Võ cổ truyền trên sân khấu tuồng

(VoThuat.vn) – Võ cổ truyền vốn là một môn võ thuật độc lập, đối với cuộc sống nó có nhu cầu riêng, chức năng riêng của nó là làm tăng sức lực của con người. Thế nhưng khi nó được gia nhập vào nghệ thuật hát bội với tư cách là một thành viên trong cơ cấu tổng hợp của nghệ thuật hát bội, nó vừa vẫn giữ trọn vẹn chức năng vốn có của nó, vừa phát huy tác dụng nghệ thuật biểu diễn tâm lý của con người, làm tăng vẻ đẹp phục vụ cuộc sống của con người.

Như chúng ta đều biết trong nghệ thuật hát tuồng (hát bội) có hai bộ phận chủ yếu cấu thành: hát và múa. Hát giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thính giác; múa giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thị giác. Tuy nhiên, muốn múa đẹp thì phải ứng dụng các thế võ vào tuồng.

Yếu tố võ thuật là thể xác của múa, nhờ có yếu tố võ thuật mới có thể làm đẹp (tức là cái mà người ta thường gọi là mỹ hóa) yếu tố cuộc sống, tạo nên cái gọi là thẩm mỹ thị giác. Không có yếu tố võ thuật thì không gian và thời gian sân khấu hát bội không thể nới rộng đến mức có thể biểu hiện trực tiếp một cách sinh động hiện thực cuộc sống và các trạng thái tự nhiên.

Bởi vậy, trong các vở tuồng, ta hay thấy xuất hiện một số động tác đặc trưng của Võ cổ truyền dân tộc.

1. Xoan

Xoan là ngửa bàn tay, đưa từ trước ngực mình ra phía khán giả, tương đồng với  động tác “dâng chén ngọc” trong thảo “Ngọc Trản Quyền”.

2. Xỏ

Xỏ là hai bàn tay đưa từ ngoài vào, chéo nhau trước ngực trước khi chuyển sang một động tác khác, tương đồng với động tác bắt chéo hai tay trước ngực trước khi thực hiện “Mở kép”,”Khép kép” của Bông pháp.

3. Bọc

Bọc là hai tay ghép lại, chần xuống, đỡ một miếng đánh của đối phương, tương đồng với đòn “Hạ chưởng” của Thủ pháp.

4. Úp

Úp là hai bàn tay để úp hai bên thân, chân rùn xuống để chuyển tiếp bộ nhảy, bộ tiến, tương đồng với thế “Kỵ mã” trong Tấn pháp.

5. Guộn

Guộn là áp hai lưng bàn tay vào nhau, các ngón tay chỉ xuống, rồi guộn vào trong ngực cho hai bàn tay ngửa lên, tương đồng với động tác xoắn cổ tay, chuyển chưởng (bàn tay mở) thành quyền (bàn tay nắm).

6. Cầu

Cầu là một chân đứng thẳng, chân kia co lên đưa về phía chân đứng, bàn chân ngửa lên, tương đồng với thế Kim Kê của Tấn Pháp nhưng có phần biến tấu là bàn chân ngửa lên và chân co nằm ngang.

7. Ký

Ký là một bàn chân chạm nhẹ mũi vào gót bàn chân kia đang đứng thẳng để rồi chuyển tiếp sang động tác khác, tương đồng với kỹ thuật nhập chân chuyển bộ của Bộ pháp.

8. Bê

Bê là di chuyển tới hoặc sang hai bên trong tư thế đứng hoặc ngồi, không dở chân lên khỏi mặt đất, chỉ dùng kỹ thuật lắc cổ chân để lướt từng chút một như thuyền lướt trên mặt nước.

Động tác này tương đồng với kỹ thuật lắc chân để xoay người sau khi đá song phi, một chân rơi xuống trước làm trụ và lắc để xoay người 180 độ rồi hạ chân còn lại xuống đất. Trong các bài sử dụng binh khí như Thanh Long đao, đoản côn (tức côn Tề mi) thường có những động tác “lắc xoay” này.

9. Nhảy

Nhảy có một số động tác như nhảy thành, nhảy lên ngựa, nhảy ngồi. Trong , các vở tuồng cung đình Huế, thấy diễn viên cầm các vật: cái chén, cây roi, mái chèo, cành cây… khán giả biết ngay anh ta đang làm gì, trong hoàn cảnh nào. Đặc biệt, các vở tuồng cung đình Huế hình ảnh cưỡi ngựa, gò ngựa, nhảy ngựa, bắt ngựa… luôn gắn chặt với các nhân vật tướng và kép võ. Nhảy trong vỡ tuồng có nhiều nét tương đồng với các động tác nhảy lạc mã, nhảy tọa … trong võ thuật.

Vũ đạo hát bội và Quyền thuật võ Cổ truyền Việt Nam là những môn học có bài bản, phương pháp, được dạy theo từng bài, từng lớp, từ những động tác dễ đến những động tác khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nghệ thuật sân khấu nói chung, hát bội nói riêng, diễn viên luôn đóng vai trò trung tâm để truyền đạt những nội dung muốn nói đến khán giả.

Do đó, nghệ thuật diễn xuất của diễn viên là điểm nhấn để làm sao khi biểu diễn, mỗi hành động, mỗi lời nói dù chỉ mang tính ước lệ nhưng phải biểu cảm làm sao để khán giả xem đây là sự thật dù sự việc chỉ diễn ra trên sân khấu. Vì thế nên “muốn diễn tuồng hay thì phải học võ”. Các động tác võ thuật cổ truyền dân tộc đã được khai thác, cách điệu, đưa vào sử dụng, tạo nên nét độc đáo riêng của tuồng ở đất Việt.

Trần Đào