Gặp truyền nhân Long Hổ Hội lừng danh đất Sài thành

Dù năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng trông ông vẫn quắc thước, minh mẫn và cứng cỏi. Ông là truyền nhân của cố võ sư Long Hổ Hội – võ sư Long Phi Báu.

Nói chuyện với chúng tôi, Long Phi Báu cho biết, người bình thường đến tuổi này chân tay đã teo tóp, rút lại nhưng tôi thì chân vẫn cứng như đồng. Để chứng minh lời nói ấy, ông không ngại lấy ống quyển của mình đá ngang cột bàn bằng sắt trước mặt chúng tôi. Tiếng ống chân đập vào cột sắt kêu coong coong khiến PV rợn người. Long Phi Báu (tên thật là Nguyễn Văn Báu) được mệnh danh là người đàn ông có ống quyển như đồng.

Thời trai trẻ, nói đến Long Phi Báu đá cong cọc sắt bằng ống quyển (cẳng chân) ở quận Gò Vấp (TP.HCM) ai cũng biết. Dù không đánh trận nào lớn như các sư huynh Mousetaza, Long Mouse (Đới Văn Quý)… nhưng nhắc đến Long Phi Báu, nhiều người trong giới võ thuật lúc bấy giờ đều biết ông là một trong những học trò có tiếng của cố võ sư Lâm Hữu Hội.

Ông kể, tôi sinh ra tại Hải Phòng, theo cha mẹ vào Sài Gòn sinh sống khi còn nhỏ. Thời ấy, các khu vực như An Nhơn, Đất Đỏ, Ngã năm Chuồng Chó… (quận Gò Vấp ngày nay) là những tụ điểm của tệ nạn xã hội. Giang hồ tứ cố vô thân cũng tụ tập về đông như kiến cỏ. Trong cảnh ấy, chuyện đấm đá diễn ra hàng ngày. Nếu một ngày không thấy cảnh đánh đấm người ta cho là sự lạ.

Long Phi Báu là môn đệ thuộc đời thứ hai của Long Hổ Hội. Ông được thọ giáo cùng cố võ sư Lâm Hữu Hội và những sư huynh nổi danh khác như Muosetaza, Long Mouse (Đới Văn Quý), Long Hổ Bill (Lâm Hữu Bình)… Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông kể nhiều về Long Hổ Hội, về các sư huynh đệ. Còn riêng bản thân mình, Long Phi Báu cho biết sau một vụ tai nạn xe máy ông đã rẽ vào con đường khác. Đó là con đường dạy võ.

Võ sư Long Phi Báu kể: “Tôi học võ từ năm 12 tuổi. Bắt đầu học múa hoa sau đó được người bạn cũ dạy võ. Thấy tôi có năng khiếu, người bạn này giới thiệu qua lò võ Long Hổ Hội. Sau một thời gian theo cha (cách các môn đệ gọi sư phụ Lâm Hữu Hội là cha – PV), tôi đã học được nhiều chiêu thức của Thiếu Lâm Nững Xị. Trong đó, có cú đá tạt ngang bằng ổng quyển chí mạng”.

Sau một thời gian tu luyện, Long Phi Báu đã lĩnh hội thành công chiêu thức này. Đến năm 18 tuổi, cú đá bằng ổng quyển của ông đã nổi tiếng khắp Sài Gòn. Năm đó cũng là độ chín về võ nhưng cũng là lúc ông gặp chuyện không may. Số là năm đó, Long Phi Báu bị tai nạn xe và thương tật ở chân. Đến năm 1972, ông được cha cho mở lớp dạy võ và duy trì đến ngày nay.

Lúc đó, tại võ đường (ngôi nhà hiện nay ông đang ở trên đường Phan Văn Trị, P.10, quận Gò Vấp) có người vốn là lính biệt kích chế độ cũ và là dân võ đến tìm Long Phi Báu. Anh ta xưng là Quý “Nhái”, đeo đai nhị đẳng Taekwondo. Vừa gặp mặt, Quý “Nhái” lớn tiếng thách thức: “Chú em nhỏ tuổi vậy, võ nghệ không biết có bao nhiêu mà dám mở võ đường dạy võ? Có ngon ra đây thử vài miếng coi”. Trước hàng trăm cặp mắt của các đệ tử, Long Phi Báu nhận lời thách đấu.

Trong khi Quý “Nhái” hăng máu thì Long Phi Báu điềm tĩnh và lạnh lùng bước tới nghênh chiến. Hai bên thủ thế. Nhưng khi hai bên tung chưa được mấy chiêu thì Quý “Nhái” đã ôm hận. Với cú tạt bằng ống quyển cứng như đồng sở trường của mình, Long Phi Báu đã khiến Quý “Nhái” gục ngã.

Thời đó còn trẻ nhưng khi đánh đấm xong, anh em bắt tay nhau làm quen. Và Quý “Nhái” đã mời Long Phi Báu đi uống bia. Sau đó, họ thường xuyên đi chơi với nhau. Sau khi hạ gục Quý “Nhái”, tiếng tăm của Long Phi Báu cũng được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, không ai tới võ đường Long Phi Báu “kiếm chuyện” nữa.

Dù đã ngoài lục tuần nhưng võ sư Long Phi Báu cho biết, vẫn có thể “đánh đấm” được. Đặc biệt, ông vẫn thực hiện thuần thục cú đá tạt ngang ống quyển cứng như đồng ngày nào khiến đối thủ khó lòng chống đỡ. Nói về Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội, võ sư Long Phi Báu cho biết: Nhìn từ trên cao của một đường quyền thì đó là một chữ viết. Nó khởi động chỗ đầu của chữ và kết thúc hoạt động vào cuối chữ. Bao nhiêu đời trôi qua nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên các đường quyền trong Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội. Phải kiên quyết giữ cho được những đường quyền chính xác của cha đã truyền lại. Không thêm, không bớt một động tác nào. “Bởi cha nói rằng, thêm hoặc bớt, dù chỉ một đòn, một thế là sửa đường quyền, là phản cha. Ý muốn của cha là không để các bài quyền của Long Hổ Hội “tam sao thất bản””, võ sư Báu tâm sự.

Ông Lâm Hữu Hội khi còn sinh thời đã có lời thề sẽ nguyện giữ đúng chân truyền của Tổ Pháp. Đó là Thiếu Lâm Nững Xị không sao chép, vay mượn của bất cứ một võ phái khác hoặc sửa đổi làm mất đi giá trị bản gốc. Theo ý nguyện đó, võ sư Long Phi Báu và những đệ tử đang truyền dạy cho nhiều người theo học võ Thiếu Lâm Nững Xị nguyên bản mà ông học được tại các cơ sở của võ đường Long Phi Báu.

Trong số học trò theo võ đường Long Phi Báu có nhiều học trò đã đạt các giải cao. Như Võ Văn Đài đã giành được thứ hạng cao trên thế giới. Kế đến các võ sĩ đã thành huấn luyện viên như Trương Văn Sử, Phan Đình Vinh, Đặng Đình Cảnh, Nguyễn Minh Tùng… Võ sư Long Phi Báu cũng đã vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục thể thao của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng năm 2004.

Trong số những học trò của võ sư Long Phi Báu có Hoàng Ngọc Toàn được nhiều người biết. Hoàng Ngọc Toàn theo nghề võ từ năm 1998. Đến năm 2005 thì đạt huy chương Vàng hạng cân 54kg ở giải vô địch toàn TP. HCM. Toàn cũng được gọi vào đội tuyển thành phố tập luyện thi đấu giải toàn quốc và đạt nhiều giải. Sau này, Toàn cũng đứng lớp, dạy lại cho đàn em các chiêu thức của Long Hổ Hội.

Hiện võ đường Long Phi Báu có 4 cơ sở tại TP.HCM, trong đó 2 cơ sở ở Gò Vấp, 1 cơ sở ở Củ Chi và 1 cơ sở tại quận 12. Võ sư Long Phi Báu cùng với một số môn đệ khác của Long Hổ Hội đang tiếp tục truyền bá Thiếu Lâm Nững Xị cho những người yêu võ thuật tại TP.HCM và khắp nơi.

V.Đ – Tổng hợp