Sự kết hợp hài hòa của binh khí có nguồn gốc nông nghiệp với võ thuật

(VoThuat.vn) – Ngoài các vũ khí (hoặc được xem là vũ khí) bất ly thân, luôn gắn kết với người sử dụng, có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi một cách đa dạng, phong phú, biến hoá và khả hiệu là tay và chân – Võ sinh Võ Cổ truyền Việt Nam còn tập luyện với những loại vũ khí đặc trưng khác và có sự kết hợp cực kỳ ăn ý với các thế võ và được lưu truyền từ xưa cho đến nay.

Các võ phái Việt Nam truyền thống nổi tiếng với nhiều loại binh khí được chế tác từ các dụng cụ thô sơ trong nghề nông nhưng lại rất lợi hại. Sau đây là một số loại vũ khí đặc trưng:

1. Thiết lĩnh (Binh khí Việt cổ)

Kết quả hình ảnh cho Thiết lĩnh

Thiết Lĩnh là một loại binh khí cổ truyền của Việt Nam. Thiết lĩnh căn bản là giống như một cây gậy bình thường nhưng được gắn thêm một đoản khúc nối bằng dây xích hoặc dây thừng. Tương truyền món vũ khí này được phát triển từ một dụng cụ nông nghiệp gọi là Néo, chuyên dùng để đập lúa.

Thiết lĩnh sử dụng như côn bình thường, ngoài ra có thể dùng phần đoản khúc vào nhiều mục đích khác. Phần này tạo sự linh hoạt, dùng để câu móc vũ khí đối thủ, thậm chí áp chế được cả thương. Trên chiến trường, phần đoàn khúc rất thích hợp để đánh giật chân đối thủ hoặc chân ngựa. Đặc biệt, người sử dụng có thể nắm phần đoản khúc rồi huơ vòng phần gậy để đả thương nhiều đối thủ, phá vòng vây.

Kết quả hình ảnh cho Thiết lĩnh

Sách Người Việt Đất Việt, phần Võ nghệ và Binh bị của Cửu Long Giang và Toan Ánh, Nhà xuất bản Nam Chi tùng thư viết về Thiết lĩnh như sau: “…Chỗ nối liền hai mẹ con thiết lĩnh có vòng khuyên sắt. Lúc sử dụng tùy nơi rộng hẹp, cầm cây mẹ vung đánh bằng cây con hoặc cầm cây con vung đánh bằng cây mẹ. Thiết lĩnh đánh rất mạnh, các thứ khí giới khác gặp thiết lĩnh chống trả thật khó vì thiết lĩnh là thứ khí giới mạnh mà có tính cách mềm nhưng lại rất lợi hại….”

Thiết lĩnh thuộc họ nhà côn, nên kỹ thuật thiết lĩnh có một phần giống côn, nhưng vì có hai đoạn, một dài, một ngắn, làm cho thiết lĩnh có tính cách đặc thù trở nên lợi hại, nguy hiểm hơn. Phép đánh binh khí của người Việt là võ trận, lấy yếu chống mạnh, ít chống nhiều, khinh linh ảo diệu phù hợp vóc dáng, thể tạng của người Việt Nam. Sử dụng thiết lĩnh khó hơn sử dụng côn, roi một phần. Thiết lĩnh “múa” lên tiếng gió rít vù, lực ly tâm từ đoạn nhỏ với đoạn lớn tạo ra âm thanh vun vút.

Các kỹ thuật căn bản của Thiết lĩnh có: đánh, bổ, đập, quất, quấn, quét, đâm, thọc, phất, bắt, khắc, quay tròn trên đầu, múa hoa, tạt, tém, đỡ gạt,…

Ngoài ra, một vài vũ khí khác có cách đánh căn bản giống côn và làm từ vật liệu vùng nông thôn như: Giáo: là loại vũ khí dài khoảng 2 – 2,5m bằng một loại tre đực đặc ruột có đầu vót nhọn bịt kim loại, dùng trong trận mạc. Cách đánh như côn, nhưng lợi thế hơn ở chỗ có mũi nhọn để đâm. Tương truyền đây là vũ khí đắc dụng của nghĩa binh Mai Xuân Thưởng, vì vùng nông thôn Bình Định rất sẵn tre.

2. Bút chì, bút sắt

Bút Chì là món Binh khí đặc biệt, thuộc loại Binh khí cứng chắc và cán dài, còn được gọi là Cái Mai hoặc Ngọn Mai, phôi thai từ “ Xẻn Xúc Đất lưỡi dẹp”. Nó là một vũ khí có cán và đầu bịt sắt. Thường người sử dụng có thể dùng cán mai đào đất làm bút chì. Cuối cán bút chì có buộc một sợi dây mảnh và chắc.

Đó là loại binh khí sáng chế từ nông thôn đất Việt đã lâu lắm rồi, tuy vậy, binh khí bút chì rất ư lợi hại. Phương pháp sử dụng  Bút Chì không khác phương thức sử dụng Mái Chèo miền duyên hải Việt Nam, nhưng đặc điểm là  Bút Chì  có buộc một đầu giây thừng dài mấy sải tay vào Đốc cán Mai và đoạn giây thừng còn lại được quấn vào cổ tay trái là tay cầm phía Mai khố trong khi tay phải thì nắm giữ Đốc Mai. Vì vậy ta vừa có thể đánh gần lại có thể đánh xa bằng cách ném-phóng và thâu-hồi. Khi giao đấu, đầu sợi dây buộc chặt vào cổ tay người sử dụng để sau khi phóng ra có thể thu hồi bút chì về lại. Người lão luyện có thể trong chớp mắt phóng ra và thu về.

Tương tự bút chì , Bút sắt: Là một ngọn giáo hoặc ngọn mác, đầu bọc thép, thân bằng gỗ, tre gai hoặc mây cây đặc ruột rất cứng, có độ uốn và bật rất khỏe. Khi giao chiến thì sử dụng thay ngọn giáo. Lúc bất ngờ, người sử dụng uốn cong cây giáo rồi lựa chiều thả bung ra lao vào kẻ địch. Sức bật cong với đà lao khiến đối thủ khó mà tránh né. Tuy nhiên, phải thành thạo lắm mới dám dùng chiêu thức này vì khi phóng ra mà không lấy được mạng kẻ địch thì vũ khí không thể thu hồi lại được và ta chỉ còn tay không. Phần nhiều sử dụng phóng bút là lúc tháo chạy, đánh lấy chiêu thức cuối cùng, hoặc nhân lúc bất ngờ đánh ra một ám khí. Đây là hai món binh khí đòi hỏi công phu luyện tập để có thể ném phóng được chính xác.

3. Tề mi côn

Hình ảnh có liên quan

Tề mi côn là loại côn ngắn tới ngang chân mày người tập, thịnh hành trong các võ phái cổ truyền Việt Nam. Các hệ phái võ thuật ở Bình Định còn gọi Tề mi côn là Roi chiến bởi nó là loại vũ khí khá tiện ích.

Kỹ thuật đánh côn rất đa dạng: có thể là loan hay khuyên (quay tròn), chặn, đả (đánh), thương (đâm), bật, xiết (thường ứng dụng với côn nhiều khúc) v.v. Nguyên lý sử dụng côn thường dựa trên cơ sở lực ly tâm khi đánh và phản lực khi giật.

Côn có hình dạng rất phong phú tùy theo mục đích và thói quen sử dụng của người tập, nhưng thường thấy côn có hai đầu tròn đường kính bằng nhau, có một độ dài đa dạng và thường hiếm khi có quy ước cụ thể đầu côn hay đuôi côn.

Tuy nhiên, một số loại côn có đầu và đuôi côn bằng nhau nhưng thân giữa hơi phình to một chút, một số loại côn khác lại có đầu to hơn đuôi, như côn nhị khúc hay song hổ vĩ côn. Chất liệu làm nên roi là tre, mây, gỗ, đồng thau,… có ở khắp mọi miền đất nước; Dễ kiếm, dễ làm, và thường không tốn kém. Và, đặc biệt, võ sinh có thể tìm thấy vật dụng thay thế roi ở mọi nơi, mọi chỗ, trong trường hợp cần để tự vệ, chiến đấu. Trong sinh hoạt thường nhật, trên đường đi, ở đâu ta cũng dễ dàng tìm gặp các vật dụng khác thay thế cho roi như: cây chống cửa, cây cài cửa, đòn gánh, đòn xóc, cán cuốc, cọc rào,…

Đặc điểm của nhiều đòn thế côn Việt Nam là công phá hai đầu và luôn đánh theo chiều nghịch, luôn lấy nghịch để chế thuận, làm cho đối phương mất phương hướng rơi vào lúng túng, bất ngờ. Song song đó, côn được áp dụng triệt để phép âm dương ngũ hành cùng năng lực biến hóa của đồ hình bát quái trong khai triển đấu pháp, cũng như khi di chuyển, chế ngự của hai chân. Roi có thể chuyển động theo nhiều cách để tạo nên các kỹ thuật phòng thủ, tấn công đa dạng, biến hoá khôn lường: Tảo (quét, lia), Tróc (đâm, chọc), Đả (đánh), Sát (cọ sát), Trừu (quất nhanh), Triền (quấn), Hồ (vòng cung), Hoành (ngang), Toả (khoá),… Khi bị đối phương tấn công thì không đỡ để thủ thân mà lập tức vung roi áp sát và lượn theo chiều côn của địch thủ để công đòn, đồng thời khống chế tầm roi để thực hiện thế “đâm so đũa”, một thế võ bí truyền chưa có cách hóa giải. Đây chính là ngọn roi cộng lực “tuyệt kỹ”, “xuất quỷ nhập thần” có một không hai của môn binh khí lừng danh đất Việt.

4. Búa

Kết quả hình ảnh cho rìu

Búa là loại vũ khí được sáng chế từ công cụ của nền nông nghiệp, có cấu tạo gần giống với rìu chặt cây của tiều phu. Cán búa làm bằng gỗ cứng dài chừng một cánh tay. Lưỡi búa đúc hoặc rèn bằng sắt, thép tốt, rất nặng.

Búa có nhiều loại: búa đơn gọi là độc phủ, búa đôi gọi là song phủ. Những chiếc búa đặc biệt trên sống còn được chạm đầu hổ hay đầu rồng rất tinh vi, gọi là hổ đầu phủ hoặc long đầu phủ.

Chiêu thức của búa gồm các đòn ngắn, mạnh, trực diện, khả năng sát thương kẻ địch rất lớn, thích hợp với lối đánh thấp, cận chiến, kể cả  trên bộ. Người sử dụng búa phải có sức lực hơn người, thân pháp cực kỳ mau lẹ mới có thể sử dụng trọn vẹn được công dụng của búa.

5. Lăn khiên

Kết quả hình ảnh cho lăn khiên

Lăn khiên có hình lục giác hoặc tròn là một tấm chắn bằng gỗ hoặc đan bằng cật tre, mây. Một loại vật liệu có thể nói là rất dễ tìm ở vùng nông thôn. Công dụng của lăn khiên dùng để đỡ gạt trong khi giao chiến, thường dùng để chắn tên đạn, gươm giáo của đối phương, nhất là trong đánh trận, công thành.

Nghĩa quân Tây Sơn rất thành thạo môn lăn khiên – một tay cầm khiên để hứng tên bắn từ xa hoặc đỡ gươm giáo khi đánh xáp lá cà, trong khi tay kia sử dụng một vũ khí khác để tấn công kẻ địch. Khiên là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp giảm thiểu thương vong cho binh lính khi xông trận, đôi khi là phương tiện để vượt chông, hầm, hào.

Ngoài ra, ta cũng thường hay thấy những loại vũ khí làm từ công cụ sản xuất hay vật thường dùng trong đời sống diễn biến mà thành binh khí như soa (chĩa hai, chĩa ba), sản (cái xẻng), bừa cào, chuỳ, phủ (búa), bổng (gậy) v.v… Tất cả đã đồng hành cùng sự hình thành và sự phát triển của một nền võ thuật nước nhà từ xưa đến nay.

Trần Đào


Tin liên quan