm của Mỹ. Đây là danh hiệu rất cao quí trong làng quyền anh, bởi khi ấy nước Mỹ vẫn là quốc gia đang thống trị làng quyền anh thế giới với những tay đấm da màu nổi tiếng.

Năng khiếu trời cho khiến sự nghiệp của Holyfield cứ lên như diều gặp gió. Chả mấy chốc, ông được lọt vào ĐT quyền Anh của Mỹ và có được tên tuổi với việc giành huy chương tại Oympic 1984. Nhưng sự nghiệp đỉnh cao của Holyfield bắt đầu khi ông chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp hạng Cruiserweight vào năm 1985. Ông giành danh hiệu đầu tiên của mình vào 1 năm sau, khi đánh bại Dwight Muhammad Qawi để chiếm đai WBA Cruiserweight.

Sau đó, ông quật ngã Ricky Parkey và Carlos De Leon để giành danh hiệu của Lineal, IBF và WBC, trở thành nhà vô địch Undisputed Cruiserweight Champion.

Cảm giác nhàm chán bởi những chiến thắng như chẻ tre trước các võ sĩ ở hạng cân này, Holyfield từ bỏ tất cả những chiếc đai vô địch của mình để chuyển sang thi đấu ở hạng cân nặng trên 79kg. Và cũng chỉ hai năm sau, Holyfield đã có ba chiếc đai vô địch WBA, WBC và IBF trước khi phải nếm mùi thất bại đầu tiên trong sự nghiệp và mất hết những chiếc đai này về tay võ sĩ Riddick Bowe, một trong những tay đấm vĩ đại nhất của quyền anh hạng nặng Mỹ. Tuy nhiên, đúng một năm sau, Holyfield trả được món nợ này tại Las Vegas và đòi lại được đai vô địch WBA cùng IBF.

Những năm sau đó, Holyfield bắt đầu thua trận nhiều hơn trong cái vòng luẩn quẩn bảo vệ rồi mất rồi đoạt lại được những chiếc đai này, nhưng anh vẫn đứng trong hàng ngũ những tay đấm đáng sợ nhất lúc bấy giờ. Cũng trong giai đoạn này, Holyfield đã có hai trận đấu để đời trước “võ sĩ thép” Mike Tyson.

Hơn cả một trận đấu – Đó là lịch sử

Mặc dù đẳng cấp của Mike Tyson là điều không phải bàn cãi bởi đã được cả thế giới thừa nhận. Ấy vậy mà cả hai lần đối đầu với Holyfield, Mike đều phải chịu những kết cục cay đắng. Vào năm 1996, bằng một loạt cú đấm uy mãnh, Holyfield đã hạ knock-out Bobby ở hiệp đấu thứ 6. Sau chiến thắng này, Holyfield gặp phải một thử thách lớn đó chính là lời thách đấu của võ sĩ rất nổi thời bấy giờ, Mike Tyson.

Đúng như dự đoán, trận đấu được đặc biệt chờ đợi giữa hai người đồng hương Holyfield – Mike Tyson đã diễn ra kịch tính và hấp dẫn. Cả hai võ sĩ đã thi đấu khá ngang ngửa. Sau hiệp đấu thứ 10 chưa phân định thắng bại, những tưởng trận đấu sẽ phải định đoạt nhờ tính điểm thì kết cục đã được phân rõ ở hiệp đấu thứ 11. Trong thế giằng co, bằng khoảnh khắc xuất thần, Holyfield đã tung những cú đấm trời giáng khiến Mike Tyson bị hạ đo ván.

Quá tức tối vì trận thua này, Mike Tyson đã hẹn một trận tái đấu, và ngay lập tức “Mike thép” có được điều mình muốn. Trận đấu diễn ra vào ngày 28/6/1997 và phần còn lại của trận đấu này đã trở thành lịch sử.

Lần này, người tạo nên lịch sử không phải Holyfield mà là Mike Tyson. Ấy thế, lịch sử đó chẳng mang mấy màu sắc tốt đẹp mà âm u, hệt như gương mặt của Mike Tyson lúc đó.

Trận đấu diễn ra được 3 hiệp, giữa lúc cao trào, Mike Tyson đã lao lên cắn vào tai Holyfield và ngay lập tức bị trừ 2 điểm. Bác sĩ vào sân và sau một lúc Holyfield thông báo có thể tiếp tục. Thế là trận đấu tiếp diễn trong tiếng hò hét của khán giả. Nhưng máu điên của Mike chưa dứt, “võ sĩ thép” đã tiếp tục thực hiện một pha cắn tai đối thủ, lần này còn nghiêm trọng hơn. Mike Tyson miệng đầy máu và nhả ra một mảnh tai của Holyfield.

Khán giả tại nhà thi đấu la lên kinh hoàng, chửi bới Mike Tyson vì hành vi quá xấu của mình. Chiếc tai của Holyfield đã bị rách khiến ông không thể tiếp tục thi đấu và được các nhân viên y tế đưa vào bệnh viện.

Tất nhiên, sau hành vi đáng lên án này, Mike Tyson đã lập tức bị xử thua. Và cho tới tận ngày này, người ta vẫn gọi đây là một trận đấu kỳ lạ nhất trong làng quyền Anh thế giới, đó vẫn là một ký ức không thể nào quên và được nhắc đến mãi về sau, một số người khác thì gọi đây là một “vết nhơ” đối với Mike Tyson. Trong ký ức của những người hâm mộ quyền Anh, khoảnh khắc mà chiếc tai của Holyfield bị cắn đứt là một trong những thứ lưu lại trong tâm trí lâu nhất.

Kẻ vĩ đại thầm lặng

Sau trận đấu điên rồ với Mike Tyson, Holyfield cho thấy tuổi tác bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến khả năng thi đấu của mình. Võ sĩ người Mỹ này chỉ thắng được hai trận trong tổng số chín lần thượng đài. Anh đã thua trước Lennox Lewis, John Ruiz và sau chuỗi ba trận thua liên tiếp trước Chris Byrd, James Toney, Larry Donald khiến Holyfield “qui ẩn giang hồ” gần hai năm vào năm 2004.

Sau đó, huyền thoại quyền Anh trở lại và thi đấu đến khi ông 50 tuổi. Trên thế giới ít có võ sĩ quyền anh hạng nặng trụ lại sàn đấu lâu như Holyfield. Dù cố níu kéo, cuối cùng cuộc chia tay của ông với võ đài đã đến.

Tháng 5/2011, Holyfield thượng đài với Brian Nielsen. Trận này ông giành chiến thắng. Sau đó ông cố liên hệ với anh em nhà Klitschko để thi đấu trận cuối, tri ân trước khi giải nghệ. Nhưng ở tuổi 50, chẳng một võ sĩ nào muốn đấu với ông nữa. Theo Bernd Bonte, quản lý của anh em nhà Klitschko, Vitali và Wladimir đều không muốn so găng với Holyfield. Ở tuổi 50, Holyfield khó có thể đứng vững được lâu trên võ đài. Ngoài lý do này, họ không muốn đánh với ông còn vì một lý do khác là sự tôn trọng.

Bonte tiết lộ, Holyfield là một trong những thần tượng của anh em nhà Klitschko và điều đó còn quan trọng hơn số tiền mà một trận đấu giữa Holyfield với Vitali hay Wladimir có thể mang lại. Như vậy, trận đấu với Nelson trở thành lần cuối cùng người hâm mộ thấy ông trên võ đài. Cách mà Holyfied chia tay người hâm mộ có điều gì đó chưa trọn vẹn và để lại nhiều tiếc nuối.

Sau gần 30 năm lăn lộn trên võ đài, Holyfield sẽ chính thức nói lời giã biệt vào bữa tiệc sinh nhật tuổi 50 tại Las Vegas.

Với nhiều người hâm mộ, Holyfield là võ sĩ vĩ đại mọi thời đại bởi ông từng thắng “con hổ thép” M.Tyson và là người đầu tiên sau huyền thoại M.Ali đạt tới rồi sau đó vượt qua mốc 3 lần vô địch hạng nặng thế giới. Ông để lại sự nghiệp lẫy lừng với 44 trận thắng, 10 trận thua, 1 trận hòa, 4 lần vô địch quyền anh hạng nặng thế giới, đoạt đai WBA, WBC, IBF năm 1990, các đai WBA và IBF năm 1993, đai  WBA năm 1996 và 2000.

Kết quả hình ảnh cho evander holyfield wallpaper

Không rùm beng như Mike Tyson hay Mayweather, Holyfield chiếm được cảm tình của người hâm mộ bằng một cách riêng, rất đặc biệt mà không lẫn vào đâu. Ông không hổ báo, ông ghi điểm trong lòng người hâm mộ bằng một lối đánh quyến rũ, rực lửa và đầy đam mê. Trong năm tháng đỉnh cao, mặc dù không có lợi thế về thể hình nhưng Holyfield vẫn khiến các đối thủ rùng mình với những cú đấm ngàn cân, tốc chiến tốc thắng. Holyfield được nhận xét là người có lối đánh ngang tàng, lỳ lợm, đã ra đòn thì mạnh mẽ như vũ bão và giống hệt như một chiến binh, ông chưa từng biết sợ là gì.

Những trận đấu của ông thu hút một nửa tỷ khán giải theo dõi qua hệ thống truyền hình trả tiền. Tính đến nay, ông đứng thứ 3 trong tốp 4 võ sĩ hút khán giả truyền hình nhiều nhất trong lịch sử quyền anh nhà nghề với tổng thu từ các hợp đồng truyền hình trực tiếp 14 trận đấu lên đến 543 triệu USD. ông đứng trên Mayweather (540 triệu USD, 9 trận) và đứng sau Oscar De La Hoy (610,6 triệu USD, 18 trận) và Mike Tyson (545 triệu USD, 12 trận).

Tiêu tiền như công tử Bạc Liêu

thời kỳ đỉnh cao, cái giá mời được Holyfield thượng đài không dưới 20 triệu USD. Cá biệt như trận đấu đỉnh cao với Mike Tyson, Holyfield còn được trả đến 35 triệu USD. Tính chi li hơn, thì trong suốt một thập kỷ rong ruổi và tạo nên sự nghiệp bất hủ, Evander Holyfield đã kiếm được tổng cộng 350 triệu USD từ các khoản thưởng, quảng cáo hay làm đại diện hình ảnh. Với khoản thu nhập khổng lồ ấy, Holyfield lẽ ra đã có thể sống trong nhung lụa đến hết cuộc đời mình. Nhưng rồi, điều không ai ngờ xảy ra, chính cuộc sống xa hoa không điểm dừng lại đẩy Holyfield xuống bùn đen.

Năm 2009, khi Holyfield lần đầu tiên đệ đơn xin được phá sản, người ta mới lần đầu được biết về khoảng tối trong đời sống của nhà vô địch này. Kiếm tiền quá dễ dàng và có trong tay hàng trăm triệu USD, Holyfield vung tay chi hàng chục triệu USD để mua ngôi biệt thự 109 phòng ngủ và 17 phòng tắm làm nơi nghỉ dưỡng cho mình.

Kết quả hình ảnh cho evander holyfield poor

Chính ở ngôi biệt thự đó, anh đã trải qua những cuộc tình một đêm chóng vánh, những cuộc hôn nhân thay như thay áo với liên tục 5 người đàn bà khác nhau. Hậu quả đời sống tình cảm trác táng ấy là 11 đứa con mà Tòa án Liên bang Mỹ buộc Holyfield phải có trách nhiệm chu cấp đến tuổi trưởng thành và hàng chục triệu USD tiền chia tài sản sau mỗi vụ ly dị.

Nhưng những khoản chi ấy mới chỉ là phần nhỏ làm tiêu tán số tài sản hàng trăm triệu USD của Holyfield. Người quản lý cũ của tay đấm 50 tuổi kể lại rằng thân chủ của ông từng sẵn lòng bỏ ra vài triệu USD chỉ để nhờ Chevrolet thửa riêng cho một chiếc Chevrolet Corvette đời 1962 (đúng năm sinh của Holyfield) để thỏa mãn đam mê. Vi vu trên chiếc xe đắt tiền ấy, sau những giờ phút đổ mồ hôi trên sàn tập, Holyfield vùi mình trong cuộc chơi đỏ đen tại các sòng bài Las Vegas. Một nhân chứng khi trả lời báo chí Mỹ đã kể lại: “Khi Holyfield đến một sòng bài tại thành phố Atlantic, anh ta đã nướng gần 2 triệu USD chỉ trong có một đêm đen đủi”.

Khi Holyfield còn trẻ và ngự trên đỉnh cao sự nghiệp, tiền vẫn chảy về túi anh đều đặn, không một ai mảy may quan tâm đến những cuộc chơi trác táng, những trò đốt tiền đúng kiểu công tử Bạc Liêu này. Nhưng khi tuổi đã cao và mật độ tham gia các trận đấu đỉnh cao thưa thớt dần, Holyfield bắt đầu cảm nhận được áp lực của sự khánh kiệt. Khoản chu cấp lên đến hàng triệu USD mỗi năm cho 5 bà vợ và 11 đứa con, chi phí trang trải cuộc sống xa hoa của anh bỗng trở thành gánh nặng. Số tài sản khổng lồ 350 triệu USD, quay đi quay lại đã hết veo. Còn Holyfield, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Hình ảnh có liên quan

Ngập trong nợ nần, Holyfield buộc phải đem đấu giá nhiều kỷ vật tại Los Angeles trong tháng sau. Đó là bộ sưu tập những đai vô địch hạng nặng của WBC, WBA, IBF, những đôi găng, quần, dây đai mà Holyfield từng sử dụng trong những trận so găng nổi tiếng. Chẳng hạn như 3 trận gặp Riddick Bowe, 2 trận gặp Lennox Lewis và cuộc so găng tai tiếng với Mike Tyson.

Ngoài ra, Holyfield cũng phải nói lời chia tay với chiếc Chevrolet đỏ được sản xuất vào năm sinh của ông là 1962. Ngay cả khi bán hết những kỷ vật này theo mức giá được dự báo là 5 triệu USD, Holyfield cũng chỉ mới trả được một nửa trong số tiền nợ 10 triệu USD.

Hy vọng cho Holyfield là ông sẽ không đơn độc trong cuộc sống này, khi tiền bạc đã rời bỏ ông ra đi. Thậm chí, Tyson, võ sĩ từng cắn tai ông trong cuộc so găng tai tiếng trước đây và cũng đang nỗ lực làm lại cuộc đời, đã tỏ ý muốn giúp đỡ người bạn của ông. Holyfield tuyên bố: “Tôi giờ chỉ còn biết hy vọng”.

Bỏ qua những chuyện ngoài võ đài, chúng ta không thể phủ nhận rằng Evander Holyfield là một võ sĩ vĩ đại. Không ồn ào và nhiều scandal như những võ sĩ quyền Anh tiếng tăm khác, Holyfield chứng minh bằng khả năng trên võ đài. Giờ đây, cũng như Mike Tyson, ở tuổi 57, ông đang làm lại cuộc đời, xây dựng từ những điều nhỏ nhất.

Có thể, thời gian đã đi qua, những điều trong quá khứ không còn nữa nhưng dấu ấn và những điều tuyệt vời mà Evander Holyfield để lại cho làng quyền Anh là không thể phai nhòa dẫu cho quyền Anh sau này có những tay đấm tên tuổi nổi lên. Sau cùng, ở tuổi 57, Evander Holyfield đã có thể tận hưởng cuộc sống bình thường với những điều nhỏ nhặt. Chúc ông có một cuộc sống an yên và vui vẻ – quý ngài Holyfield.

Hoài Phương (Tổng hợp)