Switching Stances: Cơn ác mộng chiến thuật trên võ đài

Hầu hết các võ sĩ đều chọn duy nhất một thế đứng (stance) trong suốt sự nghiệp, bởi lẽ thế đứng ảnh hưởng rất lớn đến gần như mọi yếu tố kỹ – chiến thuật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều võ sĩ đặc biệt dùng Switching Stances (đổi thế đứng liên tục) và trở thành cơn ác mộng.

Vertical Overhand: Biến thể đáng sợ của đòn móc ngang tay sau

Phân tích 10 thủ thuật Boxing của Manny Pacquiao

Nếu như Orthodox (đặt tay – chân trái về phía trước) được xem như stance cơ bản và hợp lý nhất về mặt lý thuyết thì Southpaw (ngược với Orthodox) sẽ là lựa chọn cho người thuận tay trái hoặc có sở thích “quái đản” là đặt tay thuận về phía trước.

Để hiểu lý do vì sao Switching Stances được gọi là một ví dụ đặc biệt, trước hết ta cần hiểu về lý thuyết bình thường của các stance.

capture

Không có tài liệu chính xác nói rõ được khái niệm “Orthodox stance” (thế đứng chính thống) được hình thành và ra đời từ khi nào, nhưng chắc chắn nó đã tồn tại trước cả kỷ nguyên hiện đại (giữa thế kỷ 19 trở đi) của làng Boxing. Theo lý thuyết này, tay thuận (mặc định là tay phải) sẽ được đặt về phía sau, “để dành” cho những cú đòn nặng hoặc xử lý khi bị đối thủ cắt góc. Trong khi đó, cánh tay ở phía trước chỉ đảm nhiệm những cú đấm nhẹ để “cấu rỉa” đối thủ, kiểm soát khoảng cách hoặc các ý đồ chiến thuật nên không cần độ chính xác cao, không cần dùng tay thuận. Lý thuyết của Orthodox stance gần như trở thành “chân lý” của Boxing, ảnh hưởng đến rất nhiều bộ môn – thể thức thi đấu võ thuật khác như Kickboxing, Muay Thái, Karate full contact hiện đại.

Mayweather vs Pacquiao là "kèo" đối đầu Orthodox - Southpaw kinh điển nhất trong những năm gần đây.
Mayweather vs Pacquiao là “kèo” đối đầu Orthodox – Southpaw kinh điển nhất trong những năm gần đây.

Cùng với Orthodox, khái niệm Southpaw được hình thành cho những võ sĩ đặt tay – chân phải về phía trước. Có rất nhiều lý do để một võ sĩ quyết định chọn Southpaw như:

  • Thuận tay trái.
  • Có chấn thương đặc biệt nên cần phải đổi stance
  • Thuận tay phải nhưng vẫn thích đặt tay phải về phía trước, chú trọng việc dùng tay trước trong giao đấu. Kiểu Southpaw này đôi khi được gọi là Unorthodox (phi chính thống), đặc biệt phát triển từ những năm 1900 khi người Philippines nhập cư vào Mỹ và đem kỹ năng chiến đấu của người Nam Á vào Boxing.
  • Có ý đồ chiến thuật khác.
  • Trong các môn vũ khí, khoảng cách là yếu tố sống còn nên người ta cũng ưu tiên đưa tay thuận (cầm vũ khí) ra phía trước.
Việc đổi stance liên tục đôi khi gây ra rủi ro khi bị đối thủ tấn công lúc chưa ở trong trạng thái cân bằng.
Việc đổi stance liên tục đôi khi gây ra rủi ro khi bị đối thủ tấn công lúc chưa ở trong trạng thái cân bằng.

Về cơ bản, đó là hai stance của các môn võ thuật đối kháng nói chung như Boxing, MMA, Muay Thái… Thế đứng là gốc rễ của mọi chuyển động, kỹ thuật và chiến thuật, vậy nên việc lựa chọn thế đứng sẽ là điều ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi đấu. Tương tự như vậy, việc một võ sĩ có khả năng sử dụng liên tục 2 stance khác biệt cũng sẽ gây nên tác động rất lớn đến trận đấu. Mỗi cú đấm đều có khoảng cách, tốc độ (hay nói đúng hơn là thời gian từ lúc khởi phát đòn – trúng đòn), uy lực và góc độ khác nhau, tùy thuộc vào việc tay đó nằm lệch về phía trước hay phía sau trọng tâm cơ thể. Từ đó, mỗi cú đấm lại mang một ý nghĩa chiến thuật riêng, một vị trí riêng trong các combination (tổ hợp đòn). Chẳng hạn như cú Jab (đấm thẳng tay trước) có tốc độ rất lớn nhưng uy lực không cao sẽ là cú đấm “mở màn” cho những đòn tay sau như Straight hay Overhand, kế đến cú Jab có thể được “nhả” ra một lần nữa để kiểm tra khoảng cách cũng như tạo điều kiện cho võ sĩ thoát khỏi tình huống bị counter (phản đòn). Nếu một võ sĩ đứng thế Orthodox, combination của anh ta sẽ là trái – phải – trái.

Dominick Cruz – một siêu sao MMA nổi tiếng với khả năng dùng Switching Stances liên tục

Điều quan trọng trong Boxing hay các môn võ thuật đối kháng nói chung đó là tính tương tác giữa các võ sĩ. Không chỉ hiểu được và “ra lệnh” được cho cơ thể hoạt động đúng cách, anh ta còn phải làm quen được với cách đối thủ hoạt động, từ đó phản ứng lại một cách hợp lý.

Việc một võ sĩ thi đấu bằng Switching Stances sẽ làm nảy sinh ra hai vấn đề:

  • Tích cực: Khiến đối thủ dễ “rối” vì không nắm bắt được combination thực sự mà anh ta sắp phải đón nhận, không nắm chắc được cú đấm nào là “nhá – nhử – căn khoảng cách”, cú nào là đòn kết liễu thực sự. Các yếu tố như góc độ, khoảng không gian an toàn cũng sẽ bị thay đổi liên tục trong trận đấu. Trong khi thi đấu, khả năng đổi stance cũng giúp các võ sĩ có khả năng hồi phục liên tục vì tùy theo chiến thuật mà tay/chân trước và sau của các võ sĩ có tốc độ mỏi khác nhau.
  • Tiêu cực: Bản thân võ sĩ dùng Switching Stances cũng sẽ bị “rối” nếu không thành thục kỹ thuật. Chẳng hạn tổ hợp đòn Jab – Straight – Hook ở thế đứng Orthodox sẽ là “đấm thẳng trái – thẳng phải – móc ngang trái” sẽ ngược lại ở thế đứng Southpaw. Ở thế Southpaw, nếu anh ta tung đòn đúng theo hình thức “đấm thẳng trái – thẳng phải – móc ngang trái”, nó sẽ lại thành combination Straight – Jab – Overhand, một tổ hợp đòn mang ý nghĩa chiến thuật, hiệu quả và tình huống khác hoàn toàn. Như vậy, một võ sĩ Switching Stances sẽ cần thời gian để thông thạo kỹ thuật cũng như cảm nhận chuyển động ở cả hai stance khác nhau – điều mà đôi khi một võ sĩ bình thường mất cả sự nghiệp để làm được.

Huyền thoại Boxing Manny Pacquiao đổi stance liên tục trong lúc tập luyện, dù ông thường thi đấu chủ yếu bằng Southpaw.

Dù có yêu cầu quá lớn về mặt thời gian tập luyện nhưng theo những phân tích trên, có thể thấy Switching Stances là một lối chơi thực sự “ám ảnh”, một cơn ác mộng chiến thuật thực sự đối với cả người sử dụng lẫn đối thủ. Cần nói thêm rằng “Switching Stances” không phải là một võ sĩ thi đấu Orthodox, sau đó dính chấn thương rồi trận đấu sau anh ta đổi sang Southpaw. Switching Stances là thay đổi stance liên tục trong cùng một trận đấu, thậm chí ngay trong các pha đòn. Ta có thể kể đến hàng loạt tên tuổi đã thành danh với Switching Stances như Lyoto Machida, Dominick Cruz, Anthony Pettis, Frankie Edgar… (MMA) hay Naseem Hamed, Humberto Gonzalez, Marvin Hagler và đôi khi là Floyd Mayweather (Boxing).

Những võ sĩ có khả năng Switching Stances có thể dễ tìm kiếm góc độ tiếp cận đối thủ hơn, thực hiện những đòn đôi khi không thể thực hiện được ở một stance duy nhất.
Cú Inside leg kick sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu như hai võ sĩ không đứng cùng một stance. Nếu cả hai bắt đầu từ cùng một stance, người chủ động đổi stance sẽ có lợi thế hơn nhiều.

Những võ sĩ nào có khả năng sử dụng Switching Stances? Trước hết, cần nói rằng Switching Stances không phải một khái niệm cơ bản, không hề. Việc “sử dụng được” và “sử dụng thành công” Switching Stances cũng là hai điều khác biệt. Những võ sĩ thích hợp sử dụng Switching Stances thường là:

  • Võ sĩ chuyên nghiệp. Các võ sĩ chuyên nghiệp có thời gian tập luyện và cảm nhận kỹ thuật lâu hơn rất nhiều, đồng thời có khả năng xử lý tình huống tốt hơn (chấp nhận dùng Switching Stances cũng là chấp nhận việc các tình huống diễn ra sẽ phức tạp và nhiều hơn). Họ cũng có nhu cầu tính toán chiến thuật khắc nghiệt hơn. Anderson Silva hay Dominick Cruz là những ví dụ rõ rệt.
  • Võ sĩ có tiền sử chấn thương. Rất nhiều võ sĩ vốn gắn bó với một stance duy nhất, sau đó vì chấn thương (cộng thêm yêu cầu tiếp tục thi đấu) phải chuyển stance để giảm bớt áp lực lên phần cơ thể chấn thương. Sau khi hồi phục chấn thương, họ lại có được khả năng kiểm soát và xử lý tình huống ở cả 2 stance.
  • Các võ sĩ gốc Karate, Taekwondo… Đây là các môn võ buộc người tập ngay từ cơ bản phải có khả năng ra đòn tay – chân hai bên trái – phải như nhau. Từ đó, các võ sĩ này dù đổi stance liên tục vẫn có khả năng thực hiện kỹ thuật. Lyoto Machida (võ sĩ MMA xuất thân từ Shotokan Karate là một ví dụ điển hình).

Hồ Võ