Ryoko Tamura – tâm hồn Nhu đạo đằng sau bàn chính trị

Huyền thoại Ryoko Tamura của Judo Nhật Bản gần như “mất tích” hẳn khỏi giới thể thao kể từ sau khi tuyên bố giải nghệ vào năm 2010. 

Khoảnh khắc đời thường của “bà mẹ” vô địch Judo SEA Games 28

Judo – từ “võ thời chiến” cho đến “võ hòa bình”

Chị đã từng là một trong những vận động viên Judo có thành tích lẫy lừng nhất từ trước đến nay: 7 lần vô địch thế giới, từ năm 1993-2007 (thậm chí có thể là là 8 nếu năm 2005 chị không nghỉ để sinh em bé); 5 lần dự Olympic, với 2 chức vô địch (năm 2000 và 2004), 1 HCB (1992) và 2 HCĐ (1996, 2008).

Thời hoàng kim của Tamura.
Thời hoàng kim của Tamura.

 Trong 20 năm thi đấu thể thao đỉnh cao (hạng cân dưới 48 kg), Tamura chỉ để thua 5 trận ở đấu trường quốc tế. Cao chỉ 1m46 nhưng năm 15 tuổi đã thắng giải Judo quốc tế Fukuoka đầu tiên (sau đó chị còn vô địch giải này thêm 11 lần nữa), Tamura thật sự là một hiện tượng tại Nhật. Không có gì ngạc nhiên khi hãng Toyota không tiếc tiền tuyển riêng 2 Uke (bạn tập) để tập riêng với chị. Thành tích của Tamura hiện có lẽ chỉ Teddy Riner của Pháp là có cơ may vượt qua vì cậu này mới 26 tuổi đã 7 lần vô địch thế giới. Tuy nhiên, nên nhớ thời của Tamura, giải vô địch thế giới Judo tổ chức 2 năm/lần còn bây giờ là tổ chức hằng năm. Do vậy, trên thực tế, Teddy Riner phải vô địch thế giới… 14 lần hoặc dự 5 kỳ Olympic và đạt ít nhất 2 HCV (cậu này mới dự 2 kỳ, được 1 vàng, 1 đồng) để có thể xem là ngang với Tamura.

Gia tài đồ sộ của Ryoko Tamura.
Gia tài đồ sộ của Ryoko Tamura.

 Vậy mà kể từ sau năm 2010, hầu như chẳng thấy bóng dáng Tamura – dù chỉ ở vị trí khán giả – tại các giải đấu Judo. Chị đã gác lại những bước chân huyền thoại về đâu?

Huyền thoại Tamuara khoe "gia tài" cả sự nghiệp Judo của mình. Điều đặc biệt là bức ảnh này...được chụp ngay bên trong trụ sở Quốc Hội Nhật Bản.
Huyền thoại Tamuara khoe “gia tài” cả sự nghiệp Judo của mình. Điều đặc biệt là bức ảnh này…được chụp ngay bên trong trụ sở Quốc Hội Nhật Bản.

Tháng 6/2010, đại diện đảng Dân chủ (DPJ), Tamura đắc cử nghị sĩ quốc hội Nhật Bản. Chị quyết định nghỉ thi đấu để tập trung cho sự nghiệp chính trị. Luôn hết mình ở mọi vai trò, dù là vận động viên hay nghị sĩ, trong 5 năm qua, Tamura đã đề xuất 649 dự luật. Đương nhiên, một trong những mối quan tâm chính của chị là thể thao. Chị đã góp phần không nhỏ để một viện thể thao mới được xây dựng ở phía bắc Tokyo vào năm 2010 – “điểm cộng” giúp thành phố này giành quyền đăng cai Olympic 2020.

Chiếc đai đen này thêu các năm Tamura vô địch thế giới và Olympic (đai cũ nên thiếu năm 2004 và 2007)
Chiếc đai đen này thêu các năm Tamura vô địch thế giới và Olympic (đai cũ nên thiếu năm 2004 và 2007)

Từ lúc chuyển từ đấu trường sang nghị trường, Tamura rất ít khi mặc lại võ phục. Những lần hiếm hoi chị xuất hiện ở võ đường là sau thảm họa động đất/sóng thần ở Nhật vào tháng 3.2011. Hiện hằng năm, Tamura vẫn cố gắng đến Fukushima 2, 3 lần, mặc lại võ phục để cổ vũ các võ sinh nhí địa phương.”

Nhìn bề ngoài, khó có ai tin được người phụ nữ đằng sau bàn làm việc chính trị này đã từng là một huyền thoại của Nhu đạo Nhật Bản.
Nhìn bề ngoài, khó có ai tin được người phụ nữ đằng sau bàn làm việc chính trị này đã từng là một huyền thoại của Nhu đạo Nhật Bản.

Một điểm bên lề: Tamura rất thích nước Pháp. Khi sang Paris tập huấn lần đầu tiên vào năm 13 tuổi, chị đã “mê” nhà thờ Mỹ ở bên bờ sông Seine và nhủ thầm “nhất định sẽ làm đám cưới tại đây”. Nghĩ là làm, hôn lễ của chị với ngôi sao bóng chày Nhật Bản Yoshitomo Tani vào năm 2003 đã diễn ra tại nhà thờ này. Đám cưới của hai ngôi sao tốn khoảng 2,7 triệu euro nhưng chắc chắn không bị “lỗ” vì thu hút tới 20 triệu khán giả Nhật xem trực tiếp qua truyền hình.

 Đám cưới của Ryoko Tamura.

Đám cưới của Ryoko Tamura.

Trích: báo Le Monde (Pháp)

Dịch giả: Nguyễn Ngọc Lan Chi.

Hình minh họa: báo Le Monde (Riêng bức ảnh cưới là của AFP).