Làm gì khi mất động lực – tinh thần tập luyện võ thuật?

Động lực – tâm lý luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tập luyện võ thuật, cũng như mọi bộ môn thể thao khác. Thế nhưng, ắt hẳn trong số chúng ta ai cũng đã từng có lúc mất đi yếu tố đó, đôi khi vì những thất bại, đôi khi chỉ đơn giản là vì một sự hụt hẫng nào đó. Vậy chúng ta phải làm gì?

Lời khuyên – luyện võ dài lâu, hãy chú ý đến xương khớp

Lời khuyên – làm sao để tập võ mà không bị sụt cân?

1: Nghỉ ngơi

Đôi khi sự nản lòng đến từ việc bạn đã thực sự kiệt sức, không phải chỉ vì võ thuật. Khi bạn đã quá đuối sức với việc tập luyện, bên cạnh đó là hàng đống rắc rối từ gia đình, cuộc sống… những gì bạn tiếp tục chịu đựng chỉ là sự mỏi mệt. Đôi khi dừng chân một chút, tự thưởng cho mình vài ngày nghỉ ngơi. Nếu trong những ngày đó bạn cảm thấy nhớ chiếc bao cát, nhớ giờ tập trên CLB đầy tiếng cười, thì bạn đã tìm ra vấn đề của mình rồi đấy!

2: Tự xét lại mình về mục đích tập luyện võ thuật 

Có nhiều lý do để tập luyện võ thuật: vì bạn thích bạo lực, vì bạn thích khỏe, vì bạn thích nghệ thuật trong võ, vì muốn tự vệ, hay…đi tập võ vì có bạn rủ đi tập.

Mỗi bộ môn võ, mỗi đẳng cấp trình độ của CLB (phong trào, chuyên nghiệp, đội tuyển), và thậm chí là mỗi tính cách của người thầy chỉ phù hợp với một lí do nào đó. Nếu bạn yêu thích tính va chạm trong võ thuật đối kháng mà bị nhốt mình trong một lớp võ, một môn võ chuyên luyện quyền thì việc bạn cảm thấy nản và thiếu động lực là điều dễ hiểu.

Hãy tự xét lại mình, hãy chọn ra câu trả lời chính xác và duy nhất: Bạn tập võ để làm gì? Khi bạn đã nhìn rõ mục đích của mình, bạn sẽ sớm hiểu rằng CLB hiện tại có cho bạn cơ hội đến với mục đích của bạn không. Nếu không, hãy sẵn sàng thay đổi. Đổi CLB, hay thậm chí đổi môn võ.

Có thể bạn là một võ sĩ tuyệt vời, một người rất có tiềm năng, thế nhưng chưa đi đúng con đường.

Nếu bạn đã muốn đi tập võ, chắc chắn bạn đã yêu thích một “thứ gì đó” trong võ thuật. Nhưng nếu bạn không nhận ra mình thực sự thích điều gì, những pha nhấp nhử ra đòn của Boxing, những cú đá tốc độ và hóc hiểm của Taekwondo hay sự lấn lướt càn phá của Muay Thái… và rồi bạn chọn một bộ môn không thực sự phù hợp với tính cách của bạn, chuyện thiếu động lực vẫn có thể xảy ra.

3: Xem phim võ

Dĩ nhiên võ thuật trên màn ảnh không hoàn toàn giống với võ thuật ngoài đời thực, thế nhưng cách những nhà làm phim sắp xếp nó, cường điệu nó, đặt võ thuật vào bối cảnh hoàn hảo của âm thanh, chuyển động, và thậm chí cảm xúc nhân vật nữa, đó là liều thuốc tuyệt vời để kích động tinh thần – động lực tập luyện võ thuật của bạn.

Xem phim võ cũng là một ý hay!

Dĩ nhiên, bạn cũng cần chọn loại phim phù hợp, từ “ảo lòi” như kiếm hiệp, các phim võ thuật – hành động hiện đại của Trung Quốc, Thái Lan, hoặc Âu Mỹ.

Mách nhỏ: nếu chưa biết nên chọn xem phim nào, bạn có thể tham khảo thêm tại chuyên mục Phim võ thuật.

Hoặc, nếu như không có hơn một giờ đồng hồ để xem phim thì bạn cũng có thể gõ từ khóa này trên Youtube: “motivation music workout”

4: Đặt mục tiêu cho bản thân

Tập luyện là một con đường dài, nơi mục tiêu là điểm đến, và bạn bắt đầu từ con người của ngày hôm qua. Bạn luôn biết mình là ai, cơ thể như thế nào, kỹ năng ở mức nào, nhưng nếu không có mục tiêu cho bản thân, việc tập luyện của bạn sẽ quẩn quanh trong vô vọng và thiếu động lực.

Đặt mục tiêu, và theo đuổi nó. Đó chính là khởi nguồn của động lực.

Hãy đặt mục tiêu cho bản thân, nhỏ cũng được.. Chẳng hạn như trong 3 tháng phải đủ khả năng đánh Box với người bạn nào đó có trình độ cao hơn, trong 6 tháng phải chịu đựng được một routine bài tập dài 30′, hoặc trong 1 năm phải đủ khả năng để cùng CLB đi giao lưu thi đấu với các CLB khác. Những mục tiêu như thế chính là điểm đến trên hành trình tập luyện, và từ đó tạo nên động lực để tập luyện.

Y.N