Hỏi đáp: Tay bị cán vá có thể tập võ – thể thao được hay không?

Khớp cùi chỏ bị cán vá (nhiều người ở miền Nam hay viết và gọi nhầm thành “cán giá”) là một dạng dị tật do di chứng chấn thương rất thường gặp, và cũng là nỗi băn khoăn lớn cho nhiều người đang luyện tập võ thuật.

Những chấn thương khớp thường gặp khi tập thể hình

Những chấn thương kinh hoàng trên sàn đấu võ thuật

Một điều rõ ràng rằng cánh tay cán vá không có cấu trúc vững chắc như một cánh tay bình thường được. Nhưng liệu những người sở hữu cánh tay này có thể tiếp tục tập luyện võ thuật được hay không?

Một cánh tay bị cán vá

Trước hết, cần hiểu rõ nguyên nhân của tay cán vá. Nhiều người cho rằng cán vá là một dị tật bẩm sinh, nhưng sự thật đây lại là “thành quả” của những trường hợp chấn thương (va đập, té ngã…) ở trẻ nhỏ, do không được điều trị đúng cách nên phần sụn phát triển không như bình thường, khiến hai đầu xương càng lớn lên càng tạo nên dị dạng và khiến khớp tay không còn thẳng. Một số ít trường hợp tay cán vá hình thành do bệnh còi xương, nhưng nguyên nhân chính vẫn là  tai nạn. Do cánh tay cán vá hình thành từ từ sau nhiều năm nên nhiều người nhầm tưởng nó là hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh, chứ không phải là di chứng chấn thương.

Vậy liệu người bị cán vá có thể tập võ được hay không?

Hãy xét qua từng trường hợp sử dụng đôi cánh tay trong võ thuật:

Các đòn đấm thẳng

Đây là động tác gây ảnh hưởng lớn nhất đến cánh tay bị cán vá. Do các vị trí mặt tiếp xúc của cú đấm – cổ tay – cùi chỏ – vai không thẳng hàng nên phản lực của cú đấm có thể dội ngược trở lại và gây chấn thương lên khớp cùi chỏ vốn đã cong sẵn. Trong trường hợp xấu hơn, cú đấm có thể bị đè thêm trọng lượng đối thủ đang lao tới. Đã có trường hợp ghi nhận gãy khớp cùi chỏ (bị cán vá) khi đấm thẳng quá mạnh.

Những cú đấm thẳng bằng cánh tay cán vá có thể để lại chấn thương nghiêm trọng. Trong hình là một cánh tay bình thường. Thế nhưng nếu đó là một cánh tay cán giá hình chữ V thì sao?

Giải pháp: Bạn nên tránh các môn thể thao sử dụng động tác đẩy tay, còn trong võ thuật nên tránh các môn chuyên về đối kháng như Boxing, Muay Thái… Tuy nhiên, nếu vẫn muốn tập, bạn vẫn có thể cố gắng tập luyện kỹ lưỡng với cách riêng của mình: tập cho những cú đấm thẳng không duỗi hết khớp cùi chỏ. Cố gắng căn chỉnh sao cho góc mở của khớp cùi chỏ vừa đủ để cánh tay tạo một đường thẳng – cấu trúc tốt nhất để khớp có thể chịu lực va chạm. Các tay đấm Boxing chuyên nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm cho người bị cán vá tập các đòn đấm thẳng thậm chí không được mở hết góc cùi chỏ (tay dừng khi chưa tạo thành đường thẳng) để tránh các trường hợp xui xẻo cánh tay đi “lố đà”. Tuy nhiên, cách này sẽ làm uy lực và tầm với của cú đấm giảm đi đáng kẻ.

Sử dụng binh khí, công cụ nặng…

Trong các bộ môn võ thuật dùng binh khí (quyền biểu diễn Vovinam, Võ cổ truyền…) hay các môn thể thao sử dụng công cụ nặng (Tennis, bóng chày…), các cử động rất phức tạp và có thể tồn tại nguy hiểm. Nên nhớ, nếu bạn bị cán vá, khớp tay bạn cơ bản là đã yếu hơn người bình thường không ít cũng nhiều.

Đây là những gì bạn có thể nhận được khi tung một cú đấm thẳng bằng tay cán vá.
Đây là những gì bạn có thể nhận được khi tung một cú đấm thẳng bằng tay cán vá.

Giải pháp: tập luyện thật kỹ các kỹ thuật, động tác, và trong thời gian biểu diễn binh khí hoặc chơi thể thao, tuyệt đối chỉ tuân thủ các động tác đã học. Khi tập luyện một kỹ thuật – động tác, hãy bắt đầu với tốc độ và sức mạnh hạn chế. “Lắng nghe” cơ thể mình trả lời. Nếu bạn thấy đau cùi chỏ, đó chính là câu nói “Tránh động tác này đi, nó đang bẻ khớp cùi chỏ quá mức”.

Các động tác võ thuật – thể thao khác

Cũng giống như phần trên, các chuyển động rất phức tạp và không phải chuyển động nào cũng gây hại đến khớp cùi chỏ bị cán vá. May mắn hơn là trong nhóm này (các bài biểu diễn quyền tay không, các môn thể thao không dùng dụng cụ nặng….), khớp cùi chỏ của bạn không phải gánh chịu cường độ chuyển động quá lớn.

Giải pháp: cũng như trên.

Giải pháp triệt để cho tay cán vá

Tăng cường tập luyện cơ tay

Rất dễ hiểu – khi khớp bạn dã yếu thì cơ bắp khỏe, dẻo dai có thể bổ trợ phần nào. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp tối ưu.

Phẫu thuật chỉnh hình

Nếu thực sự đủ điều kiện để “bái bai” cánh tay cán vá của mình, bạn cũng có thể tham khảo tại Khoa chỉnh hình của các Bệnh viện uy tín.

Lời kết: Với cánh tay cán vá, bạn vẫn có thể tập luyện thể thao và võ thuật được, nhưng phải chú ý bài bản và những lưu ý đặc biệt đã được liệt kê ở trên. Ngoài ra, nếu bạn đang là một phụ huynh có con nhỏ, hãy cẩn thận và để ý đến các chấn thương – đặc biệt là vùng cùi chỏ của con. Những vết bầm đơn giản bạn đang thấy sau 5 hoặc 10 năm có thể sẽ là một cánh tay cán vá hết sức phiền phức.

Y.N