Võ sư duy nhất trên thế giới bất bại 270 trận

Không chỉ được xem là kỳ nhân trong võ giới Nhật Bản vì thành tích tay không đánh chết bò mộng, Oyama Masutatsu cũng nổi danh là người chưa thất bại bất kỳ một cuộc thách đấu nào trong suốt cuộc đời mình.

Cơ bắp cuồn cuộn của người tự tin K.O Lý Tiểu Long
“Lý Tiểu Long nhí” tiếp tục gây sốt cộng đồng võ thuật

Oyama Masutatsu là võ sư gốc Triều Tiên, sáng lập trường phái Kyokushinkai Karate, một trong những trường phái Karate có uy lực thực dụng được phương Tây gọi là Full Contact Karate. Năm 9 tuổi, cậu bắt đầu theo học một môn võ Trung Hoa tên là Thập bát thủ từ một người họ Lý đang làm việc ở nông trang này và cho đến khi trở về Triều Tiên năm 12 tuổi, Oyama tiếp tục học võ Triều Tiên.

v1
Võ sư Oyama Masutatsu

Năm 1938 khi 15 tuổi, Oyama Masutatsu đến Nhật Bản theo học chương trình đào tạo để trở thành một phi công lái chiến đấu cơ trong lực lượng không quân hoàng gia của đế chế Nhật Bản, nhưng do những khó khăn trong đời sống, mục tiêu của Oyama đã không thành hiện thực. Bỏ ý định trở thành phi công, Oyama theo học Judo và Quyền Anh. Nhưng cơ duyên hạnh ngộ với võ sư Funakoshi Gichin và hệ phái Shotokan Karate mới thật sự rẽ võ nghiệp của Oyama sang một bước ngoặt lớn lao.

Say mê khi nhìn những môn sinh tập Kata và Kumite, chàng đã ghi tên tập tại võ đường của võ sư Funakoshi Gichin nằm trong Đại học Takushoku, học cùng với người con trai thứ ba của võ sư tên là Funakoshi Yoshitaka. Sự tập luyện chuyên cần với năng khiếu bẩm sinh đã khiến Oyama đạt được nhị đẳng huyền đai chỉ sau 2 năm tập luyện, vào năm chàng được 17 tuổi. Sau đó Oyama theo học hệ phái Goju-ryu Karate với võ sư So Nei Chu người Triều Tiên (từng vô địch quyền Anh của 6 trường đại học vùng Kansai, Nhật Bản). Khi gia nhập quân đội năm 20 tuổi, Oyama đã mang huyền đai đệ tứ đẳng Karate. Cũng trong những năm này Oyama quan tâm trở lại Judo, tiếp tục theo rèn tập và lại đạt tới tứ đẳng huyền đai chỉ sau 4 năm tập luyện.

v2
Oyama Masutatsu là người sáng lập trường phái Kyokushinkai Karate

Năm 1945, sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến 2, sự khinh miệt sau đó của những kẻ chiếm đóng, cùng ước vọng trở thành sĩ quan lục quân tan vỡ đã trở thành những cú sốc giáng mạnh vào cuộc đời Oyama Masutatsu. Vượt quá sức chịu đựng của một chàng trai trẻ, Oyama đã sống những ngày giang hồ, thường xuyên gây gổ với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật, đánh gục chúng khi chứng kiến chúng hiếp đáp phụ nữ Nhật Bản và nện những tên vô lại trên đường phố trung tâm Tokyo.

Năm 1946 bỏ qua những lời khuyên của người thân và bạn bè nên ở lại làm ăn kinh tế Oyama Masutasu lên núi Minobu tại Yamanashi, thuộc tỉnh Chiba tu luyện. Sau 1 năm tháng tập luyện trong hoang lạnh và cô độc, Oyama đạt thành tích vô địch Karate nội dung đối kháng tại Đại hội võ thuật Nhật Bản do Enshin-kai tổ chức tại Hội đường Maruyama, Kyoto, sau khi so găng với một vận động viên có sở trường là cú đá vòng cầu thần tốc từng vô địch trong giới sinh viên Nhật Bản.

v3
Trong sự nghiệp Oyama Masutatsu giành chiến thắng 270 trận liên tiếp. Phần lớn các đối thủ của ông bị hạ chỉ sau một đòn.

Sau đó, Oyama quyết định vào núi Kiyosumi tỉnh Chiba, một ngọn núi hoang sơ rất thích hợp cho việc luyện tập nội công, tiếp tục tu luyện vào năm 1948. Lần tu luyện này, với ý chí cao độ “nhất tâm kiên cường”, Oyama chỉ mang theo hành lý quan trọng nhất là bộ sách Musashi 8 quyển của Yoshikawa Eiji, kiếm, thương, súng săn, một bộ tạ, nồi niêu với hạn độ ít nhất.

Sinh hoạt trên núi, như tự truyện Sekai Kenka Ryoko (Du hành vào thế giới chiến đấu, Nhà xuất bản Kyokushinkai Karate Best Seller ấn hành lần đầu năm 1968) của Oyama thuật lại, mỗi ngày mới bắt đầu từ 4 giờ sáng khi Oyama tỉnh táo nhờ ngâm mình trong dòng suối gần đó, chạy lúp xúp về lều và tập tạ để luyện thể lực, ăn uống và đọc sách. Sau đó, vào 4 giờ chiều cho tới đêm khuya chàng luyện các đòn quyền, cước trên những thân cây đã quấn rơm quanh lều.

Cũng trong những năm tháng này, học theo các ninja ngày xưa, chàng luyện các kỹ pháp bật nhảy, nhào lộn để tăng sự dẻo dai của cơ thể bằng cách trồng cây tầm ma, một loại cây có sức sinh trưởng mạnh, cắt ngọn còn độ hai thước và tập nhảy qua mỗi ngày 300 lần theo sự phát triển của cây; đồng thời luyện công phá cạnh tay và nắm đấm vào đá sỏi. Lần đầu tiên trong đời chàng thực cảm thấy mình đã trở nên mạnh mẽ khi dùng tay chặt vỡ đá bằng đòn shuto trong một đêm trăng. Khoảng một năm rưỡi sau đó, ngày Oyama xuống núi, những cây cối quanh căn lều của chàng đã trơ trọi, chết rụi vì những đòn quyền cước và bên lều, một đống đá nát vụn đã chất cao lên như núi.

Năm 1950, Oyama Masutatsu hạ sơn và tử chiến với một con bò mộng tại thành Tateyama huyện Chiba. Và bắt đầu từ đây Oyama đã trở thành huyền thoại vì những kỳ tích công phu dùng tay không hạ sát 47 con bò mộng hung dữ với 4 con chết tại chỗ và những con khác bị gãy sừng vì cú chặt cạnh bàn tay. Năm 1957 ở tuổi 34, Oyama suýt chết tại México khi một con bò nổi điên vòng ra sau lưng húc, kéo lê và giày xéo lên người ông khi ông đã ngã xoài ra trên mặt đất. Oyama đã cố gắng hạ con bò và chặt gãy sừng nó nhưng sau đó phải nằm liệt giường 6 tháng trong khi chờ những vết thương chí mạng hồi phục.

v4
Oyama đã trở thành huyền thoại vì những kỳ tích công phu dùng tay không hạ sát 47 con bò mộng hung dữ với 4 con chết tại chỗ và những con khác bị gãy sừng vì cú chặt cạnh bàn tay.

Năm 1952, Oyama Masutatsu du hành tới Mỹ và nhận lời thách đấu trực tiếp trên truyền hình 7 trận và toàn thắng. Năm 1955 khi ông biểu diễn đòn shuto chặt bay cổ chai rượu Whisky dựng đứng mà phần thân chai bên dưới không bị đổ, ông được công chúng Mỹ đặt danh hiệu “god hand” (“Thần thủ” hay “Thánh thủ”). Chiêu thức này nhiều môn đồ của ông tại võ đường Kyokushin Karate về sau cũng luyện thành.

Tháng 1 năm 1964 các võ sư Muay Thái (quyền Thái) thách đấu với Karate Nhật Bản, giới Karate Nhật từ chối vì cho là “tà đạo”, nhưng Oyama nhận lời và cùng với ba môn đệ là Kurozaki, Nakamura, Ozawa sang Bangkok giao đấu. Thắng 2 trong 3 trận, giữ uy tín cho Karate Nhật Bản. Trong suốt cuộc đời của Oyama Masutatsu, ông đã đến 32 quốc gia, giành chiến thắng 270 trận liên tiếp, tất cả đều là những cuộc đấu công khai. Phần lớn các đối thủ của ông bị hạ chỉ sau một đòn. Biệt danh của ông ở Nhật Bản là “Thần thủ”.

Ở một khía cạnh khác, Oyama không chỉ là một võ sư Karate với quả đấm thép, ông còn là một cây bút xuất sắc có khả năng sáng tác mạnh mẽ. Tác phẩm What’s Karate? của ông xuất bản tại Nhật tháng 1 năm 1958 đã tạo nên kỷ lục sách bán chạy nhất tại hải ngoại. Sau tác phẩm này, Oyama còn viết 13 quyển về Kỹ thuật Karate, Tự truyện Sekai Kenka ryoko (Du hành vào thế giới chiến đấu) gồm 8 quyển, Luận văn võ đạo 20 quyển.

Ông còn là giám đốc của Nhà xuất bản Power Karate và giám đốc phát hành của nguyệt san tạp chí Power Karate xuất bản tại Nhật. Cho đến cuối đời, Oyama vẫn còn một công trình dang dở là cuốn Karate bách khoa từ điển được ông chấp bút từ năm 1980. Năm 1997, 3 năm sau khi ông mất tác phẩm này được học trò của ông biên soạn lại và cho xuất bản dưới nhan đề một cuốn bách khoa toàn thư Karate The Unfinished Encyclopedia of Karate.

C.T (Tổng hợp)