Đại võ sư Vovinam là sư huynh Lý Tiểu Long?

Võ sư Phan Dương Bình sinh năm 1929, là một cao đồ của Vovinam. Ông cùng với cố võ sư Lê Sáng là một trong 2 cao đồ được võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc chọn làm người kế nghiệp cho mình khi phát triển vovinam vào phương Nam. Nhưng do thời cuộc ông phải quay về Hà Nội lập nghiệp. Nhưng ít ai biết, ông cũng là một cao đồ của tôn sư Tế Công – người phát triển Vịnh Xuân Quyền tại Việt Nam. Và theo vai vế, ông cũng là sư huynh của “con rồng nhỏ Trung Hoa” Lý Tiểu Long…

Ông trông không giống người học võ bởi vóc thái thư sinh. Nếu không có sự giới thiệu của các võ sư thì khi gặp, tôi cứ ngỡ ông là một ông giáo nghỉ hưu, đang thảnh thơi an hưởng tuổi già. Mê truyện kiếm hiệp từ nhỏ nên suốt thời niên thiếu, ông ước ao được hoá thân thành những nhân vật trượng nghĩa như trong truyện. May mắn lớn trong đời, ông đã được nhận làm đệ tử của một cao thủ đệ nhất: Thầy Tế Công của môn Vịnh Xuân quyền.

110709103358-981-638

Có lẽ, trong số các võ sư người Trung Quốc lánh nạn dạt đến Việt Nam thì võ sư Tế Công là người nổi tiếng và có nhiều công lao nhất. Nhờ có ông mà các võ sinh người Việt biết đến một võ phái lừng danh, và cũng nhờ có ông mà Vịnh Xuân Việt Nam đã có những viên gạch vững chắc đầu tiên.

Cụ Tế Công tên đầy đủ là Nguyễn Tế Công, là sư huynh của danh sư Diệp Vấn, Chưởng môn phái Vịnh Xuân ở Hồng Koong (tôn sư của võ sĩ, hiện tượng điện ảnh Lý Tiểu Long. Như vậy Tế Công là sư bá của Lý Tiểu Long). Với vị sư tổ của môn phái Vịnh Xuân Việt Nam này, thì võ sư Phan Dương Bình có rất nhiều kỷ niệm dù người đã đi xa cả nửa thế kỷ rồi.

Năm 1907, võ sư Tế Công đến Việt Nam. Ban đầu, bởi muốn che giấu thân phận, vị võ sư tiếng nổi như cồn ở Trung Quốc ấy đã không truyền dạy võ nghệ cho ai. Thế nhưng, ngặt nỗi gia sản của bậc cao nhân ấy ngày một sa sút. Ngày ấy, ở Hàng Buồm, cửa hàng thuốc của gia đình cụ Trần Thúc Tiển đang thời bán buôn gặp nhiều phát đạt nên của ăn của để dôi dư.

Thấy cảnh ngộ cụ Tế Công bần hàn, cụ Tiển đem lòng thương xót. Cụ Tiển thường qua lại thăm hỏi và giúp đỡ luôn.

Cụ Tiển mắc chứng lao mãn tính, thuốc thang đã nhiều mà bệnh tình chẳng hề thuyên giảm. Chứng nan y ấy làm thân thể cụ héo mòn, đỉnh điểm trọng lượng cơ thể chỉ xấp xỉ 35 kg. Thấy người thật lòng hậu đãi mình vướng vào bạo bệnh, sau nhiều đêm đắn đo, cụ Tế Công đã quyết định dạy võ cho cụ Tiển, bởi từ khi ra đời, nội công của Vịnh Xuân đã chiến thắng nhiều căn bệnh nan y.

Và, thật diệu kỳ, chỉ sau một thời gian luyện tập, bạo bệnh vốn hành hạ cụ Tiển bao nhiêu năm đã bị đẩy lùi. Và, cũng từ khi dạy võ cho cụ Tiển thì cụ Tế Công mới bắt đầu nhận đệ tử để truyền thụ những tinh hoa võ học mà mình có được.

Buổi tiếp khách có một không hai

Vịnh Xuân thiên về nhu, lấy nhu chế cương và phân biệt rạch ròi giữa nội công và nội lực. Nội công là khả năng chịu đòn, nội lực là lực đánh ra. Cả hai thứ trên, trong làng võ hiếm môn phái nào sánh kịp. Theo cụ Tế Công, học võ chỉ vỏn vẹn 2 năm nhưng những khả năng siêu phàm ấy của sư phụ mình, đến giờ, lão võ sư Phan Dương Bình vẫn còn ấn tượng.

Ông kể, đã có lần, với nội lực kinh hoàng, chỉ một chưởng, cụ Tế Công đã đánh bật một bao tải gạo nặng đến gần 2 tạ văng tuột cả bốn năm thước từ đầu bàn này sang đầu bàn kia. Lần nữa, ở ngay nhà cụ Tế Công, ông đã được tận thấy sức mạnh kinh hoàng của sư phụ mình. Hôm ấy, nhác thấy hai người Tàu đang ngáo ngơ trên phố, cụ Tế đã vẫy ông và bảo: “Pha cho thầy ấm trà ngon, sắp có khách quý!”.

Quả như lời thầy, khi chén trà nóng hôi hổi vừa được rót ra thì hai vị khách người Tàu đã đứng ngay trước mặt. Cầm chén nước trên tay, cụ Tế cung kính mời khách theo đúng nghi thức của người Trung Hoa. Thế nhưng, đó chẳng phải là kiểu mời nước bình thường. Chủ tay nắm chặt chén nước, khách thì phùng mồm trợn mặt bóp chặt tay chủ phía ngoài.

Chủ vẫn vẻ mặt điềm nhiên, nói nói cười cười tiến ra cửa và đẩy khách ra theo. Bị đẩy, người khách thứ hai vội vã nhảy vào tiếp sức nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Cả hai bị chủ dồn ra tận ngoài cửa, trong khi chén nước trên tay chủ vẫn không hề sóng sánh. Đến khi ấy thì hai vị khách phải nhượng bộ, nhảy dạt sang hai bên và chắp tay, nói những lời khâm phục.

Lão võ sư Phan Dương Bình kể, khi mời khách trở lại nhà, trò chuyện, ông được biết, hai vị khách ấy 10 năm trước, trong cuộc tỉ thí đã bị sư phụ Tế Công đánh bại. Mười năm, họ đã dồn hết tâm trí, sức lực để luyện võ và lặn lội khắp nơi để tìm cụ Tế, những mong trả được mối hận năm nào. Thế nhưng, chỉ bằng động tác thử trên, họ đã biết, võ công của mình còn kém cụ Tế rất nhiều.

Nối gót sáng tổ Nguyễn Lộc phát dương Việt Võ đạo

Cụ Tế Công có người bạn thân là Chung Cảnh Vân, cũng một cao thủ của đất võ Trung Hoa, thuộc phái Thiếu lâm Hồng gia.

Cụ Chung thích phiêu bạt giang hồ, bởi vậy, khi thấy bạn mình tới Việt Nam, ngay lập tức cụ Tế đã giới thiệu ông tới học để mở mang thêm kiến thức. Chung sư phụ là người có cá tính, nóng nảy. Lão võ sư Phan Dương Bình kể, tuy là chỗ thâm giao (rất nhiều lần Chung sư phụ đến tận nhà ông để uốn nắn võ nghệ) nhưng là người nghiêm khắc nên sư phụ ông vẫn giáo cậu học trò cưng của mình vô cùng khắt khe. Chỉ nguyên chuyện đứng tấn thôi mà đến giờ nghĩ lại ông vẫn còn… thấy hãi.

Bắt cậu học trò đứng như tượng gỗ ở một góc, Chung sư phụ cứ thế mải mê cuộc cờ, chén rượu. Ấy vậy mà nếu cậu học trò chân tay rã rời mà nhúc nhích là y rằng… ăn chưởng.

Truyền thụ vừa hết những công phu của mình cho cậu học trò ham học thì bởi lý do riêng, cụ Chung phải về Trung Quốc. Thầy trò chia tay nhau, nước mắt vắn dài.

Như cánh chim không biết mỏi trên bầu trời võ thuật, muốn hấp thụ thêm những tinh tuý võ công của các môn phái khác, ông quyết định bôn ba tiếp trên con đường tầm sư học đạo. Lúc này, ở Hà Nội, danh tiếng của võ sư Nguyễn Lộc, sáng tổ môn phái Vovinam – Việt võ đạo đang nổi như cồn.

Võ sư Nguyễn Lộc, sinh năm 1912 tại làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây. Dựa trên môn võ vật cùng các môn võ cổ truyền của Việt Nam, chắt lọc những tinh hoa của võ thuật trên thế giới, cụ đã phát triển một môn phái võ rất riêng lấy tên là Vovinam, ra đời năm 1938.

Lão võ sư Phan Dương Bình kể, tìm hiểu, thấy tinh thần vẻ vang của Vovinam và của võ sư Nguyễn Lộc rất phù hợp với mình, ngay lập tức ông khăn gói tìm đến võ đường đang là nơi sinh hoạt của rất nhiều thanh niên Hà thành ấy. Ngay buổi đầu tiếp xúc, võ sư sáng tổ của môn phái giờ đã nổi tiếng khắp năm châu đó đã vô cùng quý mến ông.

Thấy ông đã có căn bản, quyền cước thì vô cùng uyển chuyển, võ sư Nguyễn Lộc đã mời ông lưu lại ngay tại nhà mình để rèn dạy và phụ trách việc trợ giảng. Võ sư Nguyễn Lộc hơn ông 18 tuổi, tuy danh nghĩa là thầy trò nhưng chỉ ít bữa biết nhau, hai người đã tình thâm như ruột thịt.

Những ngày ở bên võ sư Nguyễn Lộc, ông không những được trau dồi rất nhiều kiến thức võ học uyên thâm mà còn học được ở người thầy, người anh ấy rất nhiều đức tính quý báu mà cả đời ông sẽ chẳng thể nào quên. Có lần, tâm sự, võ sư Nguyễn Lộc đã nói với ông rằng: “Là võ sinh thì phải tôn thờ danh dự võ sĩ Việt Nam. Hiểu biết nhiệm vụ và nguyện hi sinh cho lý tưởng của người võ sĩ, xứng đáng với tên gọi vì nghệ thuật và nhân loại.”.

Cuộc thượng đài chấn động bất thành

Trước năm 1954, trước làn sóng đấu tranh sôi nổi của thanh niên Việt Nam, thực dân Pháp đã đứng ra thực hiện rất nhiều hoạt động thể thao, mục đích là ru ngủ phong trào quần chúng. Bởi thế, tại Hà Nội, các võ đài mọc lên ở khắp nơi và cũng thu hút rất nhiều cao thủ từ khắp mọi miền về tranh tài, thi thố.

Những võ đài ấy không những có sức hút với các võ sĩ trong nước mà còn hấp dẫn cả những cao thủ nước ngoài. Với các võ sĩ ngoại quốc, khi được nhà cầm quyền bật đèn xanh, họ đến Việt Nam không chỉ là tìm đối thủ để tranh tài, phân biệt cao thấp mà còn biến đó thành cơ hội để kiếm bộn tiền.

Mỗi trận thượng đài của họ đều tổ chức bán vé và thu hút rất nhiều khán giả tới xem. Với chủ đích trên, khoảng đầu năm 1953, hai anh em võ sư nổi tiếng ở Hồng Kông là Vương Bang Phu, Vương Bang Dân cũng tìm về Hà Nội.

Trong hai anh em thì Vương Bang Phu sức khoẻ phi thường. Đại lực sĩ này có thể vật ngã cả con bò mộng, tay không bẻ cong nhíp ô tô, kê ván trên người để mấy chục khán giả trèo lên nhún nhảy mà mặt vẫn không hề biến sắc.

Người em Vương Bang Dân thì thân thủ nhanh nhẹn, quyền thuật biến ảo khôn lường. Tại Hông Kông, suốt gần chục năm, hai anh em thượng đài mà vẫn chưa tìm ra đối thủ.

Bởi thế, đến Hà Nội, thách đấu đã vài ngày mà chưa tìm thấy ai nhận lời thách đấu, Phu, Dân đành dùng kế khích tướng và cũng là để lôi kéo khán giả đến xem những trận thượng đài của mình. Hai anh em Vương đã loan tin rằng, họ vừa đánh gục thần tượng của thanh niên thủ đô, võ sư Nguyễn Lộc. Tin ấy truyền đi khắp mọi nơi khiến nhiều người, dù biết là tin vịt vẫn vô cùng phẫn nộ.

Tại võ đường của Vovinam, là người điềm đạm nên võ sư Nguyễn Lộc chẳng chút bận tâm tới sự hỗn hào của hai võ sĩ ngoại quốc. Tuy thế, các học trò của ông, đặc biệt là võ sư Phan Dương Bình thì hết sức bức xúc, nằng nặc đòi rửa nhục cho thầy, cho môn phái. Và, bí mật, ông đã tìm hai anh em họ Vương để nhận lời thách đấu.

Thông tin ấy ngay lập tức thành đề tài nóng hổi của báo giới trong nước và nước ngoài. Dân tình sôi sục, chờ mong đến ngày hổ đấu, long tranh. Sự căng thẳng của trận đấu trên đã khiến nhà chức trách lo lắng và ngay lập tức phải nhảy vào can thiệp.

Ngay trước ngày thượng đài, võ sư Phan Dương Bình bị nhà cầm quyền bắt nhốt. Vậy là, trận đấu được rất nhiều người mong đợi trên đành phải huỷ bỏ. Võ sư Phan Dương Bình kể, biết đã đụng chạm đến tinh thần thượng võ của người Việt nên ngay ngày ông bị bắt nhốt thì hai anh em Phu, Dân gửi lời xin lỗi chính thức đến ông, đến võ sư Nguyễn Lộc và toàn thể những người học võ ở Hà Nội. Lời xin lỗi đó được đăng tải trên khắp các mặt báo khiến dư luận được một phen hả hê, phấn khích.

Một ngày chịu hàng ngàn cú đấm

Sau sự nổi tiếng của hiện tượng Lý Tiểu Long vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Vịnh Xuân quyền đã được rất nhiều môn sinh theo học. Và, trên khắp thế giới, rất nhiều những võ đường của Vịnh Xuân đã được khai trương. Thế nhưng, ngoài cái nôi là Trung Hoa, chỉ có hai nơi Vinh Xuân thu gặt hái được nhiều thành công, hội tụ nhiều cao nhân nhất, đó là Hồng Kông và Việt Nam. Điều ấy đã được danh sư Tế Công thừa nhận khi ông rời Hà Nội vào Nam sinh sống.

Lúc chia tay, nhìn sự trưởng thành của đám học trò mình, buột miệng ông bảo: “Vịnh Xuân đã sang Việt Nam mất rồi!”. ở Hồng Kông, sư đệ của cụ Tế Công là danh sư Diệp Vấn cũng đưa Vịnh Xuân phát dương quang đại với Vịnh Xuân Hồng Kông. Tại chi phái này, ngoài Lý Tiểu Long, tông sư Diệp Vấn còn có một đệ tử chân truyền, tiếng tăm lừng lẫy là Ngũ Sáng. Ngũ Sáng có trưởng tràng là Trần Nghị Khiêm, một thần đồng võ thuật. Lão võ sư Phan Dương Bình kể, 15 năm trước, Trần Nghị Khiêm có đến Việt Nam. Và, người đầu tiên mà Trần sư phụ muốn gặp là lão võ sư Phan Dương Bình.

Ông Bình kể, Trần Nghị Khiêm là người cao lớn, quyền thuật nặng tính cương. Hai người đã vài lần thử sức, nhưng bất phân thắng bại. Sau những trận thử tài ấy, khâm phục về nội công của người đồng môn, Trần Sư phụ đã nhờ ông chỉ giáo.

Lão võ sư Phan Dương Bình giờ có nhiều học trò, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Họ là những người ngưỡng mộ Vịnh Xuân nên tìm về Hà Nội.

Lão võ sư bảo, người Tây học võ thực dụng hơn người Á Đông, bởi thế, trước khi bái ai đó làm sư thì họ thường… thử luôn tài sức của người đó. Từ năm 1982, khi phong trào võ thuật của Hà Nội được khôi phục đến giờ không biết bao nhiêu lần ông được (bị) các võ sinh phương Tây thách đấu. Sau tất cả các cuộc thử tài ấy, ông đều nhận được thêm những đệ tử một lòng hướng về võ thuật chân chính.

Năm 1995, một câu lạc bộ võ thuật nổi tiếng ở Đức, sau khi cho thành viên của mình sang Việt Nam thăm dò, đã mời đích thân ông sang đó dạy võ. Cuộc “ly hương” này đến giờ nhiều người vẫn còn ấn tượng và được nhiều tờ báo lớn ở Đức đăng tải. Tại đó, với nội công siêu phàm của mình, ông lão võ sư tuổi đã ở ngưỡng xưa nay hiếm ấy đã lên một lịch tập kinh hoàng. Từ 14 giờ đến 18 giờ mỗi ngày, các môn sinh lực lưỡng có thể thoải mái tung hàng ngàn cú đấm vào thân

Kỹ năng “thần đả”

Bây giờ, tuổi đã gần 80 nhưng lão võ sư Phan Dương Bình vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Gặp ông tại căn gác yên tĩnh tại phố Hàng Bạc, ông bảo, chính nghiệp võ đã cho ông một sức khoẻ dồi dào.

Sáng nào cũng vậy, cứ như đồng hồ, 3 giờ sáng đã thấy ông ngồi dậy với bài khí công quen thuộc. Khí lực siêu phàm, như nhiều cao thủ Vịnh Xuân khác, tuổi ấy, ông vẫn có thể để mọi người thẳng tay nện hết sức vào người mà sắc mặt vẫn không hề suy chuyển.

Về quyền cước, hiện tại, ông cho biết, kỹ năng của ông đã đạt tới mức “thần đả”, đỉnh giới cao siêu của võ thuật. Đỉnh giới ấy là “tâm ứng thủ”, nghĩa là nghĩ ra đòn ở bộ phận nào thì lực đã có sẵn ở bộ phận đó, không cần vận đà nhiều. Luyện tới đỉnh giới đó thì người võ sư chỉ cần nghĩ ra động tác, chiêu thức thì ngay lập tức chân tay thực hiện chính xác, thành công chứ không cần qua tập luyện.

Tuổi cao, nhưng ông còn rất nhiều dự định với nghiệp võ của mình. Tâm sự, ông bảo, ông rất thần tượng Hoắc Nguyên Giáp, một võ sư nổi tiếng của Trung Quốc. Vị võ sư ấy bằng tài năng đã dựng lên Tinh võ quán oai danh một thủơ và hội tụ nhiều võ sư tài nghệ cao thâm.

VoThuat.info (TH)