Lời khuyên – tự tập đấm vào đầu, nên hay không?

Lời khuyên sau đây đến từ một trong những tranh cãi đã từng sôi nổi nhất cộng đồng võ thuật: Có nên tập đấm vào đầu hay không?

Lời khuyên: nên làm gì khi bạn không tự tin vào đòn đá của mình?

Vài lời khuyên về việc giữ sức khỏe xương khớp trong võ thuật

Tranh cãi này đến từ video clip (xem bên dưới) tại một phòng tập, ghi lại cảnh HLV yêu cầu học trò xếp hàng để…chịu những cú đấm vào đầu. Thoạt nhìn, chúng ta có thể cho rằng bài tập này mang mục đích tập cho các võ sĩ khả năng chịu đựng những cú đấm, giảm khả năng bị knock out theo nguyên lý “chịu nhiều sẽ quen” ?!?!?

Video này liên tục hứng chịu nhiều phản hồi từ cộng đồng, kể cả các võ sĩ, HLV nổi tiếng. “Đây là kiểu tập quái đản nhất tôi từng thấy”. “Chỉ gây chấn thương não chứ không có tác dụng nào khác”, “Chắc HLV bày trò để được đấm cho sướng tay?”.

Boxing có thể gây ra tổn thương lớn với vùng đầu, não bộ.

Đúng hay sai? Hãy cùng tìm hiểu.

Trước hết, nguyên lý “chịu nhiều sẽ quen” là có thật, nhưng chỉ ở mức độ tương đối. Nói đúng hơn, đây là phương pháp “tập với những giới hạn chịu đựng tăng dần từ mức bình thường” để cơ thể làm quen với những va chạm, cử động mạnh… Cũng giống như những người tập thể hình có thể tăng dần khối lượng tạ, về cơ bản, cơ thể cũng có thể dần tăng khả năng chịu đựng va chạm, nếu như tập chịu đựng điều đó từ mức độ nhẹ đến nặng.

Thế nhưng, điều này không hoàn toàn đúng với cả cơ thể. Chẳng hạn, cơ bắp và xương là những phần cơ thể có thể tập luyện theo kiểu này. Để tập luyện sức chịu đựng cho cơ bắp và xương, các bộ môn võ thuật đã mất hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm và cả những bài học xương máu, từ từ đúc kết ra những cách tập an toàn, hiệu quả, với các yếu tố bổ trợ như thuốc, dụng cụ thích hợp, cách điều chỉnh bài tập. Trong Karate – một trong những bộ môn đòi hỏi sự khổ luyện và va chạm bậc nhất thế giới cũng có những bài tập, phương pháp khoa học và bài bản, chứ không chỉ đơn giản là…”đập nhiều rồi quen”.

Nếu được tập luyện đúng cách, cơ và xương người có thể chịu đựng va chạm tốt hơn.

Thêm một vấn đề: não không giống như cơ bắp hay xương. Các sợ cơ có thể hồi phục sau khi chấn thương. Xương có thể sẽ trở nên cứng hơn sau khi bị va đập và nứt nhẹ (đây cũng chính là cách Muay Thái tập luyện xương ống chân). Thế nhưng, các tổn thương não do va đập vào đầu lại gần như không thể tự hồi phục theo thời gian, từ đó phá vỡ nguyên lý “chịu nhiều thì quen”. Đừng quên rằng với những đôi găng Boxing, va chạm lên bề mặt hộp sọ sẽ giảm đi, nhưng chấn động lan vào não lại mạnh hơn rất nhiều.

Mỗi năm, có khoảng 40 võ sĩ Boxing chết vì các chấn thương trên sàn đấu hoặc tập luyện. Trong quá khứ, con số này đã từng bị đẩy đến 100. Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ tác hại khủng khiếp của những cú đấm vào vùng đầu. Các võ sĩ chuyên nghiệp đẳng cấp huyền thoại như Manny Pacquiao, Floyd Mayweather – những người vốn sẵn sàng tâm lý chấp nhận mất mạng vì sự nghiệp Boxing cũng phải sử dụng mũ bảo hộ trong khi tập luyện. Vì sao chúng ta- hầu hết là những người tập luyện ở cấp độ dưới mức chuyên nghiệp, lại có thể bỏ qua sự an toàn này?

Huyền thoại Boxing Manny Pacquiao mang mũ bảo hộ đầu trong một buổi đấu tập.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Boxing là tập luyện cách đối phó với những cú đấm của đối thủ, bao gồm cách di chuyển thích hợp, phòng thủ chắc chắn kể cả khi ra đòn, các động tác tránh đòn của Boxing. Riêng với trường hợp trực tiếp chịu đựng cú đấm mà ta không thể (hoặc không kịp) tránh/đỡ, chúng ta cũng có những phương án như các tư thế chịu đòn đúng cách hay tập luyện cơ cổ để giảm việc đầu bị rung lắc dẫn đến knock out. Thế nhưng, đây vẫn là những phương án vạn bất đắc dĩ, những kiểu “lá chắn cuối cùng” bảo vệ bạn trước khi bị đối thủ tiễn vào giấc ngủ bằng những cú đấm vào đầu. Việc tập đấm vào đầu một cách trực diện, không che chắn, không tư thế thích hợp… là bài tập hoàn toàn phản khoa học, có thể mang lại những hậu quả nặng nề như tổn thương não, rối loạn thần kinh, bệnh parkinson, thậm chí là đột tử.

Hồ Võ