Làm thế nào để thực hiện tốt một bài quyền?

(VoThuat.vn) – Về nguyên lý trong võ thuật, thì quyền là tập hợp các đòn thế căn bản hay đòn thế chiến đấu để tạo thành một chuỗi liên hoàn, nhằm mục đích thuận tiện cho việc ôn tập và luyện sức bền.

 Không ai tự dưng sáng tác một bài quyền rồi từ đó mới phân ra các đòn thế rời. Tuy nhiên, theo quan điểm lý luận của từng môn phái/võ phái mà họ chọn phương pháp huấn luyện: quyền trước, phân thế sau hay huấn luyện đòn thế rời trước, quyền sau.

Ưu điểm của đòn rời (phân thế) trước, tập quyền sau là: sau khi học đòn rời nhuần nhuyễn, dù chưa học quyền, nhưng nếu chẳng may gặp sự cố thì người tập võ có thể sử dụng được những đòn thế mình đã học để phần nào ứng phó với tình huống.

Nhược điểm là người tập dễ nhàm chán khi luyện tập một mình. Ngược lại nếu học quyền trước rồi học phân thế sau, thì khi chưa kịp học phân thế, nếu chẳng may gặp sự cố thì người tập võ chẳng khác nào người chưa tập võ, vì quyền chưa phân thế chỉ là bài múa, không áp dụng được.

NGUYÊN LÝ KHOA HỌC TRONG BÀI QUYỀN

Để thiết kế được một bài quyền, người ta sử dụng các yếu tố bao gồm:

  • Tập hợp các đòn/thế đã có và phù hợp với trình độ/năng lực của từng cấp.
  • Cách điệu một số động tác cho phù hợp với việc xâu chuỗi các đòn/thế nhằm mục đích mang được tính liên hoàn.
  • Thiết kế các đoạn chuyển thế/chuyển hướng (từ thế này/đòn này chuyển sang thế khác hay từ hướng này chuyển sang hướng khác).
  • Hướng chính và kết thúc: thường thì khi thi triển một bài quyền, trước hết là khởi đầu và kết thúc đều được thiết kế về một hướng, chẳng những vậy, một số võ phái còn ràng buộc người thực hiện phải làm chủ vị trí, nghĩa là xuất phát vị trí nào thì kết thúc đúng vị trí đó. Tuy nhiên cũng không loại trừ một số võ phái/môn phái không đặt quan trọng về tiêu chí này.
  • Thiết kế các bước đi (tấn/bộ pháp) trong quyền. Muốn đạt được tiêu chí về đúng hướng, làm chủ vị trí thì bắt buộc người thiết kế bài quyền phải nắm vững cách phối hợp các bước tấn/bộ pháp, tính toán kỹ để áp dụng bước di chuyển trong bài quyền, sao cho phù hợp lúc tiến/thoái để có thể làm chủ được hướng xuất phát cũng như kết thúc và về đúng vị trí ban đầu.

YÊU CẦU ĐỂ THỰC HIỆN TỐT BÀI QUYỀN

  • Đúng bài
  • Phát lực tốt.
  • Làm chủ được vị trí và hướng thực hiện.
  • Tiết tấu nhanh/chậm rõ ràng hợp lý tạo cho bài quyền sinh động (có hồn)
  • Giữ được phong độ (qua hơi thở và thần sắc) đến khi kết thúc bài quyền.

Muốn giữ được phong độ xuyên suốt khi thực hiện một bài quyền dài thì cần lưu ý các điểm sau đây:

Song song với rèn luyện nâng cao thể lực, độ bền thì cần nắm vững quy tắc “khoan sức” tức là biết phân bố lực theo tiết tấu của bài quyền. Đó là: Các đoạn mang tính thể hiện đòn/thế thì cần thực hiện đạt tốc độ và lực đánh (nhanh/mạnh). Nhưng đến khi kết thúc một đoạn để chuyển hướng hay chuyển thế thì đó là giai đoạn “khoan sức”. Hãy tận dụng thời gian ấy buông lỏng cơ thể và nạp khí (hơi thở) sâu.

Động tác chuyển thế/chuyển hướng phải nên thực hiện chậm nhẹ tạo sự uyển chuyển, mềm mại. Đó là yếu tố tạo nên bài quyền có tiết tấu hài hòa không làm người xem có cảm giác nhàm chán với các động tác thực hiện đều đều như robot, lại vừa không hao tốn nhiều sức lực khi thực hiện một bài quyền

Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ đễ dàng nhận ra một điiều là sau khi kết thúc bài quyền thì người thực hiện quyền có động thái thở ra nhẹ nhàng và buông tay quyền xuống, đó gọi là xả quyền. Chính điều này đã cho thấy trong quá trình thực hiện quyền họ đã áp dụng khá nhiều đoạn nén khí (hơi thở) để khi kết thúc họ xả quyền và thở ra.

[themeum_alert close=”no” type=”alert alert-info” title=””] Võ sư Châu Minh Hay là một trong những HLV tâm huyết và có công không nhỏ trong việc phát triển phong trào của môn Vovinam Việt Nam. Bên cạnh đó, võ sư cũng là một cây viết sắc sảo với những bài phân tích về võ thuật được nhiều bạn đọc đón nhận. [/themeum_alert]

Võ sư Châu Minh Hay