5 lỗi sai cơ bản của người mới tập đối kháng vũ khí

Weaponry fighting (đối kháng vũ khí) là trào lưu tập luyện phát triển mạnh trong những năm gần đây, thu hút nhiều người tập luyện trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bài học nhân văn từ Dog Brothers – CLB bạo lực nhất thế giới
Dog Brothers – hãy bước đi mỗi ngày như một chiến binh

Không chỉ mang giá trị bảo tồn tinh hoa vũ khí cổ điển, rèn luyện tự vệ trước các tình huống đối đầu thực tế với những vũ khí phổ biến như dao, gậy, mã tấu… weaponry fighting (với các thể thức tổng hợp như Dog Brothers, Knight Fight…) còn có thể xem như một thú vui thực sự, một hình thức tập luyện thú vị, ấn tượng và đáng để trải nghiệm (dĩ nhiên là với sự bảo hộ an toàn).

Đối kháng vũ khí – nét tinh hoa võ thuật bị lãng quên trong thời hiện đại.

Với số lượng người chơi weaponry fighting ngày càng nhiều trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dĩ nhiên nhu cầu tập luyện phát sinh là điều tất yếu. Tuy nhiên, do đặc thù lối chơi này không bị trói buộc vào bất cứ môn võ cụ thể và thống nhất nào nên đa số người tập luyện weaponry fighting hiện nay tại Việt Nam đều là người tự tập luyện hoặc tự tích lũy kiến thức qua quá trình tập luyện nhiều kỹ năng vũ khí ở các bộ  môn khác nhau. Việc thiếu bài bản chính xác, thiếu một hệ thống tư duy kỹ thuật hoàn thiện khiến cho nhiều người mới tập luyện mắc phải những sai lầm cơ bản nhưng dẫn đến sự khác biệt lớn khi so sánh với người tập luyện tốt. Sau đây là 5 lỗi sai lớn nhất:

THIẾU SPARRING

Có 2 dạng đối luyện cơ bản là drill và sparring. Ở các bài drill, hai người tập luyện sẽ thực hiện mô phỏng một động tác, kỹ thuật hoặc tình huống nhiều lần liên tục. Cách tập này giúp chúng ta ghi nhớ kỹ thuật, đồng thời tích lũy được khả năng cảm nhận tình huống đó và hình thành phản xạ. Cần phải nói rằng drill là một trong những điều quan trọng nhất khi tập luyện kỹ thuật.

Một số bài drill của Arnis

Tuy nhiên, drill chỉ là bước chuẩn bị cơ bản cho khả năng đối kháng của bạn. Từ drill đến thực tế vẫn là một quãng đường rất xa vì:

  • Drill dù được thiết kế thực tế và khoa học như thế nào, nó vẫn có thể không mô phỏng chính xác những gì xảy ra khi đấu thật.
  • Bạn luôn biết điều gì sẽ diễn ra kế tiếp khi drill. Thực tế thì các drill có thể ngẫu nhiên xuất hiện trong thực tế, nhưng bạn không thể biết được chính xác thời điểm.

Cầu nối giữa kỹ thuật và thực tế chính là sparring – một hình thức đấu giảm lực và tốc độ. Nó có thể không mô phỏng được áp lực thực sự của thực chiến, nhưng nó cho bạn một môi trường gần với hoàn cảnh thực tế đó hơn rất nhiều. Đối thủ của bạn có thể thực hiện hàng trăm dạng kỹ thuật hay phương án xử lý tình huống mà bạn không hề biết trước. Tốc độ chậm và uy lực thấp của sparring giúp bạn an toàn khi tập, đồng thời có thời gian nhiều hơn để cảm nhận và xử lý tình huống. Hơn hết, sparring sẽ “thả” bạn vào một khoảng không chiến đấu gần như thật, nơi bạn phải làm chủ mọi yếu tố (khoảng cách, nhịp độ, không gian, góc hẹp…) chứ không  phải được sắp đặt trước như drill.

Đồng ý rằng drill sẽ cho người tập một cảm giác rất “sướng tay” khi thực hiện thành thục kỹ thuật, nhưng rồi sẽ đến lúc bạn phải rời khỏi giới hạn an toàn đó và bước vào một hình thức tập luyện “thật” hơn chút nữa.

THIẾU THỜI GIAN TẬP ĐÒN ĐƠN

Nhiều người sau khi có kỹ thuật tốt thường thích tấn công đối thủ một cách dồn dập. Ngay từ trong lúc tập, họ cũng thích quất gậy liên hoàn vào bao cát hay trụ lốp xe chứ không phải từng đòn đơn cộng với kỹ năng di chuyển, cắt góc…

Đối kháng vũ khí trên thực tế nguy hiểm hơn đối kháng thể thao (Boxing, Muay Thái…) rất nhiều. Chỉ một pha đòn sơ sẩy, bạn có thể bị gậy đập dao cắt bất cứ lúc nào, và điều đó là bạn đã bước gần hơn một bước đến cái chết.

Trước hết, việc tập đòn đơn và dùng đòn đơn nhiều hơn trong các trận đấu sẽ giúp bạn thành thạo kỹ thuật hơn, nhanh hơn, uy lực hơn, hiểm hóc hơn rất nhiều. Tuy nó trông không được “ngầu” như phim nhưng đây là phương án vừa hiệu quả, vừa an toàn trong gần như mọi trường hợp. Trong những bài dạy nổi tiếng của mình “Lonely Dog” – người đứng đầu tổ chức weaponry fighting Dog Brothers tại châu Âu đều khuyên các học trò của mình dùng đòn đơn và các biến thể tại các cấp độ tập luyện đầu tiên. Bản thân anh cũng là một trong những người thành công nhất trên toàn thế giới về khả năng dùng đòn đơn để kiểm soát trận đấu của mình.

Khả năng kiểm soát tốt đòn đơn giúp bạn phản ứng nhanh và hiệu quả hơn khi bị đánh trả (counter).

BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CÁC MÔN COMBAT SPORT

Các môn thể thao đối kháng như Boxing, Muay Thái… là sự bổ trợ tuyệt vời cho weaponry fighting. Nó rèn cho bạn rất nhiều yếu tố thể chất như phản xạ, tốc độ, sức mạnh, độ dẻo dai, khả năng kiểm soát không gian, khả năng giữ bình tĩnh… Trong cuộc chiến vũ khí, đôi khi tay chân cũng có lúc cần dùng đến. Nếu bạn tập Boxing, bạn có thể đấm ngất đối thủ ngay khi vừa tầm với và vũ khí không thể dùng ngay lúc đó. Với Muay Thái, bạn có thể clinch (ôm giữ) đối thủ tốt hơn đồng thời cắm một cú spear knee khi đối thủ còn đang cố dùng gậy đập vào sườn bạn.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa đối kháng vũ khí và tay không. Khi bạn bị “lậm” kỹ thuật combat sport quá nhiều, sẽ có nhiều trường hợp bạn “quen tay” giơ nắm đấm của mình ra để parry một cú đâm dao, hoặc vào clinch ngay khi đối thủ áp sát để rồi bị dao cắm vào sườn, trong khi điều lẽ ra bạn cần làm là đẩy đối thủ ra ngay lập tức.

Làm sao để có thể vừa tập combat sport để có lợi thế thể chất cũng như tập được weaponry fighting? Hãy xem lại điều đầu tiên: Sparring

KHÔNG Ý THỨC SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TẬP LUYỆN – THỰC CHIẾN

Ngày nay, các thể thức đối kháng vũ khí ngày càng được hoàn thiện với hệ thống bảo hộ thoải mái hơn rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn cho tập luyện – đấu tập. Tuy vậy, sự bảo hộ đó đem lại cảm giác an toàn quá mức và khiến bạn bỏ qua những tình huống mà lẽ ra ngoài thực tế đã đủ cho bạn “đo đường”.

Cách đối kháng của Dog Brothers là một ví dụ. Họ dùng mũ fencing để bảo hộ phần đầu, và không hề gây đau đớn kể cả khi người đội mũ bị quật thật mạnh vào đầu. Đối với những người chơi có trình độ, sự bảo hộ này là cần thiết. Tuy nhiên, với những người mới tập, sự an toàn này khiến họ lơ là với những kỹ năng bảo vệ bản thân như giữ khoảng cách, che chắn. Tình trạng bất chấp “phơi” đầu xông vào trận đấu gậy vì đã có mũ bảo hộ là điều rất thường gặp ở người mới tập, và kết cục khi đưa thói quen đó ra thực tế là gì, hẳn bạn cũng tự hiểu.

KHÔNG HIỂU SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC LOẠI VŨ KHÍ

Như đã nói ở trên, có sự khác biệt lớn giữa đối kháng tay không và vũ khí. Giữa các loại vũ khí cũng có sự khác biệt lớn và đòi hỏi những kỹ thuật – chiến thuật khác nhau. Việc áp dụng thói quen của vũ khí này vào trường hợp vũ khí khác thường không đem lại kết quả tốt. Ví dụ:

  • Khi đánh gậy, bạn có thể áp sát và kiểm soát đối thủ. Đối với dao, bạn cũng có thể làm vậy, nhưng tỷ lệ bạn gặp “nhọ”, bị dao đâm và tử vong cao hơn đối đầu với gậy rất nhiều.
  • Bạn có thể dùng rất nhiều đòn block (chặn đỡ) đòn gậy. Bạn cũng có thể làm điều tương tự khi đối đầu với dây xích, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn mặc giáp kín người như hiệp sĩ thời trung cổ nếu không muốn bị quất trúng.

  • Bạn sẽ có chút lợi thế nếu lao vào và double leg takedown (một kỹ thuật vật ngã) người có gậy. Nhưng nếu bạn làm thế với đối thủ có dao, bạn chỉ làm tăng sự rủi ro của mình thôi.
  • Bạn có thể chấp nhận chịu một gậy vào tay hoặc phần mềm để có được góc độ và khoảng cách để trả được một gậy vào đầu đối thủ. Nhưng với dao, tuyệt đối quên chuyện “trao đổi chiêu thức” đi.

Làm sao để am hiểu được hết các loại vũ khí thông dụng cũng như cách dùng nó trong đối kháng? Đi tập nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn là con đường duy nhất.

Hồ Võ