Câu chuyện về tinh thần trong tập luyện Kungfu

Khi một người bắt đầu tập luyện một môn Kungfu, anh ta thường không chú ý đến những yêu cầu một người đệ tử cần phải có để đạt được điều mà anh ta mong muốn. Điều này đặc biệt đúng ở phương Tây. Những người thầy thường được hỏi: “Trong vòng bao lâu thì con mới đạt được…?” Đây không phải là một câu hỏi sai nhưng nó là một câu hỏi không thể trả lời. Có một câu chuyện kể về sự nóng lòng của người đệ tử muốn học được các kỹ năng trong võ thuật thật nhanh.

Người đệ tử hỏi sư phụ: “Trong vòng bao lâu thì con mới có thể học thành tài?”. Sư phụ trả lời: “15 năm”. Người đệ tử bị sốc và hỏi tiếp: “ Nếu con tập luyện chăm chỉ gấp đôi thì sao?”

Sư phụ: “30 năm”. Người đệ tử tiếp tục: “Nhưng nếu con tập luyện chăm chỉ gấp 3 mọi đệ tử khác thì sao?” Sư phụ mỉm cười và nói: “45 năm”

Tinh thần của câu chuyện nói lên việc: để học một kỹ năng có giá trị anh ta phải sẵn lòng tập luyện bất chấp là bao lâu để đạt được nó. Luyện tập chăm chỉ hơn và thường xuyên hơn không phải lúc nào có nghĩa là bạn có thể đạt được nó nhanh hơn. Nỗi ám ảnh về chuyện phải là người nhanh nhất, giỏi nhất thường lại làm đánh mất khả năng đạt được những kỹ năng mà mình mong muốn. Điều này hầu như chắc chắn đúng khi luyện tập nội công Vĩnh Xuân.

stephenMain

Việc tập trung tập luyện các kỹ năng trong một giới hạn thời gian nhất định thường giúp cho ta hiểu được bản chất của kỹ năng mà mình đang tập luyện, nhưng với nội công chúng ta phải quên đi những giới hạn về thời gian và phải yêu thích quá trình tập luyện. Anh ta phải yêu thích con đường tập luyện của mình và tập trung tâm trí xem điều gì đang diễn ra tại giây phút hiện tại hơn là mong muốn điều gì sẽ xảy ra ở tương lai. Tập luyện tốt bài tập của ngày hôm nay, bài tập của ngày mai sẽ đến nhanh hơn và hiệu quả hơn là trông chờ vào điều đó.

Kung fu đòi hỏi người tập phải có một tố chất đặc biệt để trả giá cho việc làm chủ được nó. Người tập luyện phải yêu thích việc tập luyện và phải từ bỏ xu thế của thời hiện đại là: “cố gắng nhồi nhét nhiều thứ hơn trong một thời gian ít hơn”. Để làm chủ được kungfu đòi hỏi một sự gắn kết cả đời để học hỏi và phát triển nó. Tổ sư của Vĩnh Xuân quyền đã từng nói: phải mất từ 7-15 năm để học thành công môn võ này.

Nhưng để làm được điều đó các môn đồ phải sống với kung fu 24 giờ trong ngày và điều này gần như là không thực tế. Thỉnh thoảng một số người tin rằng mình đã tinh thông môn võ đó, nhưng với những ai thực sự hiểu được con đường mình đi và năng lực của mình mới biết được mình chưa thực sự tinh thông môn võ này. Có thể một số người đang thổi phồng cái tôi của mình lên với những danh hiệu gì đó nhưng chẳng sớm thì muộn sự thật sẽ phơi bày khả năng tầm thường của họ.

Những mong muốn có được sự tinh thông thực sự, không phải chỉ là thành thạo trong môn võ mình đã chọn mà còn một sự phát triển lớn lao về khả năng làm chủ bản thân vượt qua được những thiếu sót, nhược điểm của con người. Bản tính của anh ta sẽ được tinh luyện và phát triển bởi kết quả của nhiều năm tập luyện nghiêm túc và có kỷ luật. Những người tập luyện các môn võ thuật yêu cầu các kỹ năng khó (như Vĩnh Xuân) thường thấy rằng các môn đồ đến rồi đi rất nhiều. Chỉ có một số có tinh thần kỷ luật cao mới đi được trên hành trình kung fu này và có thể đạt được sự giác ngộ cùng với nó. Những ai tập luyện mà thiếu kỷ luật tất nhiên cũng sẽ đạt được một số kết quả nào đó. Nhưng thiếu sự quyết tâm và tinh thần kỷ luật để giải mã những bí mật của nó, họ sẽ không bao giờ biết được những bí ẩn mà mình có thể khám phá về bản thân, về cuộc sống và về vũ trụ huyền diệu của chúng ta.

V.Đ